Mục tiêu học tập và mức độ chí hướng
Mục tiêu học tập và mức độ chí hướng là hai mặt của một sự vật. Mục tiêu học tập là tiêu chuẩn khách quan của học tập, mức độ chí hướng là ý chí chủ quan của học tập.
Xây dựng mục tiêu giống như vận động viên nhảy cao đặt mức xà nhảy vậy. Mức cao thấp khi đặt xà nhảy chính là mức cao thấp của mục tiêu đặt ra. Song song với điều đó, mức cao thấp của mục tiêu biểu hiện nguyện vọng chủ quan của người đặt ra mục tiêu, người đặt ra mục tiêu cao mong muốn giành được thành tựu lớn hơn. Về mặt học tập, mục tiêu học tập và chí hướng cao hay thấp ảnh hưởng đến thành tích học tập của học sinh.
Các công trình nghiên cứu của tâm lý học chỉ rõ mục tiêu cá nhân đặt ra càng cao, kỳ vọng càng cao, hoài bão càng lớn, thì thành tích của người đó càng lớn. Ngược lại, nếu thỏa mãn với hiện trạng, chẳng có mong muốn gì thì sẽ dẫm chân tại chỗ. Mục tiêu chí hướng hoặc kỳ vọng càng cao, thì người đó sẽ gắng sức nhiều hơn để thực hiện mục tiêu của mình, không ngừng thâu lượm tri thức mới và những bài học kinh nghiệm, và cũng cảm thấy vui sướng hơn khi thành công, từ đó lại trổi dậy kỳ vọng mới. Mục tiêu, chí hướng hoặc kỳ vọng thấp, thì công sức bỏ ra cho việc đó nhỏ, do đó rất ít được hưởng niềm vui khi giành được thành tích, rất ít khi có được một tâm trạng “hãnh diện khi đứng trên đỉnh cao chót vót hiểm trở”.
Các nhân tố ảnh hưởng đến mục tiêu học tập và mức độ chí hướng của học sinh rất phức tạp, chủ yếu gồm có ba mặt:
Một là, yêu cầu của thầy cô và cha mẹ đối với học sinh. Yêu cầu của thây cô và cha mẹ đối với học sinh và con em càng cao thì nguyện vọng dành được thành tích tốt của các em càng mạnh mẽ. Thầy cô và cha mẹ thường khuyến khích học sinh, con em tìm tòi sự vật mới, nếm trải sự vật mới, tỏ rõ năng lực của bản thân trong những trường hợp cạnh tranh. Đặc biệt họ mong muốn các em độc lập tự chủ, nắm vững tri thức và kỹ năng cao hơn. Ngược lại, những phụ huynh yêu cầu học sinh thấp thì thường thích con em quanh quẩn bên cạnh mình, hạn chế hành động của các em, giúp đỡ, thậm chí thay các em giải quyết công việc, mà không nghỉ tới sự tiến bộ học hành của các em.
Hai là, ảnh hưởng của thành tích học tập. Thành tích học tập của học sinh tốt hay xấu cũng ảnh hưởng đến mức độ chí hướng của các em. Thành tích học tập tốt các em cảm thấy vui sướng dễ xây dựng một chí hướng tương đối cao. Ngược lại thành tích học tập kém, sẽ dễ nản chí.
Ba là, sự cảm ứng khi so sánh với người khác. Học sinh nếu biết rằng thành tích học tập của mình xếp trên các học sinh khác ở trong lớp sẽ có thể xây dựng cho mình một chí hướng cao hơn các bạn học khác, ngược lại, những học sinh thành tích kém hơn các bạn học khác thì mất lòng tin vào bản thân, không còn hy vọng gì vào việc học tập. Việc so sánh với những người có trình độ khác nhau như vậy, hoặc nâng cao được mức độ chí hướng hoặc hạ thấp mức độ chí hướng, và được gọi là sự cảm ứng của việc so sánh với người khác.