Quá trình học tập
Mọi người tuy hàng ngày đọc sách học tập, nhưng thường không biết học tập được tiến hành thế nào. Nói chung, toàn bộ quá trình học tập có 4 giai đoạn dưới đây:
Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn cảm giác tri giác, tức quá trình học sinh dùng cảm giác tri giác như nghe, nhìn, sờ mó v.v...để có thể nhận thức cảm tính. Ví dụ trong khi nắm các tri thức về toán, lý, hóa, để lĩnh hội được khái niệm, quy tắc, định lý viết trong sách, thường phải quan sát một số hình vẽ, sờ vào một số vật thực nghiệm. Trong khi học lịch sử, đia lý, để nắm được hàm nghĩa của những khái niệm lịch sử, địa lý cũng thường xem các văn vật lịch sử, tranh ảnh, bản đồ v.v... Trong giảng dạy ngữ văn, để hiểu được nội dung tác phẩm, lĩnh hội được tư tưởng trọng tâm của bài học, thông thường phải trình bày bằng ngôn ngữ hình tượng hoặc quan sát tranh ảnh và tranh minh họa có liên quan. Thông qua một loạt hoạt động như quan sát, lắng nghe, sờ mó, thao tác hoặc tưởng tượng v.v. . . thu được nhận thức cảm tính cụ thể về những tri thức cần học.
Giai đoạn thứ hai là lý giải, tức quá trình dựa trên cơ sở nhận thức cảm tính, thông qua phân tích và tổng hợp, trừu tượng và khái quát để đạt tới nhận thức được bản chất của sự vật. Lấy quá trình học, khái niệm ''góc” làm ví dụ, sau khi cảm giảc tri giác được thông qua vật thực hoặc hình vẽ có liên quan với góc, trong óc người ta xây dựng được hình ảnh mặt phẳng của góc, đó là cảm tính, chưa phân chia ra thành đặc trưng bản chất và phi bản chất. Trên cơ sở đó, thông qua tư duy và tưởng tượng, dần dần từng bước nhận thức được rằng ''góc là phần mặt phẳng giới hạn bởi hai nửa đường thẳng cùng xuất phát từ một điểm'', đây mới là sự lý giải bản chất.
Giai đoạn thứ ba là củng cố: Cùng với lúc thu lượm và lý giải tri thức và sau đó cần phải củng cố. Quá trình củng cố tri thức chính là thông qua ghi nhớ lưu giữ cho kỹ tri thức để khi cần thì đem ra vận dụng, và thông qua việc củng cố tri thức tích lũy dần tri thức.
Giai đoạn thứ tư là ứng dụng. Giai đoạn cuối cùng của quá trình học tập là ứng dụng tri thức, tức là đem những tri thức đã thu lượm được thông qua cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng và ghi nhớ vận dụng vào thực tế nhằm hình thành những kỹ năng và kỹ xảo tương ứng. Quá trình vận dụng tri thức là quá trình từ không thành thạo đến thành thạo. Học sinh tiểu học trình độ đọc hiểu còn thấp tất nhiên đọc rất chậm. Luyện đọc hiểu nhiều thì kỹ năng đọc hiểu được nâng cao, có trường hợp đã đạt tới trình độ ''chỉ liếc qua đã được mười dòng''.
Bốn giai đoạn của học tập gắn bó với nhau, ứng dụng là sự tiếp tục và phát triển của ba giai đoạn trước, còn ba giai đoạn trước là tiền đề và cơ sở của giai đoạn cuối cùng. Quá trình học tập được thực hiện có liên quan chặt chẽ với động cơ học tập, sự chú ý và sự thể nghiệm tinh thần.