Tài liệu: Các loại hình tính cách

Tài liệu
Các loại hình tính cách

Nội dung

Các loại hình tính cách

Nếu để ý quan sát mọi người xung quanh bạn có thể thấy có người hiền lành, dịu dàng, có người hung ác, thô bạo, có người thành thực, thẳng thắn, có người giả dối, giảo hoạt, có người rất nhiệt tình, có người lạnh lùng cô độc, có người trầm tĩnh thận trọng, có người nóng nảy bộp chộp... Những đặc trưng khác nhau đó của con người chính là tính cách nói tới trong tâm lý học.

Đặc trưng của tính cách chủ yếu biểu hiện ở hai phương diện:

Thứ nhất là thái độ đối với hiện thực, bao gồm: thái độ đối với tập thể, xã hội và người khác, thái độ đối với lao động, công tác và học .tập, thái độ đối với bản thân. Những đặc trưng tính cách tốt đẹp ở phương diện này gồm có: yêu Tổ quốc, yêu tập thể, yêu cuộc sống, chính trực, thực thà, chăm chỉ, khiêm nhường, tự tin, tích cực v.v...

Thứ hai là các hành vi thường xuyên bao gồm những đặc trưng lý trí của tính cách như: biết quan sát, cái nhìn nhanh nhậy, giàu tưởng tượng, suy nghĩ độc lập v.v...; và những đặc trưng ý chí của tính cách được biểu hiện ra thành chủ động tự giác, dũng cảm quyết đoán, bình tĩnh tự kiềm chế, kiên nghị, nhân hậu v.v... Những đặc trưng tinh thần của tính cách được biểu hiện ra thành tinh thần thỏa mãn, trong lòng vui vẻ v.v...

Căn cứ vào tính khuynh hướng của tính cách có người chia tính cách ra làm ba loại hình: hướng nội, hướng ngoại và trung gian. Người có loại hình hướng nội thì trầm tĩnh hay suy nghĩ, phản ứng chậm rãi; người có loại hình hướng ngoại thì hoạt bát, cởi mở, giỏi giao tiếp; người có loại hình trung gian thì ở giữa hai loại người trên. Cũng có người đưa vào mức độ tính độc lập của con người chia tính cách ra làm hai loại hình: độc lập và phụ thuộc. Người thuộc loại hình độc lập thì làm việc quả cảm, biết độc lập giải quyết vấn đề, không bị người khác chi phối; người thuộc loại hình phụ thuộc thì tính độc lập kém, dễ nhẹ dạ tiếp thu ý kiến của người khác.

Tính cách của con người có thể bồi dưỡng và thay đổi được. Giai đoạn nhà trẻ là thời kỳ manh nha của tính cách, giai đoạn tiểu học là thời kỳ cấu thành của tính cách, giai đoạn trung học là thời kỳ phát triển của tính cách, thời kỳ thanh niên là thời kỳ nhào nặn của tính cách và dần dần ổn định. Tính cách của con người có mối liên hệ chặt chẽ với các mối quan hệ giao tiếp, với sức khỏe tâm lý của con người v..v. ... Bởi vậy ở thời kỳ thanh thiếu niên phải chú ý bồi dưỡng những đặc trưng tính cách tốt đẹp, phải cố gắng giữ một tâm trạng lạc quan tích cực, sống lành mạnh: thích giao tiếp, hứng thú rộng, chung sống yên lành với các người khác , tích cực vươn lên, cố gắng thích ứng với hoàn cảnh; nâng cao trình độ văn hóa tri thức; tăng cường tu dưỡng đạo đức. Cứ tích lũy dần như vậy, năm này qua năm khác sẽ bồi dưỡng những đặc trưng tính cách tốt đẹp.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/755-02-633365974113715000/Su-khac-biet-ve-tam-ly/Cac-loai-hinh-tinh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận