Đối xử với sự trắc trở
“Chim ưng bay lượn trên bầu trời khó tránh khỏi có khi gãy cánh; con ngựa hay phóng như bay trên đồng nội cũng có khi hụt vó gãy xương”. Cuộc sống có những ngày nắng đẹp, cũng có lúc mưa dầm dai dẳng, cuộc sống của bất cứ ai đều không thể thuận buồm xuôi gió, mọi sự đều như ý. Trong quá trình cố gắng thực hiện ước mơ, hy vọng và lý tưởng của mình, khi gặp trở lực, sức ép, bất đắc dĩ tạm thời dừng lại, thế là gặp trắc trở. Trắc trở là chỉ trạng thái tinh thần khi người ta cần đạt tới mục tiêu nào đó gặp trở ngại và bị quấy rối, nhu cầu và động cơ của người đó không được thỏa mãn. Đó là một hiện tượng tâm lý xã hội phổ biến
Phản ứng đối với trắc trở đại thể được chia làm hai loại. Một loại là tiêu cực: giận dữ công kích, uất ức qúa mức, tự dối mình dối người, nản lòng thối chí v.v... Một loại là tích cực: thăng hoa, bồi bổ cho cái thiếu, thổ lộ điều u uất và kì vọng vào tương lai.
Căm giận, công kích thường là trực tiếp công kích người hoặc vật gây ra trắc trở. Ví dụ có người đòi hỏi người khác điều gì đó mà không được đáp ứng thì trở mặt nói xấu, công kích người đó, thậm chí báo thù họ, ngược lại với cách làm đó là một loại cực đoan khác, đó là u uất quá mức. Những người này chôn chặt ở trong lòng nổi khổ đau do trắc trở đưa lại, tâm tình u uất, buồn bã. Như vậy có hại cho sức khỏe, u uất kìm nén lâu ngày dễ dẫn tới bệnh tâm thần. Có người sau khi bị trắc trở làm tổn thương đến lòng tự trọng thường không thừa nhận sự thực khách quan, và viện ra các loại lý do để giải thoát mình. Ví dụ thi cử tồi đổ lỗi cho chấm điểm không công bằng, đấu bóng thua gán cho trọng tài tội thiên vị v.v. . . Đó là dối mình và dối người. Có người sau khi bị trắc trở rơi vào tâm trạng buồn đau, oán giận, nản lòng, tự mình không thoát ra được tâm trạng đó. Có người rời rã ủ ê, mất lòng tin, buông xuôi. Có người tự dằn vặt mình, tự nguyền rủa mình, tự hành hạ mình, uống rượu quên sầu, thậm chí tự sát, coi thường cả mạng sống. Đó là bạo hành với bản thân, tự loại bỏ bản thân.
Sau khi gặp trắc trở, nên bình tĩnh phân tích một cách có lý trí, nguyên nhân và quá trình dẫn đến trắc trở, từ đó tìm ra biện pháp giải quyết tương đối tốt, như vậy mới là tích cực Phương pháp tích cực có 4 loại: Thứ nhất, chuyển di, thăng hoa. Sau khi bị trắc trở, người ta chuyển tinh thần, tình cảm và tinh lực vào những hoạt động có ích, nhìn cuộc sống từ một góc độ mới khác, để ổn định tinh thần, cố gắng lái động cơ và nguyện vọng của bản thân chưa thực hiện được, chưa thỏa mãn được theo phương hướng cao cả hơn, biến trắc trở thành động lực, làm một con người có sức mạnh của cuộc sống.
Thứ hai, tự đền bù cho mình. Khi động cơ ban đầu bị trắc trở, có thể bằng con đường khác đi tới mục tiêu, hoặc dùng mục tiêu khác thay thế mục tiêu cũ, đền bù bằng một thành công khác. Ví dụ thành tích của một lần thi kém, đợi lần sau bù vào. Thân thể có khuyết tật thì đi vào sáng tạo để được đền bù. Đền bù là một phương thức tiến thủ tích cực, và cũng là phương thức quan trọng giữ cho tâm lý của mình lành mạnh sau khi bị trắc trở.
Thứ ba, giải tỏa hợp lý. Khi gặp trắc trở về tinh thần không chôn chặt nổi đau ở trong lòng, mà thổ lộ với cha mẹ, thầy cô giáo hoặc bạn bè để họ hiểu và được họ giúp.
Thứ tư, nhìn thẳng vào sự thật, kỳ vọng vào tương lai. Cần bồi dưỡng thái độ nhìn thẳng vào hiện thực, coi trắc trở là một phần không thể tránh khỏi của cuộc đời con người, biết chú ý vào hôm nay và ngày mai, không phải chỉ để ý đến ngày hôm qua. Từ xưa anh hùng gặp nhiều nỗi gian truân; trắc trở và thất bại là cái nôi của người thành tài. Vượt trắc trở và nghịch cảnh đều làm con đường đi tới chân lý.