Điều cấm kỵ
Điều cấm kỵ là yếu tố có tính tiêu cực quen thuộc, khó tránh xảy ra trong thế giới siêu nhiên. Quyền năng siêu nhiên là một loại quyền lực rất nguy hiểm. Nó giống như một ngọn lửa hay một dòng điện cao tần. Khi nằm dưới sự kiểm soát và hướng về những mục đích chính đáng, nó là lợi ích. Khi nằm ngoài vòng kiểm soát, nó có thể là tai họa. Con người không thể xoay trở thuận hòa với ngọn lửa và vì vậy phải liên tục chiến đấu chống lại ngọn lửa. Nền văn minh hiện đại không thể vận hành mà không có điện năng, nhưng điện năng phải được vận hành bằng những công cụ và những găng tay bảo vệ cách ly.
Thần linh và quyền năng siêu nhiên được hầu hết dân tộc xem như là những sức mạnh cơ bản tuyệt đối trong khái niệm của con người về vũ trụ. Chúng phải được vận dụng một cách khéo léo vì những mục tiêu của nhân loại, nhưng nếu không được tiếp cận và sử dụng đúng cách chúng sẽ mang lại những kết quả ngược lại, nguy hiểm nhất. Anh chàng thổ dân người Bannock “Nước Chảy” đã sém chết do bất cẩn với cái món bùa chuột pack của anh ta.
Nên nhớ rằng quyền năng siêu nhiên nằm trên giới hạn của sự bình thường. Vì lý do này, không thể tiếp cận hoặc xử lý chúng một cách lơ là cẩu thả. Trái lại, chúng phải được cầm nắm, vận hành bằng sự cẩn trọng, bằng những cặp bao tay cao su. Một cách hình tượng, những điều cấm kỵ là những dấu hiệu cảnh báo to đùng: “Coi chừng! Vận hành (sử dụng) cẩn thận”. Điều cấm kỵ - tabu – không mang nghĩa của từ verboten trong ngôn ngữ Đức. Đúng hơn nó mang ý nghĩa nặng hơn của từ défense de toucher (nguyên văn tiếng Pháp, có nghĩa là cấm sờ, cấm đụng đến - ND) của tiếng Pháp. Cái cảm giác kính sợ mà giáo sư Lowie đã nhận ra như là thành phần cấu thành quan trọng của tôn giáo được gắn kết mật thiết với tâm lý, là yếu tố nguyên nhân dẫn đến sự phát triển những điều cấm kỵ.
Về nội dung, điều cấm kỵ chứa đựng một loạt những qui tắc tiêu cực, mỗi qui tắc trong chúng xác định một hình thức hành vi sẽ sản sinh ra một năng lực siêu nhiên cùng với kết quả trái ngược và làm tổn thương người sử dụng những. Chính điều này cho thấy việc các nhà lý luận cố gắng giải thích việc cấm kỵ ăn thịt heo của người theo đạo. Do Thái và đạo Hồi theo quan điểm vệ sinh là không đúng ý nghĩa đích thực của điều cấm kỵ này.
Hầu hết các điều cấm kỵ đều không được giải thích một cách thích đáng, như trường hợp điển hình là sự cấm kỵ liên quan đến loại mão trụ của thủ lĩnh nổi tiếng của người Cheyenne - Mũi La Mã. Mão trụ của ông ta có quyền năng che chở cho ông ta không bị tổn thương trong các cuộc chiến đấu. Với chiếc mão trụ, Mũi La Mã không hề bị thương tích và nổi tiếng trên khắp các bình nguyên phía Tây. Một trong các quy luật liên quan đến loại mão trụ này là người mang mão trụ không được ăn bất cứ thứ gì trong một cái đĩa với các đồ dùng làm bằng sắt. Nếu vi phạm, người chiến binh sẽ bị dính đạn hay bị mũi tên sắt xuyên qua, giống như miếng thịt bị các đồ dùng bén nhọn xuyên qua, quyền lực che chở của chiếc mão trụ sẽ bị tiêu hủy và chỉ phục hồi sau một buổi lễ công phu, kéo dài để tẩy uế hay chuộc lỗi.
Năm 1868, trước khi xảy ra cuộc chiến nổi tiếng của người dân đảo Beecher với những thủy thủ của đại tá Forsyth trên sông Republican, phía Tây bang Nebraska, thủ lĩnh Mũi La Mã được mời đến làm khách, ăn uống tại khu lều trại của người Sioux. Khi phát hiện ra vợ của chủ nhà đã dùng một cái nĩa để nấu nướng, ông ta đã thốt lên: “Vậy là tiêu rồi, phép màu của tôi đã bị phá”. Cuộc chiến xảy ra trước khi Mũi La Mã có đủ thời gian để làm lễ chuộc lỗi, vì vậy, như Achilles, ông ta câm lặng ngậm hờn trong lều trại của mình. Nhưng cũng như Achil1es, dưới áp lực của tình thế, Mũi La Mã phải khoác chiến bào lên mình và nói: “Thức ăn của tôi đã bị một món đồ bằng sắt xâm phạm. Tôi biết, ngày hôm nay tôi sẽ chết”. Và Mũi La Mã đã bị chết vì một viên đạn mà chưa kịp tung ra một đòn tấn công nào trong cuộc chiến đó.
Việc vi phạm một điều cấm kỵ không chỉ làm tiêu tan cái quyền năng của pháp thuật mà còn có thể mang lại hậu quả tai họa.
Các chức năng của điều cấm kỵ
Như đã xác định, chức năng đầu tiên của sự cấm kỵ là duy trì sự khiếp sợ về thế giới siêu nhiên, bằng cách nhấn mạnh các thái độ có tính bí ẩn và cẩn mật, cũng như trừng phạt các thái độ bất cẩn, xúc phạm khi giao tiếp với thế giới siêu nhiên. Chức năng này nhằm giúp gìn giữ điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Chức năng thứ hai của sự cấm kỵ là làm cho những thành viên của một nhóm xã hội này nổi bật, khác biệt với các thành viên của một nhóm khác và tăng cường tình đoàn kết trong nhóm. Chẳng hạn như một kiểu tóc truyền thống của một phụ nữ đã có chồng khác với các cô gái đang tuổi dậy thì chưa chồng, hoặc các kiểu để tóc cũng nhằm phân biệt giữa đàn ông và phụ nữ, hoặc những kiểu tóc gắn liền với những điều cấm kỵ đặc biệt làm nổi bật vai trò hay hình ảnh của người thầy thuốc, thầy mo với những người trần tục bình thường. Như vậy, những cấm kỵ liên quan đến loài heo của Do Thái Giáo và đạo Hồi cũng như tục cấm ăn thịt vào ngày thứ sáu của đạo Thiên Chúa, cấm hút thuốc và uống trà, cà phê và các thức uống có cồn của giáo phái Mormon giúp nhận diện ra tư cách, thành phần tín ngưỡng của họ trong cộng đồng.
Chức năng thứ ba, điều cấm kỵ là phần hợp thành chính yếu của sự kiểm soát xã hội. Ở Polynesia, nơi xuất phát từ “tabu” - điều cấm kỵ - giới quí tộc có địa vị cao sở hữu những quyền năng siêu phàm bởi nguồn gốc của họ xuất thân trực tiếp từ các vị thần linh. Mệnh lệnh, huấn thị của họ thuộc lãnh vực siêu nhiên rất có uy lực, đến nỗi bao quanh chính bản thân họ toàn là những điều cấm kỵ, những vật họ đụng chạm vào cũng trở thành những vật cấm kỵ, thiêng liêng. Ở Polynesia cũng như khắp mọi nơi khác, tội lỗi chính là sự vi phạm những điều cấm kỵ - một hành động bị quyền năng siêu nhiên trừng phạt.
Điều cấm kỵ không chỉ áp dụng theo những điều kiện để nắm và vận dụng các đối tượng siêu nhiên, mà còn được áp dụng đối với những tiêu chuẩn hành vi xã hội không trực tiếp liên kết với thế giới siêu nhiên, nhưng trong các tiêu chuẩn hành vi đó lãnh vực siêu nhiên được xem như có lợi ích liên quan. Chẳng hạn như trong hầu hết mọi xã hội, tội loạn luân là loại tội lỗi không chỉ phải chịu trừng phạt có tính siêu hình mà còn bị chế tài bởi những hình phạt của xã hội.