Thuyết duy linh
Các tưởng siêu nhiên thường có hình thức gì? Một cách cơ bản, các tư tưởng siêu nhiên có thể thể hiện thành thuyết duy linh và các loại quyền lực siêu nhiên. Thuyết duy linh, (tiếng La tinh Anima = tinh thần, linh hồn) theo định nghĩa của nhà nhân chủng học vĩ đại người Anh thế kỷ mười chín, ngài Edward Burnett Tylor: niềm tin vào linh hồn của sinh vật. Tất cả chúng ta đều biết chúng dưới những cái tên như: linh hồn, ma, yêu tinh, quỷ, thần linh, tiên nữ, chú lùn, ma quái, thiên thần, thượng đế. Tính cách căn bản của những hình tượng này là vô hình - không hiện thân; là những sinh vật không có da thịt hay máu huyết - không phải là vật chất nhưng đủ thật để con người có thể tin tưởng vào sự hiện hữu của chúng.
Như các linh hồn, chúng không là chủ thể nằm trong phạm vi điều chỉnh của “qui luật vật chất”. Chúng không bị ràng buộc trong những giới hạn vật chất, bởi sự yếu kém của da thịt và cảm xúc của con người. Chúng ở ngoài vật chất, vượt lên trên không và thời gian. Chúng là những gì siêu phàm. Và chính điều này làm cho chúng trở nên kỳ diệu và huyền bí.
Lý thuyết của Tylor
Trong công trình nghiên cứu xuất sắc của mình. Tylor đã khảo sát nhiều biểu hiện duy linh của những người sơ khai và chú trọng đến nội dung của chúng hơn là mô tả chúng dưới hình thức này nọ. Tylor cơ bản là người theo thuyết tiến hóa. Đối với ông ta, cái câu hỏi tối thượng luôn là: “Vì sao và như thế nào con người đã sản sinh cái khái niệm linh hồn, thần thánh, ma quỷ”. Trong một thời điểm nào đó trong lịch sử tiền sử, tinh thần của con người đã hòa quyện với những linh hồn trong vũ trụ. Và điều gì đã tạo nên sự kiện đó?
Tylor nhìn thấy nguồn gốc của thuyết duy linh trong những hiện tượng như những giấc mơ, cuộc sống và cái chết. Những giấc mơ là hình thức của ảo giác, của một trải nghiệm không thực tế. Nhưng giấc mơ con người lại là một thực tế có thực. Trong các giấc mơ, chúng ta vượt ra ngoài thực tại. Chúng ta bay lượn trên những tầm cao của ước vọng và sự vui thú; chúng ta cảm nhận những điều tệ hại sắp xảy ra, chúng ta sống lại quá khứ và thấy trước được tương lại; chúng ta thăm lại các nơi chốn mà mình đã một lần nào đó dừng bước, cũng như những nơi chốn mà bước chân của chúng ta chưa bao giờ ghé đến chúng ta thấy cảm thông với những người đã chết và đã xa cách, hoặc với những người đang sống và ở cách xa. Thời gian, không gian cùng những giới hạn của thể xác không cản trở chúng ta trong những giấc mơ.
Tuy nhiên, trong giấc ngủ hay cơn hôn mê, thân xác vẫn ở yên và bất động tại chỗ. Chúng ta luôn thức giấc tại nơi mà chúng ta nằm xuống để ngủ hay nghỉ ngơi - chỉ từ trường hợp những người không may mắn bị bệnh mộng du. Thể xác không thực hiện được những điều kỳ diệu trong giấc mơ, và cũng quả thật rất khó khăn dù cho là với sự ngụy biện để không đồng hóa những trải nghiệm trong mơ cùng với thực tại. Thực vậy, đối với những con người sơ khai, cũng như một số người văn minh, những điều thấy trong mơ cũng là thực tại.
Khái niệm linh hồn. Con người sơ khai quan niệm và kết luận rằng trong con người có hai phần: phần thân xác da thịt có sinh có tử và phần tâm linh trường tồn - linh hồn. Khái niệm linh hồn là cơ sở gốc của thuyết duy linh. Đây là một khái niệm phổ biến toàn cầu.
Như vậy, linh hồn tự thân là không thể nhìn thấy hay sờ mó được. Trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc, từ “linh hồn” là đồng nghĩa của “shadow” – bóng tối, vật vô hình; hay “shade” - bóng tối, vong hồn. Đây là một ý tưởng trừu tượng, và dần hồi được chấp nhận như là hình ảnh của thân xác mà linh hồn đã từng trú ngụ trong đó.
Linh hồn chính là sức sống. Sự hiện diện của linh hồn làm cho thể xác sống động. Linh hồn ra đi làm cho thân xác trở nên bất động. Linh hồn đi lang thang trong khi thân xác bất động trong giấc ngủ. Tình trạng không ngơi nghỉ của con người chỉ xảy ra với linh hồn chứ không phải với thể xác.
Giấc ngủ dài hay là cái chết xảy ra khi linh hồn không quay trở lại với thể xác. Thân xác là nơi trú ngụ của linh hồn, sẽ không còn chức năng nữa khi bị linh hồn từ bỏ. Tiếp theo là sự phân hủy. Bệnh tật đến là do linh hồn bị hư hao hay mất mát.
Điều này, theo Tylor, là một phần luận lý của khái niệm linh hồn.
Con người không sống đời sống đơn độc. Các loài súc vật trong rừng rậm hay trên đồng cỗ, chim muông trong bầu trời, và các loài cá trong những dòng nước đều được thiên phú một sức sống. Và cỏ cây cũng vậy. Bằng các cách lý luận loại suy, con người sơ khai cũng gán ép linh hồn vào muôn loài, như là nguyên nhân của sự sống của muôn loài. Tuy nhiên, con người chưa thực hiện hoàn hảo điều này vì đã loại suy sai, vì những loài súc vật cũng xuất hiện trong các giấc mơ như con người. Vì vậy trong những niềm tin xa xưa nhất, không chỉ riêng con người mà tất cả các loài sinh vật đều có linh hồn.
Sau cái chết, linh hồn trở thành ma quỷ hoặc những linh hồn tự do, lìa khỏi thân xác. Chúng vẫn sống và tồn tại trong thế giới của con người, trong cộng đồng riêng của mình hoặc trong một địa hạt đặc biệt, mà linh hồn những người sống có thể có cơ hội gặp gỡ hoặc chính những linh hồn chết này có thể thăm viếng người sống.
Dù khái niệm những linh hồn tự do có xuất phát từ khái niệm linh hồn hay không, như Tylor đã suy nghĩ, hoặc con người cổ sơ có khả năng tưởng tượng để sáng tạo ra khái niệm linh hồn chỉ từ hư không - có lẽ là điều mà chúng ta không bao giờ biết được. Có đủ loại thần linh thánh thiện luôn hiện diện trong niềm tin của các dân tộc mọi xã hội và thần linh luôn được cho rằng nằm ngoài hững qui luật tự nhiên. Thần linh và linh hồn là những yếu tố sống động của tất cả mọi tôn giáo.
Sự tôn sùng thiên nhiên. Theo Tylor, việc gắn kết tính cách linh hồn cho cây cỏ và đồ vật lại sản sinh ra cái mà chúng ta gọi là sự tôn sùng thiên nhiên. Từ điều này lại dẫn đến việc thờ cúng các vật tổ và các chủng loại thần linh khác, nghĩa là sự thần thánh hóa không chỉ giới hạn trong phạm vi con người (thờ cúng tổ tiên) mà còn hướng đến cả những loài động và thực vật. Từ những thói tục này, Tylor đã truy nguyên nguồn gốc của các tôn giáo đa thần của những người man dã sau này, với đủ các loại thần như trời, đất, mưa, sấm, sét, lửa, gió, nước, mặt trời, mặt trăng, và cũng như các vị thần nhà nông, thần săn bắn, thần sinh sản, thần chiến tranh và thần chết.
Khoa dân tộc học phải truyền đạt cái yếu tố quan trọng đó của tôn giáo trong nhân loại, việc thờ cúng các nguồn nước: giếng, hồ, sông và suối chỉ là một điều đơn giản như sau - một điều có vẻ thi vị đối với chúng ta hôm nay nhưng lại là một triết lý sống của con người thuở xa xưa; trong tâm trí ủa họ nước không hoạt động theo qui luật trọng trường, mà theo cuộc sống và ý chí...
Những quan điểm của Tylor về các nguồn gốc của các tôn giáo đơn thần và vị Thượng Đế Tối Cao sẽ được luận giải trong phần thảo luận về các vị thần ở cuối chương này.
Về lý thuyết nhân chủng học bàn về tôn giáo của Tylor, có thể nói rằng lý thuyết này chưa hoàn chỉnh vì một vài thiếu sót nào đó, nhưng trên đại thể chúng ta có thể đồng tình với sự phán xét của Lowie: Lý thuyết của Tylor công khai thừa nhận một sự giải thích trong sáng và đơn giản về tâm lý, nhưng bởi lẽ không chỉ giải thích những quan sát thường nghiệm, lý thuyết này còn đề cập một cách chuyên biệt đến những thực tế như cái chết, những giấc mơ và những ảo giác, tất cả những thứ này rõ ràng đã tác động một ảnh hưởng mạnh mẽ lên tâm trí của những con người sơ khai, một ảnh hưởng đúng ra phải được thừa nhận ở một mức độ và khả năng cao. Tôi, chắc chắn chưa bao giờ gặp bất kỳ một giả thuyết đối nghịch nào khác, một giả thuyết có giá trị là đối thủ ngang tầm.
Cũng như tất cả các lý thuyết tiến hóa luôn tìm cách công thức hóa những chi tiết của nền văn hóa phi vật chất trong thời gian tiền sử, lý thuyết của Tylor cũng được hình thành do suy đoán và không thể kiểm chứng. Nhưng tách khỏi sự sắp xếp dữ liệu theo thứ tự tiến hóa, lý thuyết này đã đứng vững, như Lowie đã nói, như là một phân tích tổng quan có giá trị về những mặt đáng kể trong thái độ và hành vi tôn giáo của con người. Tuy nhiên, thuyết duy linh chẳng phải là toàn bộ vấn đề. Còn có quyền năng siêu nhiên và vấn đề biểu lộ xã hội của tôn giáo, và cả hai đều cần đến sự giải thích thuần lý thuyết.