Các loại tổ chức chính trị
Khi một xã hội nhấn mạnh vào một nguyên tắc này hay nguyên tắc khác về tổ chức, hay một sự phối hợp các nguyên tắc, sẽ hình thành nhiều hệ thống chính trị thuộc các loại hình khác nhau. Một vài hệ thống trong số đó được mô phỏng từ những nền văn hóa sơ khai.
Các hệ thống không có nhà nước
Các hệ thống không có nhà nước không có chính quyền chính thức để chi phối toàn bộ xã hội. Các chức năng chính trị được thực hiện bởi các thành phần hoặc các viên chức, mà công việc về mặt chính trị của họ là thứ yếu so với các quyền lợi và trách nhiệm khác. Không có cá nhân hay nhóm người nào nắm giữ quyền lực tập trung áp đặt lan toàn xã hội.
Các hệ thống không phân biệt được. Trong những nền văn hóa như của người Bushmen ở Nam Phi, người Eskimo và người Shoshone, các mối quan hệ họ hàng và quan hệ chính trị là một. Các nhóm địa phương nhỏ sống theo từng đơn vị tự quản, tách biệt, không chịu một quyền lực chính trị nào ở trên nữa. Những xung đột giữa các thành viên trong gia đình cá thể được giải quyết trực tiếp mà không cần có sự can thiệp của người đứng đầu.
Dòng họ phân quyền. Đây là một hệ thống chính trị không tập trung quyền lực mà trong đó các dòng tộc, chớ không phải làng xã quận huyện, hình thành nên các đơn vị tổ chức chính. Chỉ có rất ít hoặc không có sự quyết định chung cho bộ lạc, cũng không có các nghi lễ cúng tế có tính hợp nhất rộng rãi. Người Nuer ở Sudan Phi châu là một ví dụ kinh điển cho loại hình này. Tổ chức dòng họ phân tán cung cấp một khuôn mẫu về cơ cấu. Những hệ thống tổ chức chính trị như thế là rất phổ biến ở Đông Phi và Melanesia, với người Kapauku và người Kuma là những ví dụ dễ nhận thấy nhất.
Các nhóm lớp đồng trang lứa. Với hệ thống này, các vấn đề chính trị nằm trong tay của các nhóm đồng trang lứa và các chỉ huy của nhóm. Các nhóm lớp đồng trang lứa cắt ngang các đường ranh giới làng xã quận huyện và tạo nên khuôn khổ của sự hòa nhập chính trị. Do tần suất phân bố tương đối hạn chế của các nhóm lớp đồng trang lứa, loại hình hệ thống này là khá hiếm.
Hội đồng làng xã và các đoàn thể. Trong loại hệ thống này, không có chính quyền bộ lạc hay đoàn thể dòng họ trong bộ máy chính quyền, nhưng quyền lực nằm trong các hội đồng làng xã và trong các hội đoàn của cánh đàn ông. Những người da đỏ Pueblo ở Tây Nam Hoa Kỳ và các bộ lạc như người Ibo ở Tây Phi là những đại diện cho loại hình này.
Làng xã hoặc băng nhóm có người đứng đầu. Ở đây, bộ lạc thiếu một chính quyền lãnh đạo toàn thể; mỗi làng hoặc nhóm làng có người đứng đầu hoặc một thủ lãnh có quyền lực chính trị tương đối mềm dẻo. Quan hệ họ hàng có thể còn quan trọng trong nhiều lãnh vực của đời sống, nhưng không còn là yếu tố chính trong tổ chức chính trị. Việc xác định lãnh thổ và phẩm chất cá nhân của những người đứng đầu làng xã là các yếu tố quyết định. Ví dụ: “Người đứng đầu hay trưởng một nhóm địa phương người Chiricahua [Apache] có thể được coi là thuộc dòng dõi lãnh đạo được các láng giềng tin cậy và ủng hộ. Ảnh hưởng của ông ta rất đáng kể, nhưng không có tính chính thức.
Người lãnh đạo sẽ phát biểu trong tất cả các dịp quan trọng. Với người Yavapai ở Arizona, người trưởng làng, trưởng nhóm từ tốn trong nói năng, chấm đứt các cuộc cãi vã, và biết nơi tốt nhất để dựng trại. Người ta theo ông vì tư cách của ông đã tạo cho họ sự tin cậy. Với người trưởng làng trưởng nhóm của người Comanche, một thổ dân tên là That's It đã nhận xét một cách sâu sắc: “Tôi không biết nói về họ như thế nào cho đúng; họ không có nhiều việc gì để làm ngoài chuyện giữ cho xóm làng gắn bó với nhau”. That's It đã nói thật chính xác. Người trưởng làng trưởng nhóm trong thế giới sơ khai hiếm khi có quyền lực rõ ràng, trách nhiệm của ông ta rất tế nhị, không dễ gì mô tả một cách trọn vẹn. Thế nhưng, ông ta là tâm điểm của cộng đồng địa phương.
Như Harrasser ghi nhận ở những người ở miền Trung Úc, “với người Dieri và các thổ dân miền Tây bang Victoria (Úc), tù trưởng nhiều lắm cũng chỉ như người anh cả vậy thôi, chẳng được dành cho ngoại lệ nào cả”. Những bằng chứng tương tự cũng được nhận ra trong cộng đồng người Shoshone và người Eskimo. Người chỉ huy của người Shoshone được gọi là tegwoni, với nghĩa đầy đủ là “có tài nói với mọi người”. Ở miền Tây Alaska, những người trưởng làng trưởng nhóm và những người hiểu biết nhiều về truyền thống, phong tục tập quán, và nghi lễ hội hè, được người khác nghe theo, và hành xử như các cố vấn chính thức của cộng đồng”.
Những xã hội sơ khai thuần phác nhất luôn luôn là các xã hội dân chủ; hiếm khi con người phải chịu đựng sự lãnh đạo chính trị độc tài.
Các hệ thống nhà nước
Các hệ thống nhà nước có các tù trưởng, các ông vua, hoặc các hội đồng với quyền lực vượt trên nhiều lãnh vực hoạt động nhất định của toàn thể xã hội.
Thủ lãnh. Sự phức tạp của đời sống xã hội làm tăng thêm nhu cầu lãnh đạo và sự ủy thác trách nhiệm. Những xã hội tương đối phát triển có một nhà nước bộ lạc luôn luôn có các thủ lãnh. Một tù trưởng khác với một người đứng đầu như trưởng làng trưởng nhóm chỉ ở mức độ quyền hạn và danh hiệu xã hội. Vị thế của ông ta có thể được thừa kế mà cũng có thể không. Chức năng và quyền hạn của các vị thủ lãnh này biến đổi theo từng cộng đồng dân tộc khác nhau.
Ở Bắc Mỹ, thường không có một thủ lãnh nào có quyền lực mạnh mẽ tuyệt đối. Trong nhiều bộ lạc người ta cẩn thận tách riêng thủ lãnh hòa bình và thủ lãnh chiến tranh. Thủ lãnh hòa bình là những nhà cai trị dân sự. Thường thường họ là người đứng đầu trong làng hay trong thị tộc được tôn lên vị thế thành viên của Hội Đồng Bộ Lạc. Họ giám sát các mối quan hệ trong phạm vi bộ lạc và có quyền tư pháp xét xử các va chạm xung đột hay tội ác. Tuy vậy, hầu hết các vi phạm chỉ xảy ra trong lãnh vực những sai phạm riêng tư giữa các cá nhân, thường do các bên liên quan tự giải quyết với nhau. Đôi khi, chẳng hạn như trường hợp của người Cheyenne, người Omaha, và người Iroquois, các lãnh tụ hòa bình được tuyển chọn công khai cho một nhiệm kỳ có giới hạn. Các lãnh tụ chiến tranh là những người đứng đầu các hội đoàn quân sự, hoặc một lãnh tụ chiến tranh có thể là bất kỳ ai lập được chiến công xuất sắc. Những lãnh tụ chiến tranh như thế có thể được người trong bộ lạc nghe theo một cách tự nhiên, nhưng quyền lực pháp định của họ trong việc điều hành trại trong thời bình là rất hạn chế. Ngay cả những người da đỏ quân phiệt nhất của châu Mỹ vẫn có đủ nhạy bén để nhận ra rằng độc tài quân sự là những mối đe dọa lớn nhất trong các mối đe dọa đối với đời sống dân chủ.
Các tù trưởng Bantu. Ý nghĩa chức năng của danh vị tù trưởng của các bộ lạc Bantu ở Nam Phi có thể được chúng ta cảm nhận qua bản liệt kê của Schapera về các hoạt động của họ:
Theo lệ thường, ông ta... tham dự các cuộc họp hội đồng, nghe báo các tin tức, cầu xin, khiếu nại từ khắp nơi trong bộ lạc, và ra lệnh thực hiện những việc được yêu cầu. Việc đề ra các điều luật luôn luôn được xem là nhiệm vụ của tù trưởng... Cứ theo từng thời kỳ, ông ta tạo lập ra một đội ngũ đồng trang lứa mới, và như thế, chính thức nhận lớp người mới trưởng thành vào giới của họ... ông kiểm soát sự phân phối và sử dụng đất đai... ông cũng điều chỉnh lịch cho nông nghiệp và những hoạt động cụ thể khác... tổ chức những chuyến săn bắn tập thể... vận động nhân dân phòng thủ đất nước... hoặc tổ chức xâm lược... tổ chức các lễ cúng tế tôn giáo trong các dịp thực hiện những hoạt động về an ninh và vì sự thịnh vượng của bộ lạc... [và] bảo đảm mưa thuận gió hòa.
Một điều thú vị nhỏ khác là những câu châm ngôn của người Tsonga ngụ ý rằng: “Một bộ lạc mà không có tù trưởng thì mất đi sự sáng suốt; bộ lạc ấy chết rồi. Nó cũng giống như một phụ nữ không có chồng vậy”. Và “Trong một đất nước không có các nhà lãnh đạo, người ta ăn sống nuốt tươi nhau.”
Lãnh tụ theo nghi thức. Trong một số hệ thống, trách nhiệm chủ yếu của các lãnh tụ không nhất thiết liên hệ đến việc cai trị. Nhưng điều này cũng không phải là chuyện lạ lùng nếu chúng ta xem xét địa vị của Nữ hoàng nước Anh. Chức năng chính trị của bà đã bị thu hẹp, nhưng các chức năng tượng trưng và nghi thức là nhằm khơi động tình cảm trong lòng người Anh trên khắp thế giới.
Trong thế giới sơ khai, người thủ lãnh Trobriand thụ hưởng vị thế và nhiều đặc quyền. Người ta phải nộp cống cho ông, nhưng ông ta dùng nó chủ yếu cho các yến tiệc có tính nghi lễ cầu phúc cho nhân dân. Ông ta là người chủ trì hoạt động nghi lễ hơn là một một viên chức chính trị. Điều này ít nhiều là thực tế trong tất cả những cộng đồng những người sơ khai ở châu Đại Dương (ngay cả trong những bộ lạc mà các tù trưởng xuất thân là những nhà chinh phục), như Forde nhận thấy:
Nguồn gốc và sự phát triển quyền lãnh đạo ở Melanesia là không được minh bạch, ở khắp mọi nơi các lãnh tụ đều khẳng định những quyền lợi và quyền lực căn bản như nhau. Gần như họ luôn luôn là những người di dân hoặc được gán cho là người di dân, đều tuyên bố quyền hạn thiêng liêng bất khả xâm phạm như nhau và nắm giữ các nghi lễ quan trọng.
[Những lãnh tụ của người Sa’a trên đảo Mala, quần đảo Solomon đều là những ngoại nhân] đã thiết lập và duy trì tư thế của họ bằng sự ngạo ngược và quyết đoán. Họ được coi, và tự coi mình là những người mang lại hội hè tiệc tùng vui thú và điều khiển các nghi lễ nhất định. Bằng các buổi yến tiệc linh đình, họ gia tăng thanh thế cho quận huyện hoặc lãnh thổ của mình và càng được giới bình dân chấp nhận, hiến dâng thêm lương thực, và từ đó lại càng có thêm những buổi tiệc tùng yến ẩm khác.
Cũng có thể nói chính xác như vậy về người da đỏ ở vùng Duyên hải Tây Bắc của Bắc Mỹ, với các lãnh tụ rất ưa thích hội hè yến tiệc.
Chế độ quân chủ. Chế độ vua chúa là kết quả của sự phát triển khuynh hướng kế thừa thành một nguyên tắc cha truyền con nối. Chức năng chính của chế độ là đưa sự ổn định vào trong guồng máy chính quyền. Các thị tộc mạnh gây ra những xung đột trong bộ lạc. Qui luật nợ máu trả bằng máu phải được chế ngự bằng một đạo luật mạnh hơn của toàn xã hội. Đây có thể là điều thuận tiện cho luật pháp và hòa bình của nhà vua. Nhưng quyền lực của các tù trưởng tối cao là phần thưởng ngọt ngào của những con người thèm khát quyền lực. Với những mưu đồ đẫm máu và với những xáo trộn trong các cuộc đấu tranh để tranh giành vị thế lãnh đạo, họ có thể làm tan vỡ nền hòa bình của bộ lạc. Sự kế thừa cha truyền con nối được xác định rõ ràng sẽ ngăn chặn được những ung nhọt xã hội đó. Tuy nhiên, khuyết điểm tai hại của nguyên tắc kế thừa thường là người thừa kế không có tài năng năng lực để đảm nhận công việc. Nhà vua kế vị có thể chỉ là một kẻ nhu nhược yếu đuối, hoặc tệ hơn nữa, một kẻ ích kỷ nguy hiểm. Trong trường hợp đầu, nhà nước không thi hành được chức năng một cách hiệu quả trong những giai đoạn khủng hoảng. Trong trường hợp thứ hai, sự độc tài tàn bạo thay thế chỗ của công lý xã hội, và con người bị tha hóa.
Chế độ vua chúa phổ biến trong các xã hội sơ khai tiến bộ đến nỗi chúng ta phải kết luận rằng, nhu cầu trung ương tập quyền lấn át sự đòi hỏi tự do dân chủ trong cấp độ phát triển xã hội này. Sự hồi sinh của chế độ dân chủ chỉ đến sau này. Nhưng chỉ những nơi chế độ dân chủ thất bại, nhu cầu tập trung quyền lực lại làm nảy sinh chế độ độc tài hay từng bước chuyển qua phục hồi chế độ quân chủ.
Nguyên tắc thừa kế cha truyền con nối không phải là một sản phẩm của tư tưởng. Nguyên tắc này phát triển một cách tự nhiên mà con người không kịp nhận biết. Chúng ta có thể nhận thấy điều này trong những cộng đồng thổ dân châu Mỹ, vốn là những người dứt khoát khước bỏ quyền thừa kế làm tù trưởng. Mặc dù bất cứ một người giỏi giang nào cũng có thể trở thành lãnh tụ, tuy nhiên, tài liệu ghi chép cho thấy một tù trưởng cứ luôn luôn được thừa kế bởi một trong các con trai hoặc cháu ngoại trai của ông ta. Quyền lãnh đạo của tù trưởng được lưu truyền trong gia đình hay trong dòng họ. Điều này xuất phát từ sự tập luyện và noi theo gương các bậc tiền bối tạo nên phẩm chất lãnh đạo ở những đứa con trai. Người dân kỳ vọng sự lãnh đạo từ dòng họ như thế. Những đứa con trai trong dòng họ đó cho rằng người dân sẽ đáp ứng lại sự lãnh đạo ưu việt của chúng - và có như thế thật. Cuối cùng, xu hướng đó trở thành một qui định.
Ở Polynesia và châu Phi, tình trạng con trai trưởng kế vị thường là điều nhất định. Thế nhưng, hầu hết các bộ lạc vẫn duy trì sự linh hoạt bằng cách dành cho hội đồng hoàng gia, hoặc người phụ nữ cao cấp nhất bên dòng mẹ chọn ra trong số người thừa kế của tù trưởng lấy một người kế vị ông (Với người Ashanti, là vị Thái hậu; với người Iroquois, là người phụ nữ lớn tuổi nhất trong dòng tộc). Đây là một phương cách hay, chỉ có điều nó có thể gây ra sự thù hận trong cung đình giữa những người thừa kế, họ có thể thực hiện những cuộc đảo chính để thay đổi quyết định của hội đồng. Tình trạng nội chiến hoặc vô chính phủ thường xảy ra tại vương quốc Bantu sau mỗi khi nhà vua thăng hà. Trong thực tế, để phòng ngừa tình trạng này, cái chết của nhà vua thường được giữ kín cho đến khi người ta chọn xong người kế vị và mọi việc đều sẵn sàng cho lễ đăng quang của vua mới.
Các thủ lãnh và vua chúa thuộc thần quyền. Những chuyện rắc rối trong tôn giáo và chính trị được hình thành từ những sự kiện riêng rẽ. Chúng được đan xen vào bức tranh xã hội; đôi khi lại tách biệt một cách thận trọng, mỗi sự kiện tạo cho nó một hình thức riêng, và đôi khi chúng đan bện vào nhau, gộp giáo hội và nhà nước vào chung một khuôn mẫu. Thanh gươm của người chiến binh và chiếc đũa phù phép của người làm phép thuật là những công cụ khác nhau. Một người có thể dùng được cái này hoặc cái kia, nhưng nếu anh ta có tài, và nếu nền văn hóa cho phép, anh ta có thể tóm lấy thanh gươm vào tay phải, và chiếc đũa phép vào tay trái. Thế là, anh ta trở nên một thứ quyền lực quái gở mà người ta phải đối phó. Chủ trương căn bản của việc tách rời nhà thờ ra khỏi nhà nước trong truyền thống dân chủ ở Mỹ là một phản ứng phòng vệ cần thiết trước thứ quyền lực ấy.
Các pháp sư và tăng lữ là những người chuyên môn trong việc kiểm soát hoạt động của quyền năng siêu nhiên; các lãnh tụ, tù trưởng, vua chúa là những nhà chuyên môn trong việc kiểm soát các hoạt động của con người. Nhưng các hoạt động của con người phải được kiểm soát trong các quan hệ với quyền lực siêu nhiên; các tăng lữ luôn luôn có ảnh hưởng với thế tục. Khi nhà chính trị có thể kiểm soát được quyền lực tôn giáo, họ sẽ dùng các phương tiện tôn giáo phục vụ cho các mục đích chính trị. Ngược lại, giới tăng lữ có thể dùng các phương tiện chính trị để đạt được các mục đích tôn giáo nếu họ nắm được các kỹ thuật để hành động như thế. Trong thế giới sơ khai cũng như trong thế giới hiện đại, đã xảy ra những sự việc như thế khi bất kỳ ai trong hai giới đó có được trình độ chuyên môn cao trong các kỹ thuật riêng của mình; và cũng thường xảy ra trong thế giới hiện đại, khi các công cụ tôn giáo và chính trị đã phát triển đầy đủ, cùng với sự chống đối thù nghịch giữa giáo hội và nhà nước đã đạt đến độ sâu sắc. Tuy nhiên, trong xã hội những người sơ khai thường có một thỏa thuận tạm thời giữa hai quyền lực đó; chẳng hạn, tù trưởng Trobriand dùng thầy pháp cha truyền con nối của mình để tiêu diệt những người mới ngoi lên, và các tù trưởng người Yukuts-Mono ở California thông mưu cùng các thầy lang bòn rút tiền của công chúng ngây thơ chất phác. Mặt khác, sự sử dụng quyền lực siêu nhiên cho lợi ích cá nhân thông qua phép thuật đen tối, nếu đi quá xa, hầu như luôn luôn bị xử tội chết.
Nói chung, chủ nghĩa siêu nhiên là đầy rẫy trong thế giới sơ khai ít nhiều làm méo mó hình ảnh các chính quyền nhà nước. Các nhân vật chính trị gần như ai cũng có đôi chút phép thuật hoặc tính bất khả xâm phạm thiêng liêng về tôn giáo. Những việc gây ra chiến tranh, tạo ra luật pháp, và hành xử tư pháp là không thể không liên quan đến các nghi lễ tôn giáo.
Trong những xã hội trồng trọt được tổ chức cao của các dân tộc định cư phụ thuộc vào các vụ mùa cố định, tù trưởng đồng thời là một giáo sĩ cao cấp chuyên về cầu mưa, cầu cho mùa màng tươi tốt, và thờ cúng các vị thần vườn thần rẫy. Vốn là người giám sát của các quan hệ chính trị - tư pháp, nên ông ta cũng có trách nhiệm trong sự phồn vinh về kinh tế và sự ổn định tôn giáo đối với thần dân của mình. Nếu xã hội của ông là xã hội thờ cúng tổ tiên như vẫn thường thấy ở châu Phi và châu Đại Dương, thì ông là vị thay thế các bậc tiền nhân trên mặt đất - là sự liên kết cao nhất của nhân dân với các linh hồn tổ tiên. Chính ông là hậu duệ trực tiếp của các bậc thần thánh, và trong bản thân ông cũng có tính thần thánh. Ở châu Phi, người tù trường luôn luôn là biểu tượng của linh hồn của bộ lạc: một linh hồn phải được mạnh mẽ và sinh động, nếu không bộ lạc sẽ suy yếu và diệt vong. Do đó, nếu nhà vua ốm đau hay nhu nhược thì người ta cho là do các thành viên hội đồng lãnh đạo đầu độc hay kìm kẹp. Làm nhà lãnh đạo không phải là một đặc quyền vô thưởng vô phạt. Địa vị càng cao, trách nhiệm càng lớn.
Tính cách quá thiêng liêng của một vị vua-thần-thánh cũng làm hạn chế những hoạt động của nhà vua. Với người Tonga (ở Polynesia) tuithonga (nhà vua) không được đi bộ ra ngoài, vì nơi nào vua đặt chân đến thì ở đó trở thành nơi cấm kỵ.
Tù trưởng nói. “Hôm nay người phát ngôn tại Nhà Trắng thông báo rằng…” Phương cách mà các vị tổng thống ngày nay sử dụng, các tù trưởng hoặc vua chúa trên khắp thế giới đều đã kinh qua từ thời sơ khai. Vua của người Ashanti hiếm khi lên tiếng trước công chúng. Làm như thế là hạ thể nhà vua. Có một okeyame (người phát ngôn) “làm cái miệng” cho ngài. Ở Samoa, mỗi tù trưởng đều có một “Tù trưởng nói” có nhiệm vụ kể lại phả hệ dòng dõi của tù trưởng trước mỗi cuộc hội họp của “nghị viện” bản xứ. Ông ta nói lại ý của tù trưởng trong một cuộc tranh chấp. Tù trưởng Kwakiutl và các tù trưởng khác ở vùng Duyên hải Tây Bắc đều có người phát ngôn tại các lễ hội yến tiệc, để xưng tụng tổ tiên và đức độ của các ông chủ của mình. Mọi lãnh tụ hòa bình của người da đỏ Bình Nguyên đều có người nói thay, tuyên bố các quyết định của mình với tất cả người trong trại; thông dịch viên người cheyenne của chúng tôi, tên là Trán Cao, luôn luôn gọi người nói thay ấy là “cái loa của sếp”.
Lý do dẫn đến việc sử dụng người phát ngôn là khá tế nhị nhưng đúng đắn. Khi các thủ lãnh vươn lên khỏi địa vị người đứng đầu một bộ phận thì quyền lực của họ cũng tăng lên. Người nào nắm giữ quyền lực ra quyết định và buộc kẻ khác phải thi hành mệnh lệnh của mình, thì không được tỏ ra quá gần gũi với công chúng. Một vài người giỏi có thể cùng lúc giữ được cái uy và tính thân mật của mình, nhưng những người như thế là rất hiếm hoi. Cách tốt nhất và chắc chắn nhất là để một kẻ thuộc hạ đảm nhận cái công việc la lối thô lỗ với công chúng thay mình.
Hội đồng. Một công cụ phổ biến của chính quyền là hội đồng. Không một bộ lạc hay quốc gia nào không có một hội đồng. Không một người nào có thể làm công việc cai trị một mình được, và ông ta cũng không được cho phép làm điều này. Chế độ quân chủ, nếu hiểu theo nghĩa đen là do một mình vua làm chủ, là một sự nhầm lẫn. Mọi ông vua hay tù trưởng điều hành công việc trong phạm vi mạng lưới các cố vấn và bè phái của mình. Không ít người đã bị vướng víu một cách thê thảm, vô phương cứu chữa trong cái mạng lưới đó.
Trong những nhóm hay bộ lạc nhỏ, hội đồng là một nhóm nam giới trưởng thành họp nhau lại, có tinh thần dân chủ. Ở Úc theo chế độ chính quyền trưởng lão - chính quyền do người già cai quản - chỉ người cao niên mới được tham dự chính quyền. Ở những nơi khác, mọi người là nam giới đều có thể tham gia bộ máy cai trị. Với người da đỏ ở Mỹ, tất cả các quyết định của hội đồng đều phải có tính nhất trí; chỉ một người ngoan cố không chịu đồng ý đủ làm cho sự việc bế tắc. Dù vậy vẫn có những cách khéo léo để đạt được sự đồng thuận. Các hội đồng bộ lạc thường gồm những người đứng đầu các làng xã. Ví dụ đặc biệt với người Aztec, mọi gia đình đều cử người chủ gia đình vào hội đồng thị tộc. Mỗi thị tộc có một người đứng đầu, một thủ lãnh chiến tranh, và một người phát ngôn. Những người phát ngôn của hai mươi thị tộc họp thành hội đồng bộ lạc hay hội đồng quốc gia, cùng làm việc với nhà vua và vị quan chấp hành của nhà vua thường gọi là Xà Bà hay Bà Rắn (Snake Woman - Tuy gọi là Bà nhưng thực ra đó là một người đàn ông).
Trong số những nền quân chủ lớn châu Phi, nhà vua có dáng vẻ bề ngoài của một người nắm quyền tuyệt đối. Tuy nhiên, hiếm khi ông ta có thể hành động điều gì mà không có sự chấp thuận đầy đủ của hội đồng quốc gia, nơi những bậc trưởng lão trong hoàng tộc nói lên dư luận chung trong bộ lạc. Những ông vua lạm dụng quyền lực thường có thể bị hạ bệ; ngày xưa những vua chúa như thế thường bị thủ tiêu.
Chế độ quân chủ, như mọi quan hệ xã hội khác, dựa vào sự tương nhượng. Nếu nhà cai trị được tâng bốc, nhận được các đặc quyền xã hội lớn lao, thì ông ta phải phục vụ lại cho nhân dân. Vài ông vua và những nhà độc tài có thể làm ngơ trước đạo lý này, nhưng họ khó mà làm ngơ được lâu cái nguyên tắc đã được nêu lên trong câu châm ngôn của người Bali, “sức mạnh của nhà cầm quyền chính từ nhân dân mà ra.”