Nhà nước
Hoàn toàn có thể phân tích tổ chức chính trị mà không cần viện dẫn đến bất kỳ khái niệm nào về hình thức nhà nước. Thật ra, mãi cho tới gần đây các nhà khoa học chính trị đã chưa nhận thức được điều này, gây ra nhiều bất lợi nghiêm trọng cho sự phát triển của học thuyết chính trị đã tồn tại và phát triển độc lập ngoài phạm vi các loại chính quyền kiểu phương Tây. Trong một thời gian dài, do đan xen trong toàn bộ cuộc sống xã hội, kiểu tư duy về mặt nhà nước là lợi bất cập hại, vì đã lái chệch sự chú ý từ lãnh vực mang tính định chế rộng rãi sang các tiến trình chính trị. Tuy nhiên, trong nền văn minh hiện đại, nhà nước có một tầm quan trọng áp đảo và không nên quên rằng tầm quan trọng đó ngày càng phát triển. Hiện nay các nhà nhân chủng học chỉ chú trọng phân biệt các xã hội có và không có tổ chức nhà nước.
Ý niệm về nhà nước gồm ba yếu tố: (1) một lãnh thổ, (2) một quần thể dân cư có tổ chức về mặt văn hóa, và (3) một chính quyền.
Nhà nước là một trong các định chế trong một nền văn hóa của một cộng đồng cụ thể. Nhà nước không phải là một xã hội hay cộng đồng. Nhà nước là một phức hợp các hành vi, vốn là đặc tính tiêu biểu của các thành viên cộng đồng trong một phần đời sống của họ - đời sống chính trị. Vì vậy, như Linton nhận thấy, bộ lạc là một thực thể xã hội được biểu hiện bởi tình cảm của cộng đồng vì có chung nền văn hóa; nhà nước là thực thể phụ được biểu hiện bởi chung tổ chức chính trị - có hay không có một chính quyền đầy đủ.
Chính quyền được coi như là một công cụ thực thi của nhà nước. Tất cả các công dân là thành viên của nhà nước, nhưng chỉ một số nhỏ trong đó có thể là một phần của chính quyền. Nhân sự của nhà nước là các chuyên gia và công chức thực hiện công việc của nhà nước. Đó là những người đứng đầu các bộ phận, các thủ lãnh, các vua chúa, và các thành viên hội đồng, cùng nhiều loại phụ tá khác.
Ba nguyên tắc của tổ chức
Một nhà nước có thể sử dụng một trong ba đơn vị tổ chức chính trị chính làm căn bản cho cấu trúc của mình: (l) các đơn vị dòng tộc hay họ hàng, (2) các đơn vị về địa lý hay lãnh thổ, (3) hoặc các đơn vị mang tính đoàn thể.
Quan hệ họ hàng. Các xã hội sơ khai, như chúng ta đã nhận thấy trong các chương trước, phụ thuộc nặng nề vào nguyên tắc quan hệ họ hàng. Dòng họ, thị tộc, bộ tộc, và bán phần, mỗi hình thức đều có người đứng đầu, không những có trách nhiệm điều hợp và hướng dẫn công việc nội bộ trong các nhóm thân tộc của mình, mà còn thay mặt nhóm để giao tiếp với các nhóm dòng tộc khác. Họ có thể tập hợp lại thành những hội đồng ở nhiều cấp độ, thực hiện những việc công ích trong phạm vi thị tộc hay cho bộ lạc. Cấu trúc và chức năng của các hệ thống luật pháp dựa vào các nhóm dòng tộc này được phát triển đến mức độ nào là điều đã được chúng ta làm rõ.
Tinh thần địa phương. Mặt khác, vì mỗi cộng đồng là một thực thể lãnh thổ khác nhau, mỗi nhà nước, cả sơ khai lẫn văn minh, đều dùng đơn vị địa lý như một căn bản của tổ chức. Một đơn vị nhỏ nhất như thế là một hộ gia đình. Đơn vị lớn nhất kế tiếp là một trại (của những người du cư săn bắn và hái lượm) hay một làng (với những dân tộc định cư). Đơn vị lớn nhất kế tiếp là một nhóm trại (gồm một số trại - với những người du cư - hay một quận/huyện gồm vài ba làng - của những người định cư). Trên những đơn vị này là bộ lạc hoặc quốc gia, nhóm lớn nhất có chung một ngôn ngữ và nền văn hóa. (Thật ra, một bộ lạc có thể gồm nhiều nhóm dân tộc khác nhau).
Các bộ lạc có thể liên kết với các bộ lạc khác trên căn bản lâu dài hay tạm thời để thành lập một liên minh. Điều này thường được thực hiện trên căn bản tự nguyện cho mục đích cùng nhau phòng thủ hay xâm lược, và trong liên minh mỗi bộ lạc duy trì quyền tự quyết trong các vấn đề chính trị với mức độ rộng rãi, thay vì phải nhường quyền quyết định hoàn toàn cho liên minh. Điểm dị biệt duy nhất và thực sự giữa một khối đồng minh và một liên minh là sự phát triển của các định chế lâu dài và rõ ràng, trong việc xác định các vấn đề quan tâm chung giữa các bộ lạc.
Khi một bộ lạc hay một liên minh sáp nhập các (bộ lạc/quốc gia) nạn nhân bị chinh phục vào hệ thống nhà nước lâu dài trên một căn bản phụ thuộc, hệ thống chính trị mở rộng ra thành một đế quốc.
Tất cả những hình thức nhà nước mang tính chiếm hữu lãnh thổ đã được bộ lạc này hay bộ lạc khác trong thời sơ khai thực hiện.
Các đoàn thể. Việc sử dụng các đoàn thể như một nguyên tắc của tổ chức nhà nước, xét trên mặt tổng thể, là tương đối yếu kém trong các nền văn hóa sơ khai, tuy vậy, rất phổ biến. Những người đứng đầu các hội đoàn tôn giáo họp thành hội đồng bộ lạc trong một số làng da đỏ. Các hội đoàn quân sự của người da đỏ vùng Bình Nguyên thực hiện những chức năng nhà nước chủ yếu, như nhiều hội kín ở châu Phi và ở Melanesia. Các nhóm đồng trang lứa tại nhiều nơi ở châu Phi cũng hoạt động như vậy. Ở Ấn Độ các đẳng cấp vẫn hoạt động như những đơn vị của chính quyền, mặc dù hiến pháp hiện nay của Ấn Độ qui định cấm những điều này.
Cấu trúc hiến pháp của Hoa Kỳ không quan tâm đến nguyên tắc đoàn thể, nhưng các giáo hội, các nghiệp đoàn lao động, hiệp hội các nhà sản xuất, và các tổ chức có-quyền-lợi-đặc-biệt đều có những chức năng chính trị thứ cấp mà sự vận động hành lang của các tổ chức này là một hình thức biểu hiện. Chỉ cần đi dạo trên những đường phố ở Washington, chú ý đến những cơ quan đầu não uy nghi do một nhóm các tổ chức duy trì, thì sẽ nhận biết được điều đó là thực tế như thế nào.
Đến nay trong nhiều nhà nước hiện đại, đặc biệt là ở Mỹ, nguyên tắc về quan hệ họ hàng không còn được coi trọng nữa, chuyện vây cánh họ hàng “con ông cháu cha” thường bị luật pháp ngăn cấm.