Các hệ thống đại diện luật pháp
Để hiểu rõ hơn bản chất của các hệ thống luật pháp sơ khai, chúng ta nên phác họa một vài nền văn hóa mà lãnh vực luật pháp đã được nghiên cứu thấu đáo, sắp xếp từ dạng phát triển rất đơn sơ và nghèo nàn đến dạng phát triển cao có sự kiểm soát của chính quyền tập trung. Để làm việc này, chúng ta sử dụng các hệ thống của người Eskimo, Comanche, Ifugao, Nuer, và Ashanti.
Luật pháp Eskimo
Người Eskimo cho chúng ta một ví dụ điển hình về dạng luật pháp ở trình độ tổ chức xã hội thấp nhất. Một nhóm địa phương nhỏ của người Eskimo thường có không quá 100 thành viên. Tổ chức của nhóm xây dựng theo kiểu loại gia đình lưỡng hệ, ngoài điều đó ra không có gì khác. Họ không có dòng họ, không có thị tộc, không có đoàn thể cho cả nam giới lẫn nữ giới, và không có cả chính quyền. Mỗi nhóm có một người đứng đầu: đó là “kẻ được ngầm công nhận đầu tiên một cách bán vô thức (half-unconsciously) trong số những người bằng nhau”; kẻ được gọi là ihumatak, “người (biết) nghĩ (về kẻ khác), hoặc là anaiyuhok, “người được mọi người lắng nghe” hoặc là pimain, “người tinh thông mọi chuyện”. Người đứng đầu chỉ hướng dẫn, chớ ông ta không cai trị. Ông ta chỉ phương hướng cho các hoạt động của mọi người, nhưng không điều khiển họ. Không một người Eskimo nào ra lệnh cho ai cả; vì thế, người đứng đầu không hành xử một thẩm quyền nào về luật pháp.
Nhiều hành động mà không ta coi là cực kỳ tàn ác lại được người Eskimo chấp nhận như là điều cần thiết. Cho nên một vài hình thức sát nhân được xã hội coi là hợp pháp. Giết trẻ con, giết người tàn tật, tự sát, và giết người già là những điều được phép. Tất cả những việc đó đều nhằm đáp ứng nguyên tắc căn bản là chỉ những ai có đủ khả năng sinh tồn thì mới có quyền sống sót để đóng góp vào việc duy trì nền kinh tế của cộng đồng. Cuộc sống ở miền địa cực là rất bấp bênh.
Chẳng mấy khi xảy ra những lối vi phạm về tài sản trong cộng đồng người Eskimo, vì họ không có tài sản về đất đai, và họ dùng nhờ của cải hoặc hàng hóa của nhau rất thoải mái cho nên không có lý do để trộm cắp.
Luật pháp Eskimo phát triển từ sự đấu tranh gay gắt về vị thế, và điều này gây không ít khó khăn cho cánh đàn ông. Xã hội là hoàn toàn dân chủ, nhưng sự ganh đua về uy tín giữa những người đàn ông là rất căng thẳng. Người ta tạo địa vị hay vị thế của mình bằng tài năng săn bắn và bằng việc cướp vợ của những người đàn ông khác. Một người càng nổi tiếng thì càng có nhiều khả năng bị cướp vợ. Cướp vợ không phải chủ yếu vì các lý do về tình dục. Người Eskimo có thể thỏa mãn tình dục mà không cần phải làm tan vỡ gia đình người khác. Động cơ nằm ở chỗ muốn tỏ ra vượt trội hơn người đàn ông có vợ bị mình cướp đi một cách trót lọt.
Cướp vợ không phải là một tội ác, nhưng hầu hết những vụ kiện tụng là từ những sự kiện này. Sự thách thức đưa đến kết quả hoặc là giết người, hoặc thách thức thi hát, giao đấu, hoặc đánh nhau chí tử. Rasmussen nhận thấy hầu hết những người đàn ông trưởng thành trong nhóm người Eskimo Musk Ox đều từng giết người, hoặc chủ mưu hoặc tòng phạm; “… động cơ thì nhiều, một số là do cãi vã nhau về đàn bà.”
Việc những người chồng Eskimo nhường vợ không có nghĩa là họ không ghen. Nếu một người đàn ông nhường vợ mình cho người ta mượn, anh ta được tiếng tốt một người hào phóng. Thế nhưng nếu một người đàn ông nào khác hành lạc với vợ anh ta mà không được anh ta cho phép thì đó là tội thông dâm và xâm phạm bản ngã của người chồng, điều đó là không thể tha thứ được. Giết người thì sớm muộn gì cũng sẽ bị trả thù. Do phong tục người Eskimo qui định rằng kẻ sát nhân phải kết hôn với vợ của nạn nhân bị mình giết và nhận con cái của nạn nhân làm con nuôi, và đứa trẻ này, khi lớn lên thành người đàn ông sẽ giết anh ta để trả thù cho cha.
Một phương cách thay thế để khỏi giết kẻ xâm phạm gia đình (vì như vậy sẽ gây thêm thù hận) là thách thức anh ta thi hát một cách hợp pháp. Theo kiểu cách các nghệ sĩ hát rong ở Pháp thế kỷ mười ba, hai người tranh tụng sẽ dùng những bài hát tục tĩu thô bỉ được sáng tác cho dịp này để lăng mạ nhau:
Ta sẽ chẻ các từ ngữ ra - những từ nhỏ bé sắc bén
Như những mảnh vỡ ta đẽo ra bằng rìu
Một bài hát từ những thời đại xa xưa - một hơi thở của tổ tiên
Một bài hát về sự khao khát - đối với vợ ta
(Mà) một thằng nhóc con da đen ngu ngốc đã cướp nàng đi
Đã ra sức coi thường nàng
Một kẻ xâu xa độc ác ham muốn thịt người
Một tên mọi ăn thịt người vào những ngày đói khát.
“Ca sĩ” nào được tán thưởng nhiều nhất thì thắng cuộc. Vụ việc đã được giải quyết mà không nói đến chuyện đó (cướp vợ) là đúng hay sai. Nhưng quan trọng hơn hết, cuộc tranh chấp đến đó là chấm dứt. Kẻ giết người tái phạm, thầy pháp quá độc ác (thực tế là kẻ tái phạm tội giết người), và nói dối thâm niên là những tội ác có thể bị xử tử hình. Đó là tính chất của loại luật pháp thô sơ của người Eskimo vô chính phủ.
Luật của người Comanche
Cách hành xử luật pháp của người da đỏ Comanche cho thấy hình thức luật pháp của họ có phần phát triển cao hơn so với trên cùng bình diện tổng quát đối với luật của người Eskimo.
Người Comanche có các thủ lãnh, vừa dân sự vừa quân sự. Nhóm người Comanche đông đảo hơn nhóm địa phương người Eskimo, và người Comanche thường tích tụ tài sản đáng kể hơn, nhất là ngựa. Họ chia sẻ với người Eskimo cái bản năng dữ tợn với sự thống trị của nam giới và sự cạnh tranh nhau về vị thế giữa những người đàn ông bằng cách cướp vợ. Với chuyện này họ cũng coi là một vinh dự về quân sự. Người Comanche thừa nhận chín điều vi phạm chống lại cá nhân: thông dâm, cướp vợ, vi phạm tập tục nối dây bên chồng, giết người, giết một con ngựa hay, làm thầy pháp, làm cho người khác phải tự sát (là một hình thức giết người), không thực hiện một giao kèo, và trộm cắp.
Tội giết người cũng dẫn đến việc thân nhân người bị hại giết lại kẻ sát nhân. Điều này là một hình phạt theo đúng luật pháp, vì phong tục không cho phép thân nhân của kẻ tội phạm bị hành quyết được trả thù trở lại.
Tội thông dâm và cướp vợ được xử lý khác nhau, nhưng trong mỗi trường hợp, người thiệt hại bị dư luận buộc phải hành động. Anh ta có thể, và thực tế thường kiện người vợ phạm tội, giết nàng, cắt mũi, hoặc lóc thịt trên thân thể con người bất hạnh đó. Đây là một quyền hạn hợp pháp của người chồng. Hoặc nếu muốn, anh ta có thể đòi người đàn ông phạm tội kia bồi thường thiệt hại. Điều này được thực hiện bằng một đòi hỏi trực tiếp. Anh ta có đạt được điều mình đòi hỏi hay không tùy thuộc mức độ can đảm của bị can. Nếu nguyên cáo không đủ mạnh hoặc không đủ gan dạ, anh ta có thể nhờ bè bạn hoặc thân nhân truy tố can phạm giúp mình. Nhưng như thế thì “các thầy cãi giành hết phần lợi lộc”, vì những người giúp anh ta sẽ nhận lấy hết khoản bồi thường về cho họ. Hoặc nếu không có bạn bè thân nhân, anh ta có thể nhờ bất cứ một chiến binh dũng cảm nào truy tố can phạm giúp mình. Dù sao, những con người dũng cảm cũng sẵn sàng làm việc này để lấy tiếng mà không màng sự báo đáp vật chất nào.
Luật của người Ifugao
Người Ifugao cho chúng ta một ví dụ thú vị khác về luật pháp của tổ chức xã hội ở cấp độ sơ khai. Những con người miền núi săn đầu người ở Luzon này chẳng có được một chính quyền đáng gọi là một chính quyền. Trên một trăm ngàn dân bộ lạc sống rải rác khắp các thung lũng sâu, cắt xẻ thành từng mảnh vùng quê hương lởm chởm núi non của họ. Mặc dù, có nhiều cụm nhà qui tụ tại những địa điểm thuận tiện hơn, nhưng người Ifugao chẳng màng đến chuyện lập làng lập bản, họ cũng chẳng có lấy một tổ chức thị tộc. Tuy nhiên, những nhóm bà con tổ chức theo kiểu loại gia đình lưỡng hệ của họ ở xen kẽ vào nhau khá gần gũi. Trong nhiều thế kỷ, người Ifugao đã khoét vào các vách núi tạo ra những thửa ruộng bậc thang kỳ diệu với các hệ thống thủy lợi chằng chịt. Những thửa ruộng lúa do chính họ sở hữu riêng và được bảo vệ bằng một thứ luật pháp phức tạp. Người Ifugao là những người theo chủ nghĩa tư bản, họ có rất nhiều điều luật nhằm kiểm soát các loại nợ nần và tín dụng. Thêm vào đó, họ là những người cực kỳ ham kiện tụng, vì mỗi người đều rất nặng về sĩ diện, rất dễ bị đụng chạm. Danh mục những điều có thể sai phạm về mặt luật pháp của họ quả thật là quá dài.
Người Ifugao giải quyết một vụ kiện như thế nào? Một người bị tổn thất, hoặc có điều tranh chấp, trước hết cố đòi được giải quyết thỏa đáng với đối thủ. Thất bại ở đây, họ sẽ phải nhờ đến một monkalun, hay một người trung gian, là thành viên của tầng lớp xã hội cao nhất nổi tiếng là người chạy việc và có nhiều đầu lâu của kẻ thù. Sau khi nghe anh ta kể chuyện xong, monkalun đi tìm bị cáo để buộc tội. Đến lượt bị cáo nhờ monkalun này giúp đỡ. Đồng thời, bên nguyên và bị cáo phải chuẩn bị sẵn đội ngũ những người thân chiến đấu của mình. Người monkalun liên lạc qua lại giữa hai bên, dỗ dành, biện bạch, đe nẹt, lừa gạt - cố làm cho hai bên cùng nhượng bộ lẫn nhau để đi đến những điều khoản hai bên cùng chấp nhận được. Luật phong tục qui định các hình phạt và các nghĩa vụ của hai bên đều rõ ràng theo mỗi lỗi vi phạm, nhưng trước hết phải có sự thỏa thuận về tính chất chính xác và mức độ sai phạm. Yêu sách bồi thường và số bồi thường buộc phải đạt đến một điểm cân bằng thỏa đáng. Mỗi bên cân nhắc sức mạnh chiến đấu của mình và xu hướng của bên kia. Nhưng cuối cùng, nếu người monkalun và hai phe tranh tụng đủ kiên nhẫn, vụ việc cũng đi đến ngã ngũ, sự bồi thường thiệt hại được thực hiện (nếu đó là một vụ xô xát), hoặc nợ nần được trang trải (nếu là một vụ tranh chấp kinh tế). Nhưng nếu không có được sự giải quyết thỏa đáng cho mỗi bên, người monkalun sẽ rút lui. Nguyên cáo hay thân nhân anh ta sẽ giết can phạm - hay bất cứ thân nhân nào của y mà họ chộp được. Thù hận sinh ra từ đây. Bộ máy luật pháp đã thất bại.
Người monkalun, với sự can thiệp của họ, đại diện cho lợi ích công cộng. Thế nhưng ông ta chỉ là một dạng nhân viên công vụ ở cấp độ sơ đẳng. Ông ta không ra quyết định, cũng không thực hiện một sự phân xử nào, nhưng ông ta chỉ là phương tiện mang hai bên tranh chấp đến với một giải pháp thỏa đáng cho cuộc xung đột của họ. Tất cả những sự xung đột của người Ifugao là những sai phạm cá nhân do bên bị tổn thất khiếu kiện. Nói chung, không có dạng tội phạm chống lại xã hội.
Luật của người Nuer
Hệ thống luật pháp của người Nuer ở Sudan châu Phi tương tự như luật của người Ifugao về nhiều phương diện. Cũng giống như người Ifugao, người Nuer không có nhà nước. Không giống người Ifugao, họ được tổ chức thành các dòng họ. Các dòng họ đại diện cho các đơn vị pháp luật đối lập nhau. Evans-Pritchard xem họ như một dân tộc không có luật pháp bởi vì “... không có một quyền lực được cấu thành một cách độc lập để quyết định cái đúng cái sai trong một cuộc tranh chấp và cũng không có sức mạnh nào để buộc một quyết định như thế phải được chấp hành.”
Theo sự phân tích của Evans-Pritchard, lòng thù hận và sự đe dọa của lòng thù hận là các cơ chế luật pháp mà nhờ đó sự tôn trọng các qui chuẩn được duy trì. Sự vi phạm một qui chuẩn có thể gây nên thù hận giữa các dòng tộc. Nhưng trong các cộng đồng người Nuer thì: “Một mối thù hận trong phạm vi một làng thì không thể nào xóa bỏ được, và không thể nào duy trì thù hận lâu dài giữa các làng kế cận nhau.”
Chúng ta đã chỉ ra rằng các quan tòa chính thức không nhất thiết là thuộc tính của luật pháp. Cũng như người Ifugao, người Nuer nhờ vào sự giúp đỡ của người trung gian, một vị Thầy Cả, dàn xếp các vụ tranh chấp nghiêm trọng. Vị thầy cả này đặc biệt có liên quan đến sự linh thiêng của Trái Đất, cũng là người được gọi là Thủ Lãnh Da Báo vì ông khoác một tấm da báo như một biểu tượng chức vụ. Hầu hết những vụ xung đột của người Nuer đều được dàn xếp một cách hợp pháp thông qua việc đàm phán trực tiếp giữa các dòng tộc, không cần sự can thiệp của vị Thầy Cả. Sự thương tổn thân thể buộc phải bồi thường bằng gia súc theo một tỷ lệ xác định và chi tiết, tương ứng với mức độ thương tổn gây ra cho nạn nhân. Tội thông dâm và quyến rũ thiếu nữ chưa chồng cũng là những sai phạm cá nhân có thể phải đền bù bằng gia súc. Cũng có các vụ kiện đòi lại sính lễ khi xảy ra ly dị.
Người Nuer là một dân tộc độc lập và kiêu hãnh, có khuynh hướng ưa sử dụng bạo lực. Không bồi thường thiệt hại bằng gia súc theo phong tục có thể dẫn đến đâm chém thương vong, và càng gây thêm hận thù, sự bình yên của xã hội bị nổi cơn sóng gió. Tuy vậy, mặc dù tính khí hung hãn, người Nuer đánh giá cao các quan hệ tốt đẹp với các bộ lạc láng giềng và trong phạm vi bộ lạc mình. Một người Nuer giết một người Nuer là làm cho tinh thần của chính thủ phạm và của cả gia đình y bị ô uế. Sự ô uế đó, gọi là nueer, mang lại dịch bệnh và chết chóc, trừ phi được vị Thầy Cả cúng tẩy uế cho.
Vì vậy một vụ giết chóc chắc chắn là sẽ gây ra sự thù hận, cũng như những sự nguy hiểm và phải trả giá bằng nueer - sự ô uế. Cho nên kẻ sát nhân có thể xin tỵ nạn tại trang trại của vị Thầy Cả. Ở đó y tránh bị trả thù, trong khi vị thầy cả dàn xếp món nợ máu giữa dòng tộc của kẻ sát nhân và dòng tộc của nạn nhân. Nếu sự dàn xếp hợp lý có thể chấp nhận được mà dòng tộc này hay dòng tộc kia vẫn không chịu đống ý một cách vô lý, vị Thầy Cả có thể đe dọa phát lời nguyền với họ. Nếu lời nguyền được phát ra, gia súc của họ sẽ bị bệnh, hoa màu của họ sẽ khô héo, và người trong dòng tộc của họ sẽ chết - một viễn cảnh chẳng vui vẻ tí nào! Vì thế, sự trừng phạt tối hậu trong luật pháp Nuer là nặng về thể xác, mặc dù là do các phương cách siêu nhiên. Khi món tiền trả nợ máu được thanh toán xong, gia trang, gia súc, và thân thể kẻ sát nhân đã được rửa sạch tội lỗi. Quan hệ xã hội giữa hai nhóm dòng tộc do đó được hồi phục, và cuộc sống trở lại bình thường.
Luật của người Ashanti
Cuối cùng, người Ashanti ở Tây Phi được kể đến như một dân tộc sơ khai đang trên đường tiến đến nền luật pháp văn minh vào giữa thế kỷ mười chín. Hiện nay họ là một phần dân tộc của đất nước Ghana mới.
Ashanti là một dân tộc mạnh mẽ, tự phát triển một nền quân chủ lập hiến. Hận thù thị tộc được kiểm soát, và tất cả luật dân sự được qui về ngành tư pháp của các toà hình sự của hoàng gia bất cứ một cuộc tranh chấp nào trước kia vốn được giải quyết giữa hai người chủ gia đình với nhau nay được giao vào tay hoàng gia bằng một cách đơn giản: một trong hai người tranh chấp gọi tên Đấng Húy Kỵ ra mà cáo buộc rằng người kia có tội. Để bác lại, địch thủ của anh ta cũng sẽ gọi tên húy đó ra để thề mình không phạm tội. Như thế là một trong hai người đã thề dối, đã man khai, mà đó là tội tử hình, bị chém đầu.
Bất cứ ai đã nghe sự thề thốt đó đều phải bắt giữ cả hai người, vì mọi công dân đều là nhân viên mật vụ của nhà vua trong những sự kiện như thế. Anh ta dẫn hai người đến một khúc gỗ dùng cho việc này và xích cả hai vào đó. Anh ta chạy đến gặp vị pháp quan của nhà vua để báo tin. Người ta sẽ định ngày xử án. Khi được mang đến trước vua và các trưởng lão trong dòng tộc, mỗi can phạm này sẽ kể rõ câu chuyện của mình. Câu chuyện sẽ được người phát ngôn của nhà vua lặp lại từng lời, và mỗi can phạm sẽ xác nhận sự chính xác của những lời lặp lại đó. Những điều tranh cãi được nối kết lại như thế. Tiếp theo, người này hoặc người kia trong hai can phạm sẽ chỉ ra người làm chứng cho mình. Người chứng sẽ được dẫn tới trước mặt nhà vua và sẽ phát lời thề độc rằng những lời nhân chứng nói là sự thật hoàn toàn. Người Ashanti mặc nhiên tin vào điều này, vì toàn bộ cuộc xử án sẽ chỉ xoay quanh những gì nhân chứng nói ra ở đây. Một can phạm sẽ được phóng thích, người kia sẽ bị kết án chặt đầu - trừ phi nhà vua thấy thích số tài sản của y và cho phép y được đem tài sản ra “mua lại cái đầu mình”, nghĩa là được nộp phạt.
Ngoài phương cách thô sơ và đáng chú ý này của việc mở rộng ân điển của vua, còn có nhiều qui định hình sự quan trọng khác; sự vi phạm bất cứ điều nào trong những qui định này cũng là tội chết. Các qui định này xếp hạng từ tội giết người, - “chỉ có nhà vua mới có quyền sinh sát”, cho đến tội đánh cắp một con gà đang ấp trứng. Ngay cả tự sát cũng là tội tử hình, vì đó là hành vi tiếm quyền sinh sát của vua. Tử thi của người tự sát bị lôi đến tòa án, bị xét xử, và chém đầu một cách ồn ào rầm rộ. Thêm vào đó, tài sản của người chết bị tịch thu nhân danh bộ tài chính của vua. Luật hình sự của người Ashanti đúng là quá khắt khe, giống như ở nước Anh vào thế kỷ mười tám, có tới 200 tội tử hình. Đó là một điển hình về cách mà một nền quân chủ quan tâm đến việc duy trì trật tự xã hội bằng cách dùng hình luật thay cho dân luật. Đây là tiến bộ xã hội thực sự vượt trên những sự rối loạn hỗn tạp trong các xã hội còn dung túng sự hận thù.