Tổ chức chính trị của ngưu Tswana
Một xã hội sơ khai phát triển cao, các đơn vị mang tính phả hệ, địa lý, và đoàn thể đan xen vào nhau thành một hệ thống nhà nước nhiều thành phần. Bản báo cáo sáng suốt của giáo sư Schapera về Tswana, một quốc gia châu Phi ở Bắc Rhodesia, cung cấp cho chúng ta một trong những ví dụ rõ ràng nhất về việc này.
Quốc gia Tswana, hay Bechuana, được hợp thành với một nhóm các bộ lạc có nguồn gốc dân tộc đồng nhất. Mỗi bộ lạc là một đơn vị độc lập về chính trị, mặc dù những bộ lạc mới thành lập gần đây nhìn nhận cấp bậc bề trên của những bộ lạc mà từ đó họ tách ra. Dân số trong mỗi bộ lạc ước chừng hơn 100 ngàn người.
Trung tâm qui tụ của bộ lạc là cá nhân và chức vụ của tù trưởng, một người không những là nhà cai trị tối cao mà còn là “biểu tượng hữu hình của sự gắn bó và đoàn kết”. Người ta có thể rời bỏ bộ lạc nơi mình sinh ra, và nguyên tịch bộ lạc của mỗi người do một vị thủ lãnh nhất định phán bảo. Mỗi bộ lạc ở Tswana có một thủ phủ (dân số từ 600 đến 25 ngàn người) và một số làng xã nhỏ hơn nằm bên ngoài thủ phủ.
Trong phạm vi làng hay thị trấn, các hộ gia đình (gồm một hay nhiều gia đình do hôn nhân) quây quần lại với nhau thành những nhóm gia đình riêng biệt. Các nhóm gia đình có quan hệ gần gũi sống trong một đơn vị hành chánh gọi là phân khu - như một phường. Tất cả các phân khu gộp lại thành một bộ lạc, chỉ trừ ra hai trong số các bộ lạc lớn, các phân khu họp lại thành từng “khu”.
Một thôn ấp nhỏ có thể chỉ gồm một hộ gia đình. Một làng nhỏ có thể chỉ có một nhóm gia đình. Một làng lớn có thể chỉ có một phân khu. Tuy nhiên, nếu một làng lớn vừa có thể gồm vài nhóm gia đình và vài phân khu. Mỗi một nhóm này là một đơn vị chính quyền - đất đai - quan hệ họ hàng của cấu trúc xã hội.
Người đứng đầu trong hộ gia đình là người chồng và là người cha; với một nhóm gia đình, người đứng đầu là một người đàn ông niên trưởng, cháu nội của người mà nhóm gia đình này mang tên. Địa vị người đứng đầu này là do thừa kế và ấn định.
Ông ta điều khiển các hoạt động của nhóm và duy trì sự yên ổn cho cả nhóm gia đình. Với những vấn đề quan trọng, ông tham khảo ý kiến của hội đồng của nhóm gồm những người nam giới trưởng thành.
Người đứng đầu một phân khu giữ địa vị của mình theo quyền thừa kế vì là con trai trưởng của người đứng đầu thế hệ trước đó. Ông ta không phải là người do tù trưởng chỉ định, trừ khi phân khu mới được thành lập. Tuy vậy, ông ta hành động như người đại diện của phân khu đối với tù trưởng, và có trách nhiệm về an ninh trật tự của người dân trong phân khu và thực hiện các mệnh lệnh của tù trưởng. Ông thu đồ cống nạp cho tù trưởng, nắm quyền tư pháp xét xử trong các vụ mâu thuẫn nhỏ giữa các nhóm gia đình. Ông cũng là thủ lãnh của những chàng trai trong các nhóm lớp đồng trang lứa của phân khu.
Một người trưởng phân khu phái tham khảo ý kiến với hội đồng phân khu, gồm các thành viên trưởng thượng của các nhóm gia đình và những người trưởng nhóm gia đình trong phân khu của mình. Nếu ông có hành động phi pháp trong chức vụ, hội đồng sẽ khiển trách ông hoặc khiếu kiện lên tù trưởng để trừng phạt thông qua tòa án Hoàng gia. Đôi khi người đứng đầu phân khu triệu tập tất cả đàn ông trong phân khu trong một cuộc họp toàn dân, để xem xét lại các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng phân khu. Người đứng đầu phân khu phải chịu gánh nặng về trách nhiệm, tuy sự đền đáp bằng vật chất là không bao nhiêu nhưng bù lại, ông ta là người có uy tín và được kính trọng - miễn là làm tốt công việc của mình.
Mỗi làng lại có người trưởng làng. Nếu làng và phân khu là một thì người trưởng phân khu cũng là người trưởng làng. Nhiệm vụ của người trưởng làng cũng giống của người trưởng phân khu, chỉ có điều phạm vi khu vực rộng lớn hơn. Trong các bộ lạc có chia quận huyện, các tổ chức làng cũng giống như mô tả ở trên, nhưng quận/huyện vẫn có một người đứng đầu của một trong những làng bản địa quan trọng như một đại diện đặc biệt đối với thủ đô. (Và các làng bản xa xôi sẽ gồm những người lạ nhập cư).
Tại thủ đô, chúng ta đến với chính quyền bộ lạc trung ương được tổ chức quanh vị tù trưởng. Tù trưởng là người con trai trưởng trong gia đình tù trưởng thừa kế chức vị của cha. Trong việc kế nghiệp, dòng trực tiếp đi trước tất cả các dòng bàng hệ; nghĩa là, các con trai của tù trưởng được thừa kế chức vụ, chứ không phải là các anh em trai của tù trưởng và các con trai của họ, mặc dù anh hay em trai của ông vua mới qua đời có thể giữ chức vụ nhiếp chính khi người con nối ngôi vua còn nhỏ tuổi. Nếu một tù trưởng qua đời không có con trai thừa kế, ngôi tù trưởng sẽ chuyển sang cho người anh của ông ta.
Về mặt chức năng, tù trường Tswana “đồng thời vừa là người cai trị, đại phán quan, người lập, bảo vệ, và thi hành luật pháp, là người qui tập của cái, phân phát tặng phẩm, lãnh đạo trong chiến tranh, vừa là thầy cả và pháp sư của nhân dân”. Ông ta và gia quyến ông ta có quyền ưu tiên trong tất cả mọi thứ và nhận sự tôn kính từ nhân dân. Bất tuân lệnh hay tỏ lòng bất kính ông ta là một trọng tội. Hoàng tộc và các cống phẩm của thần dân duy trì sự tồn tại của nhà vua.
Đổi lại, người ta kỳ vọng nhiều nơi nhà vua. Thời giờ của ông là của nhân dân. Nhà vua phải luôn luôn hiểu biết rõ mọi việc trong bộ lạc, ai cần khiếu nại điều gì đều có thể tiếp xúc với ông; vua tổ chức và điều khiển quân đội, làm đại phán quan, chủ tọa hội đồng bộ lạc, thực hiện các buổi lễ chính của tôn giáo, và quan trọng hơn hết, phải rộng lượng, hào phóng, phân phát lại phần lớn những gì mà thần dân đã cống nộp.
Các thân nhân nam giới của vua hay tù trưởng hình thành một giới quí tộc, một kiểu Nguyên Lão Nghị Viện mà vua hay các tù trưởng phải luôn tham khảo ý kiến một cách chặt chẽ. Để duy trì sự kiểm soát dân chủ hữu hiệu, một ban cố vấn thân cận không chính thức (một “nội các”) được thành lập gồm những người quan trọng trong bộ lạc mà vua hay tù trưởng cảm thấy có thể tin cậy được; những người này thường, nhưng không phải luôn luôn, là các thân nhân bên nội của nhà vua.
Chánh phủ cũng gồm hội đồng bộ lạc chính thức của tất cả những người đứng đầu các phân khu, gặp nhau trong các buổi hội họp kín do vua hay tù trưởng triệu tập bất cứ lúc nào.
Những vấn đề lớn lao của bộ lạc, dù đã được hai nhóm cố vấn chấp nhận trước đó, nhưng chúng phải được thảo luận và được chuẩn thuận trong đại hội mở rộng của bộ lạc thì mới trở thành đường lối chính sách. Tất cả những người đứng đầu làng xã phân khu quận huyện và tất cả những người đàn ông trưởng thành có quan tâm, đều về tham dự đại hội này. Như thế, mặc dù một tù trưởng được sinh ra để làm tù trưởng, người Tswana vẫn có một châm ngôn có tính nền tảng hơn nói rằng: Một tù trưởng sở dĩ được làm tù trưởng là do sự độ lượng của nhân dân. Hiến pháp của nhà nước qui định tù trưởng phải chịu sự kiểm soát và giữ thế cân bằng của các đại biểu. Một tù trưởng nếu tự hành động theo ý mình thì không thể tồn tại được lâu.
Nhà nước Tswana còn có một cánh tay khác cần đề cập đến. Tất cả nam giới người Tswana đều phải gia nhập các nhóm lớp đồng trang lứa ngay từ tuổi dậy thì. Những nhóm lớp này có những chức năng quan trọng phải thực hiện, và cũng quan trọng không kém các đơn vị của tổ chức chính trị. Mỗi nhóm lớp lứa tuổi cắt ngang các yếu tố có tính địa phương của bộ lạc và vô hiệu hóa chủ nghĩa địa phương, vốn làm cho các nỗ lực hòa nhập quốc gia mất tác dụng. Mỗi nhóm lớp lứa tuổi (gồm từ khoảng năm chục đến vài trăm thiếu niên hay thanh niên) luôn luôn được đặt dưới sự chỉ huy của một thành viên hoàng tộc. Trong chiến tranh, các nhóm lớp lứa tuổi này hình thành nên các binh đoàn trong lực lượng quân đội của bộ lạc. Thanh niên, đàn ông cùng một phân khu họp lại thành các “đại đội” trong binh đoàn, do một người con trai hay thân nhân gần của người trưởng phân khu làm đại đội trưởng. Trong thời bình, các đợt lứa tuổi phục vụ như những binh đoàn thực hiện các dịch vụ công cộng, hay công việc xây dựng mà vị tù trưởng nhận thấy cần thiết.
Các nhóm lớp đồng trang lứa của phụ nữ cũng được tổ chức như bên nam giới. Trong phần công việc của nữ giới, họ cũng thực hiện các công việc công ích, tuy tính chất có nhẹ nhàng hơn.
Hệ thống của người Tswana là điển hình mẫu mực về một nhà nước, như một hệ thống chính trị trong một xã hội tiến bộ thời sơ khai, kết hợp xen kẽ và giữ cân bằng các nhóm họ hàng thân quyến, đất đai, và đoàn thể trong một tổng thể hài hòa. Hệ thống này cho thấy các đặc quyền có tính chức năng qua sự phân bố quyền hạn đến các thủ lãnh có trách nhiệm, được kiểm soát và cân bằng với sự tín nhiệm kèm theo của nhóm được tổ chức để tham khảo ý kiến, qua sự dự liệu của các hội đồng trên mỗi thang bậc của cơ cấu hành chánh, cùng với sự kiểm tra cuối cùng qua hội nghị toàn thể tại mỗi cấp độ của sự cân nhắc tất cả các quyết định quan trọng và chính yếu. Tổ chức chính trị Tswana có tất cả các yếu tố cơ bản của chế độ quân chủ, chế độ dân chủ, chế độ một nhóm thiểu số nắm quyền (oligarchy), chế độ chính trị thần quyền, và chế độ lão trị (gerontocracy). Nó vừa là một vừa là tất cả những thứ đó. Nó không cần các thủ tục bầu bán, và do đó tránh được nhiều rắc rối và bất ổn, vì tính biến đổi bên trong xã hội được hạn chế, và trong xã hội loại này nguyên tắc thừa kế là khá ổn định.