Tài liệu: Ấn Độ - Giáo dục người lớn

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Cho đến Thế chiến thứ I, ở Ấn Độ có rất ít tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục người lớn, vốn hạn chế trong những lớp học ban đêm tại các thành phố.
Ấn Độ - Giáo dục người lớn

Nội dung

GIÁO DỤC NGƯỜI LỚN

Cho đến Thế chiến thứ I, ở Ấn Độ có rất ít tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục người lớn, vốn hạn chế trong những lớp học ban đêm tại các thành phố. Tuy nhiên, một số nhà cai trị sáng suốt của các bang do hoàng tộc cai trị như Baroda, Travancore và Mysore đã hỗ trợ rất nhiều về tài chính cho các lớp ban đêm. Họ cũng đã thành lập các thư viện ở vùng nông thôn từ thế kỷ thứ 19 và bảo trợ cho các thư viện này.

Những nhà lãnh đạo quốc gia khởi xướng phong trào tự do cũng quan tâm đến vấn đề giáo dục đại chúng, coi đó như một phần của chương trình độc lập quốc gia. Khi các chính quyền quốc hội được thành lập ở một số tỉnh vào năm 1937, việc giáo dục người lớn đã thuộc về trách nhiệm của chính quyền.

Hàng loạt các chiến dịch học chữ của quần chúng ở các tỉnh đã được tiến hành vào khoảng 1937 - 1939. Nhưng chính quyền quốc hội sau đó đã bị phế bỏ và chiến dịch này chấm dứt. Năm 1939 ủy ban CABE được chỉ định để giải quyết vấn đề thất học, đã đề xuất trang bị cho giáo dục người lớn ở quy mô rộng lớn. Ngoài ra ủy ban này cũng kêu gọi nỗ lực tự nguyện của các đơn vị quan tâm đến việc cải thiện xã hội trong vấn đề này. Nhưng đến năm 1944 ủy ban Sargent đã khẳng định rằng chính quyền các bang phải nhận lãnh trách nhiệm này và giải quyết vấn đề trong vòng 25 năm.

Việc xóa nạn mù chữ là một trong những mối quan tâm chính của chính quyền Ấn Độ kể từ ngày độc lập. Trong Kế hoạch Năm năm lần thứ nhất, chương trình Giáo dục Xã hội, trong đó có việc học chữ, đã được đưa ra như một phần của Chương trình Phát triển Cộng đồng. Một sự hỗ trợ về đào tạo toàn diện đã được xúc tiến thông qua việc thành lập các Trung tâm Đào tạo thuộc Các Tổ chức Giáo dục Xã hội. Các trung tâm cộng đồng kiểu mẫu, các thư viện nông thôn, các câu lạc bộ thanh niên và các trường học dân gian đều được khích lệ. Các trường dân gian gọi là Vidyapeeth ở Karnataka và Jagnti Vihas tại Bihar đã cung ứng những chương trình giáo dục người lớn theo hướng kỹ năng cho các thanh niên nông thôn. Trung tâm Giáo dục nền tảng Quốc gia đã cung ứng những phương tiện đào tạo ở cấp độ cao và thực hiện những cuộc nghiên cứu liên quan đến giáo dục người lớn. Gram Shikshan Mohim ở huyện Satara tại Maharashtra là một trong những chiến dịch thành công trong lĩnh vực này. Chiến dịch này đặt mục tiêu xóa nạn mù chữ ở từng làng, trong thời gian chỉ từ 3 đến 6 tháng.

Dự án liên bộ ‘Đào tạo Nông dân' được đưa ra năm 1967 - 1968 với mục tiêu đại chúng hóa giáo dục. Chương trình này bao trùm 144 huyện với 8.640 lớp học được tổ chức cho 260.000 nông dân vào năm học 1977 - 1978. Tuy nhiên trong chương trình này các học viên được tuyển chọn, và có những nhóm lớn mù chữ chưa được đưa vào như các thợ thủ công, người lao động không có đất và các phụ nữ.

Ban Tư vấn Giáo dục Trung ương, trong các kỳ họp năm 1974 và 1975 đã có những hỗ trợ lớn cho các chương trình giáo dục không chính quy dành cho người lớn. Chương trình Xóa Mù chữ cho Phụ nữ Người lớn (FLAW) bắt đầu từ năm học 1975 - 1976 đã dần dần mở rộng vào năm học 1981 - 1982. Chương trình FLAW đặt mục tiêu giúp những phụ nữ mù chữ có được những kỹ năng cơ bản cùng với khả năng đọc chữ hấu nhận thức tốt hơn về sức khỏe, vệ sinh và chăm sóc trẻ em.

Chính sách Giáo dục Quốc gia đã đặt ưu tiên tuyệt đối cho 3 chương trình xóa nạn mù chữ, đặc biệt là cho nữ giới:

a/ Phổ cập giáo dục sơ cấp và giữ các trẻ ở tại trường lớp cho đến độ tuổi 14.

b/ Một chương trình hệ thống về giáo dục không chính quy cho các bang chậm tiến về giáo dục.

c/ Sứ mệnh Xóa nạn Mù chữ Quốc gia, đặt mục tiêu giúp cho 100 triệu người lớn biết chữ vào năm 1997.

Trọng tâm của các chương trình này là xúc tiến xóa nạn mù chữ trong nữ giới và các bộ tộc ở những vùng nông thôn.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1957-02-633468780649375000/Giao-duc/Giao-duc-nguoi-lon.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận