1400 – 1500:
SỰ MỞ RỘNG KIẾN THỨC
1400-1500 - THẾ GIỚI
Trải dài thế kỷ 15 bước tiếp của lịch sử bắt đầu thay đổi vì toàn bộ các châu lục địa và các nền văn minh đều không còn phát triển tách biệt với nhau. Ngành thương mại của châu Phi với châu Á và Âu, những cuộc du hành của các thương gia Trung Quốc qua Ấn Độ Dương đi tìm những nguyên vật liệu quý, việc người Bồ Đào Nha khai thác dần những con đường biển tới Ấn Độ, và vào cuối thế kỷ, cuộc du hành của Columbus ngang qua Đại Tây Dương, tất cả đã làm cho các dân tộc trên thế giới ngày càng tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nền kinh tế quốc tế bắt đầu phát triển.
THỜI KỲ PHỤC HƯNG
Bên châu Âu thời kỳ phục hưng về nghệ thuật và canh tân về học vấn khởi đầu từ miền Nam và vào cuối thế kỷ 13, mở rộng ra khắp lục địa. Nó được sự hậu thuẫn của nguồn tài sản gia tăng và sự du nhập ngành in với các mẫu chữ rồi. Điều này làm cho thông tin triển khai mau hơn.
1400 - 1500 - CHÂU PHI
Vương quốc Mali giàu có, ở mạn Tây châu Phi mất về tay những người Songhai, một dân tộc mà sự lớn mạnh đã ảnh hưởng tới các quốc gia lân cận là Hausa và Kanen Bornu. Cũng về mạn Tây, thành phố Timbuktu và Jenne trở thành những trung tâm thương mại quan trọng đối với châu Âu và châu Á. Về mạn Đông, vùng Tanzania và Kenya, một vài nền văn hoá phồn thịnh, đặc biệt là Engaruka, nơi mà ngành nông nghiệp có thủy lợi đã được áp dụng. Nền văn minh nhờ sản xuất vàng Zimbabwe ở mạn Nam châu Phi đạt tới giai đoạn mở rộng lớn nhất của nó và những khu thị tứ riêng biệt bằng đá được xây dựng.
KHOẢNG 1400 - VĂN MINH ENGARUKA
Engaruka là một cộng đồng dân cư sống bằng nông nghiệp ở mạn Bắc Tanzania khoảng 100 dặm (160km) về phía Tây Kilimajaro. Vì đất nằm trên một sườn dốc, họ phải xây những bệ đài bằng đá xếp lớn lên nhau để tạo mặt bằng trước khi xây dựng lên trên đó. Ngoài việc định cư với diện tích khoảng 8 dặm vuông (20 km2) người Engaruka nâng cấp các triền đồi để trồng màu. Cả những cánh đồng này cũng được chống đỡ bằng vách đá và được tưới bằng những dòng nước dẫn qua những đường mương lát đá từ sông Engaruka. Các khu định cư đã được khai quật từ những năm 1960 và sự thật chứng tỏ rằng khu đất đã được chiếm cứ từ nhiều năm. Tại sao nền văn minh Engaruka cáo chung, điều này chưa rõ; nhưng có thể nó đã bị ảnh hưởng bởi một thời gian dài hạn hán làm cho không còn canh tác được nữa. 1462 Sonni Ali trở thành thủ lãnh của Songhai.
Vùng đất của người Songhai ở mạn Tây châu Phi tiếp giáp với đất của đế quốc Mali giàu có. Người Songhai bắt đầu cướp phá đất Mali từ đầu những năm 1400 và vào thời kỳ giữa thế kỷ trở thành một mối đe doạ nghiêm trọng. Dưới sự lãnh đạo của Sonni Ali (1462 - 1492) họ đánh chiếm được những vùng rộng lớn mạn Đông đế quốc Mali. Vùng đất này trở thành đế quốc Songhai. Sonni Ali là một nhà chỉ huy quân sự và sống phần lớn cuộc đời mình trong những chiến dịch. Ông củng cố đế quốc mới bằng cách chiếm và mở mang những trung tâm buôn bán chính ở Mali như Tumbuktu và Jenne cũng như mở rộng bờ cõi của thủ đô Gao. Sau khi đã chiếm được nhiều vùng của Mali, ông chủ trương duy trì những khía cạnh tốt đẹp nhất của nó và phát triển bằng việc điều hành tốt hơn. Ông chết vào 1492 và được con ông kế nghiệp. Nhưng trong cùng năm ấy ông này bị truất ngôi bởi một trong những vị tướng quan trọng của Sonni là Askia Mohammed Trure.
1400 - 1500 CHÂU Á
Khi họa xâm lăng Mông Cổ đã lắng xuống, các quốc gia riêng biệt bắt đầu tuyên bố độc lập. Trung Quốc tái lập uy quyền xưa kia và bắt đầu khuếch trương ảnh hưởng của mình ra xa ngoài bờ cõi. Ở Thái Lan, những cuộc cải cách kéo dài mãi đến nhiều thế kỷ. Triều Yi ở Triều Tiên đã chăm lo cho một thời đại của việc trau dồi tri thức. Ở phía Đông, Nhật bản rối ren bởi các cuộc nội chiến. Ở Ấn Độ, vương quốc Delhi mau chóng suy tàn và các quận huyện xa thủ phủ đã giành được độc lập dưới các triều đại Hồi giáo địa phương.
1411 - AHMAD SÁNG LẬP AHMADABAD
Vương quốc Delhi của Ấn Độ, trị vì bởi triều đại Tughuq từ 1320, bắt đầu chia tách vào những năm 1390 thành các vương quốc độc lập nhỏ hơn. Năm 1401, Zafar Khan, vị thống đốc cuối cùng được sắc phong bởi các hoàng đế Delhi, đã tuyên bố độc lập. Năm 1411, Ahmad Shah, cháu ông lên nối ngôi. Ahmad trị vì rất nghiêm khắc nhưng công minh và dưới thời trị vì của ông nền thương mại rất phát đạt. Ông thành lập thủ đô mới ở Ahmadabad và xây dựng thành một trong những thành phố đẹp nhất Ấn Độ. Phần lớn triều đại của ông được dành cho việc mở mang bờ cõi. Các đạo quân bất khả chiến bại của ông gồm những binh sĩ được trả công nửa bằng tiền mặt nửa bằng ruộng đất, khiến họ có một địa vị riêng trên quê hương họ. Ahmad Shad băng hà năm 1442.
l419 - VUA SEJONG TRỊ VÌ TRIỀU TIÊN
Trong nhiều năm, Triều Tiên là một tỉnh bán độc lập của Trung Quốc. Vào những năm 1250, người Mông Cổ xâm chiếm Triều Tiên và nắm quyền cai trị một thế kỷ. Khoảng năm 1354, một viên tướng chỉ huy quân đội Triều Tiên là Yi Song-gye, đã lãnh đạo thành công cuộc nổi dậy chống người Mông Cổ, và đưa Triều Tiên trở lại dưới sự cai trị của người Trung Quốc. Thế rồi, vào năm 1392, ông lật đổ triều Koryo của Trung Quốc, lập nên triều Yi và xây dựng thủ đô Kyon-Song, tức Seoul ngày nay. Năm 1419, một người trong họ của ông là Sejong đã trở thành vua Triều Tiên và trị vì 32 năm. Sejong là người đỡ đầu vĩ đại cho nền học vấn của nước nhà. Dưới triều đại của ông, một bản mẫu tự chữ cái chính thức mới của tiếng Triều Tiên được ban bố, gọi là mẫu tự ''Han gul'', và ông cũng rất quan tâm đến sự phát triển các mẫu tự rời trong in ấn. Thêm vào các đóng góp của ông cho nền học vấn của nước nhà, Sejong còn ngăn chặn thành công nạn cướp bóc từ Nhật Bản dọc các bờ biển Triều Tiên.
1368 - 1644 - TRIỀU ĐẠI NHÀ MINH
Triều đại nhà Minh bắt đầu năm 1368 khi Hồng Vũ, một nông dân Trung Quốc đã lãnh đạo các cuộc nổi dậy chống quân Mông Cổ, thiết lập một triều đại mới ở Nam Kinh và cuối cùng đã đẩy lui được giặc Mông. Ông đã khôi phục được lòng tự tin và niềm tự hào của người Trung Quốc, một thành quả đầy ý nghĩa sau nhiều năm dưới ách thống trị Mông Cổ, và bắt đầu khôi phục lại uy quyền của Trung Quốc đối với các nước láng giếng. Ông cũng thiết lập một chính quyền vững mạnh và bảo đảm cho một thời kỳ thanh bình và thịnh vượng lâu dài. Rất nhiều việc đã được thực hiện để làm cho xã hội Trung Quốc công bằng hơn, như bãi bỏ chế độ nô lệ, tịch thu những mảnh ruộng lớn chia cho dân nghèo và đánh thuế cao hơn vào người giàu. Cùng lúc một quân đội vững mạnh được duy tân để đương đầu với ngoại bang. Vạn lý Trường Thành được sửa sang và tăng cường canh gác. Người cháu nội của Hồng Vũ nối ngôi ông vào năm 1398, và các vị hoàng đế sau đó vẫn tiếp tục những công việc tốt đẹp mà ông đã khởi xướng.
1448 - VUA TRAILOK CẢI CÁCH THÁI LAN
Vào thế kỷ 12 và 13, phần đất ở Đông Nam Á mà ngày nay là Thái Lan bao gồm những vương quốc nhỏ tranh giành nhau thống lĩnh các vùng đất thấp ở trung tâm màu mỡ. Giữa thế kỷ 14, vương quốc Ayuth được thành lập ở miền Nam. Vương quốc này đã mở rộng bờ cõi ra một phần miền đất thấp luôn bị dòm ngó và trở thành nước Xiêm. Năm 1448, vua Trailok lên ngôi quốc vương nước Xiêm. Ông là một nhà cai trị lớn mà những cuộc cải cách chính thức đã lưu truyền ảnh hưởng đến giữa thế kỷ 19. Ông tổ chức chính quyền một cách rất thiết thực, thành lập các lực lượng quân đội và dân sự, với các bộ phận chuyên trách về chính quyền địa phương, tài chính và luật pháp. Ông cũng phân chia xã hội Xiêm thành nhiều giai cấp, mỗi giai cấp được phân phát một số đất đai đủ cho từng thành viên của mình. Ngay cả những người nghèo nhất cũng được một ít đất đai, nên không ai lâm cảnh đói khổ. Phần lớn triều đại Trailok bị cuốn vào các cuộc chiến tranh với các quốc gia phía Bắc. Khi đế chế của ông đã hưng thịnh, Trailok dời kinh đô lên miền Bắc đến Pitsanolok. Vua Trailok băng hà vào năm 1488 sau khi trao quyền lại cho con trai.
1400 - 1500 - CHÂU ÂU
Trong suốt thời kỳ này, các vương quốc uy quyền đều có tham vọng xây dựng mở mang đế chế của mình. Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha bắt đầu hướng tầm mắt ra bên ngoài, khi mà nỗi khao khát bồi đắp thêm sự hưng thịnh đã kích thích việc khai phá những miền đất mới lạ với những nguồn tài nguyên thiên nhiên và những cơ hội mâu dịch mới. Các nhà thám hiểm ra sức tìm kiếm những lộ trình thuận tiện hơn để đến với các bạn hàng thương mại châu Á. Cùng lúc đó là sự bừng tỉnh của học thức và trào lưu của sức sáng tạo đã dẫn đến những thành tựu nghệ thuật to lớn được biết là thời kỳ phục hưng.
1453 - NGƯỜI ANH TÁCH KHỎI NƯỚC PHÁP
Năm 1414, sau vài năm tạm lắng xung đột của cuộc chiến 100 năm, Henry V của nước Anh lại lên tiếng đòi ngai vàng nước Pháp và năm 1415 đánh bại quân Pháp trong cuộc chiến Azincourt. Năm 1420, Henry được chọn kế vị ngai vàng nước Pháp nhường lại qua đời vào năm 1422, làm cho sự cai trị của người Anh trên nước Pháp suy yếu trầm trọng. Những chiến công vĩ đại của Jeanne d'Arc, và trên hết là cái chết đầy dũng khí của bà trong tay quân Anh đã nung nấu tinh thần yêu nước của người Pháp, quân Pháp bắt đầu giành lại chiến thắng trên các phần đất rộng lớn. Năm 1453, duy nhất Calais còn nằm dưới quyền kiểm soát của quân Anh. Cuộc chiến 100 năm kết thúc. Vua nước Pháp là Louis XI quyết tâm xây dựng một nước Pháp thịnh vượng thống nhất và trấn áp các thủ lãnh địa phương có thế lực như Công tước xứ Bourgogne. Năm 1480, gần như toàn bộ lãnh thổ nước Pháp đều nằm dưới quyền cai trị của nhà vua.
1412-1431 - JEANNE D'ARC.
Jeanne d'Arc là con gái của một nông dân. Năm 16 tuổi, bà đã khẳng định rằng trong mộng, các vị thánh đã truyền cho bà lãnh đạo quân Pháp chống lại quân Anh. Bà đã thuyết phục người kế vị ngai vàng nước Pháp là thái tử Charles, để bà chỉ huy một đạo quân giải vây cho thành phố Orléans, và đánh bại một đạo quân Anh khác ở Patay. Năm 1430, bà cố chiếm lại Paris nhưng lại bị quân Bourgogne bắt và giải giao cho quan nhiếp chính Anh là Công tước xứ Bedford. Bà bị thiêu sống về tội làm phù thủy ở Rouen ngày 30 tháng 5 - 1431 Jeanne d'Arc được phong thánh năm 1920.
1453 - SỰ SỤP ĐỔ CỦA CONSTAN- TINOPLE.
Đế chế Byzantine đã suy yếu từ lâu. Năm 1450, đế quốc này chỉ còn lại Constantinople và các vùng đất nhỏ bé ở phía Tây. Năm 1451, tân quốc vương Ottoman, Mohammed II, lên nắm quyền binh. Ông là một nhà chiến lược và một nhà chỉ huy quân sự vĩ đại. Ông muốn biển Constantinople thành thủ phủ của đế quốc ngày một mở mang của mình.
Constantinople vốn dĩ thường xuyên bị vây hãm bởi vô số kẻ thù khác nhau nhưng đã vượt qua tất cả nhờ vị trí uy nghi của nó giữa các eo biển miền Bosporus và biển Hắc Hải, và nhờ các tuyến phòng thủ mặt biển dày đặc. Nhưng vào năm 1453, quốc vương Mohammed đã sử dụng một khẩu đội hoả lực bao vây Constantinople. Sau một cuộc công phá nặng nề trong khoảng tám tuần, một đạo quân Ottoman gồm khoảng 80.000 binh sĩ đã đến trước cổng thành Romanus dẫn vào thành phố. Chẳng bao lâu sau thành này thất thủ, nhưng khi vào đến trong thành quân Ottoman lại vấp phải sự kháng cự quyết liệt do chính hoàng đế Constantinople XI chỉ huy, ngài đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Cái chết của ngày báo trước sự sụp đổ của thành phố này và sự kết thúc của đế chế Byzantine.
1462 - IVAN III TRỞ THÀNH ĐẠI HOÀNG THÂN
Vào những năm 1200, phần lớn lãnh thổ nước Nga bị giày xéo bởi quân Mông Cổ; người Mông Cổ dựng lên một vương quốc trên bờ sông Vonla gọi là vương quốc Khanate của bộ tộc vàng (the Golden Horde). Người bộ tộc này được gọi là người Tatars. Chỉ có bang Muscovy của nước Nga là dám đứng lên chống lại họ. Vào những năm 1400 quyền lực của người Tatars suy yếu đi và bang Muscovy đã khuếch trương thanh thế ra các bang lân cận nhỏ hơn. Năm 1462, Ivan III nối ngôi Đại hoàng thân xứ Muscovy và tiếp tục mở mang bờ cõi. Người Tatars thấy sự bành trướng này rất đáng nghi ngại nên vào năm 1480 đã tiến quân đến đánh thủ phủ Muscovite của Nga nhưng không thể chiếm được. Ivan tự xưng là hoàng của toàn liên bang'' (Tsar, lấy từ tiếng la tinh là Caesar, tước hiệu của các hoàng đế La Mã). Vào năm 1500, Nga trở thành một trong những cường quốc châu Âu.
THỜI PHỤC HƯNG
Ở nước Ý vào thế kỷ 14, lòng yêu thích đối với nền nghệ thuật, kiến trúc và văn hoá của Hy Lạp và La Mã cổ xưa đã hồi sinh. Các học giả đã nhận ra tầm quan trọng của nền tảng kiến thức này và cố gắng dung hoà các tư tưởng Hy Lạp và La Mã với đức tin Kitô giáo. Người ta tô điểm nhiều hơn cuộc sống thế gian của nhân loại và ít hơn khả năng hiện hữu một kiếp sau. Các hoạ sĩ bắt đầu cố gắng thể hiện hình dáng con người theo trường phái hiện thực và chính xác hơn, kể cả khi vẽ Chúa Jesus và các thánh. Trong văn học cũng vậy, các nhà thơ Ý vĩ đại như Dante.
(1265-1321) và Petrarch (1304-74), bắt đầu đi sâu tìm hiểu bản chất con người. Các trào lưu mới này đã lan rộng từ Ý sang khắp châu Âu. Khi sự chuyên quyền của Giáo hội đã bị thách thức, giai cấp thống trị bắt đầu khẳng định uy quyền của chính mình. Họ trả công cho các nghệ nhân để tạo nên các công trình hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc tuyệt vời ca ngợi địa vị quan trọng của họ. Rất nhiều những công trình nghệ thuật này ngày nay được xếp vào các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất của châu Âu. Các nghệ nhân bắt đầu được công nhận là những nhân vật quan trọng trong xã hội, cho dù vào thời điểm đó, phần nhiều các tác phẩm của họ đã không đến được với công chúng. Ngày nay hàng triệu người dân trên thế giới đã có thể thưởng lầm ý nghĩ và vẻ đẹp của chúng trong những thánh đường và những viện bảo tàng.
NHỮNG NHÀ QUÝ TỘC BẢO TRỢ NGHỆ THUẬT
Tầng lớp quý tộc ý rất cần những tác phẩm nghệ thuật hoành tráng để phô trương địa vị sang trọng của họ. Tất cả các dòng tộc Viscotis và Sforzas ở Mian, Gonzagas xứ Mantua và dòng tộc Medcis giàu sang uy quyền xứ Florence đều cho xây dựng các công trình kiến trúc lớn và đặt hàng các tác phẩm điêu khắc và hội hoạ tuyệt đẹp từ các hoạ sĩ và các nhà điêu khắc như Titian, Botticelli, Breughel và Michelangelo.
NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN
Trào lưu Phục Hưng khích lệ những tư tưởng và nhận thức mới. Nicolo Machiavelli (1469-1527) là một nhà ngoại giao xứ Florence, một sử gia và một triết gia chính trị, đã viết về nghệ thuật tổ chức chính quyền. Tác phẩm “II Principe” của ông là một sự đúc kết những cách thức mà ông tin rằng một quốc gia nên cai trị theo cách đó. Các nhà lãnh đạo nên luôn luôn làm những điều mang lại lợi ích cho đất nước và sử dụng bạo lực khi cần. Quyết định nên phù hợp với hoàn cảnh chứ không nên dựa vào một chuỗi những luật lệ và lý thuyết cứng nhắc. Machiavelli được nhiều người xem là nhà sáng lập ra khoa học chính trị hiện đại.
SỰ PHỤC HƯNG Ở PHÍA BẮC
Khi phong trào Phục Hưng lan rộng khắp châu Âu, nó mang đậm tính tôn giáo hơn. Các học giả châu Âu, như những học giả Ý, đã nhìn về quá khứ để tìm ra lối sống tốt nhất cho hiện tại. Tuy nhiên họ hướng ngày càng nhiều về thời kỳ Kytô giáo buổi đầu và ít hướng về Hy Lạp và La Mã cổ xưa. Họ học tiếng Hy Lạp cổ và tiếng Hê-brơ (Hebrew: tiếng Do Thái cổ) để nghiên cứu Kinh thánh bằng những ngôn ngữ gốc này và vận động, chống lại sự tham nhũng trong nhà thờ và trong đời sống xã hội. Họ xây dựng lại nền giáo dục xoay quanh những tư tưởng mới của họ, quan điểm mục đích giáo dục là phát triển nhân cách hơn là đào luyện vốn kiến thức thực tiễn. Quan điểm của họ được gọi là chủ nghĩa nhân bản. Các hoạ sĩ Flanders (một tỉnh ở phía Tây nước Bỉ) đã mang lại một thể loại mới của trường phái hiện thực chi tiết cho nền hội hoạ. Ngành in ấn đã được Guttenberg ở Đức khai sinh cuối những năm 1430. Và vào năm 1500, hơn 200 thành phố châu Âu đã có những nhà máy in. Điều này có nghĩa là các sáng kiến mới có thể lan truyền với một tốc độ và một tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều, như sẽ thấy trong thời kỳ Cải Cách.
ERASMUS 1466-1536
Học giả Hà Lan Desiderius Erasmus đã lãnh đạo chủ nghĩa nhân bản vừa chớm nở. Ông giảng dạy và viết sách trên khắp châu Âu thúc đẩy sự tiến bộ của giáo dục và thần học. Trong những tác phẩm như ''Phúc cho những kẻ ngu ngốc'', ông chế giễu sự lạm dụng nhà thờ và dùng lối văn hài hước để hướng người đọc đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
NHỮNG CHUYẾN ĐI BIỂN CỦA NGƯỜI BỒ ĐÀO NHA
Vào thế kỷ 15, người châu Âu bắt đầu tìm kiếm lộ trình đường biển để đến châu Á, hy vọng mang hàng hóa về với chi phí rẻ hơn so với các lộ trình trên đất liền xưa kia. Dẫn đầu là người Bồ Đào Nha; sau khi giành lại được độc lập từ tay Tây Ban Nha, họ bắt đầu bành trướng thanh thế, tấn công vào, miền Hồi giáo Bắc Phi cùng các hạm đội trên biển của người Hồi giáo. Vua Joao I giao cho con trai ông, hoàng tử Henry, tổ chức các cuộc thám hiểm. Năm 1444, các thủy thủ của hoàng tử Henry đã đến sông Senegat ở Tây Phi. Vào năm 1471, họ đến Ghana. Từ 1482- 1464, đoàn thám hiểm của Diego Cao đến sông Congo ở Zeira Bartholomeu Diaz đã làm một vòng quanh Mũi Hảo Vọng (the Cape of Good Hope) ở cực Nam châu Phi vào năm 1487-1488. Mười năm sau đó, Vasco da Gam ngược thuyền lên bờ biển phía Đông châu Phi, năm 1500 Pedro Cabral cập bến ở Brazil. Cả hai đều trên đường đến Ấn Độ.
HENRY NGƯỜI ĐI BIỂN
Hoàng tử Henry Người đi biển (1394-1460) là linh hồn của các khám phá vĩ đại của người Bồ Đào Nha. Mặc dù không phải là một thuỷ thủ giỏi, ông sáng lập ra một trường hàng hải năm 1416 tại Sarges trên mũi đất Tây Nam Bồ Đào Nha. Ít nhất mỗi năm một lần, ông gửi các đoàn thám hiểm đi thăm dò vùng bờ biển châu Phi.
COLUMBUS
Tây Ban Nha cũng nhìn ra biển bên ngoài. Năm 1492, Chirstopher Columbus (1451-1506) thuyết phục vua và hoàng hậu Tây Ban Nha cấp kinh phí cho một cuộc hành trình vượt Đại Tây Dương. Ông đã cập bờ ở vùng biển Caribbee. Trong các cuộc hành trình sau đó, ông đã đi tiếp đến trung Quốc và Nam Mỹ.
1400-1500 - CHÂU MỸ
Người Aztec ở Mehico đã mở rộng đế quốc và thành phố thủ đô Tenochtilan của họ. Họ đã xây dựng nên những đền thờ và cung điện thật khó tưởng tượng nổi nhưng lại thường xuyên tham chiến với các dân tộc láng giềng để bắt nhiều tù binh làm vật tế trong các nghi lễ tôn giáo. Tuy nhiên, người Aztec sau này đã bị bao vây bởi nhiều dân tộc cùng hợp sức báo thù. Người Inca ở Pêru đã xây dựng nên một đế quốc rất qui củ mà họ kiểm soát bằng cách sử dụng những người đưa tin mang các thông điệp toả khắp một mạng lưới đường bộ rất tinh vi.
NHỮNG NĂM 1400 - SỰ LỚN MẠNH CỦA NGƯỜI AZTEC
Năm 1426, vua Aztec, Itzwatl, liên minh với các bang lân cận Texcoco và Tlacopan, đánh đổ các láng giềng Tapanecs hùng mạnh. Chẳng bao lâu sau đó, người Aztec đã thống trị một đế quốc rộng lớn. Họ là các thương gia lớn biết vận dụng một mạng lưới lộ trình thương mại được nắm giữ bằng một quyển sách hướng dẫn các thương gia, quyển Pochteca. Họ còn xây dựng được các kim Tự tháp, cung điện và đền thờ đẹp tuyệt. Ngôi đền ở Tenochtilan là trung tâm chuyên quyền và trung tâm tôn giáo của đế quốc này. Sau mỗi cuộc vận động binh sĩ những người tế thần bị đem ra hành quyết, đôi khi tới 20.000 người trong một ngày.
NHƯNG NĂM 1400 - ĐẾ QUỐC INCA
Vào những năm 1430, vương quốc Inca bị một lân bang xâm lược tấn công vào thủ đô Cuzco. Vị vua già Viracoha Inca trao nhiệm vụ bảo vệ vương quốc của ngài cho con trai là hoàng tử Yupanqui, lấy tên là Pachacuti. Pachacuti đánh tan quân xâm lược và trong suốt ba thập niên sau đã cải tổ chính quyền và xây dựng lại Cuzco. Pachacuti và những người kế vị ông đã mở mang vương quốc đến các vùng đất Chilê, Bolivia và Ecuador. Đế quốc Inca được cai trị rất tốt. Tất cả các tầng lớp qúy tộc, các chức trách chính quyền đều theo một trật tự cấp bậc và đặt dưới sự lãnh đạo của chính quyền trung ương Sapa Inca. Chính quyền trung ương kiểm soát việc xây dựng những thị trấn mới và chỉ đạo việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Ngay cả nền mỹ thuật và nghệ thuật gốm sứ cũng phải tuân theo quy định về kiểu dáng do Cuzzco ban hành.
1400-1500 - CHÂU ĐẠI DƯƠNG
Quần đảo Polynesia (Pô-li-nê-di, một quần đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, phía Đông Australia và Phillippines) vẫn còn tách khỏi phần còn lại của thế giới, nhưng điều này đã không ngăn được sự phát triển của một số hòn đảo nơi đây. Các xã hội tiến bộ đã hiện diện ở Samoa, Tonga, quần đảo Society, gồm có Tahiti, quần đảo Hawaii, và nhóm đảo Tuamotu. Ở Tonga, triều đại Tui Tonga trị vì đã trên hai thế kỷ, tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra xa bên ngoài quần đảo Tonga.