CÁC NHÀ KINH ĐIỂN CỦA CƠ HỌC THIÊN THỂ
Thế kỷ sau khI Niutơn mất (năm 1727) là thời đại phát triển như vũ bão của cơ học thiên thể, một môn khoa học xây dựng trên thuyết hấp dẫn Vũ Trụ của ông. Có thể kể ra ở đây phần đóng góp chủ yếu vào sự phát triển môn này của năm nhà khoa học tiêu biểu.
Một người trong số đó gốc gác ở Thụy Sỹ nhưng phần lớn cuộc đời lại làm việc ở Nga và Đức. Đó là Lêôna Ơle. Bốn người kia là người Pháp (Clerô, Đalămbe, Lagrănggiơ và Laplaxơ). Trước tiên hãy nói về cuộc đời họ rồi sau đó đến những bài toán mà họ đã giải.
Alêcxit Clôt Clerô (1713 - 1765) sinh ra tại Pari, trong một gia đình toán học. Bố ông là thầy giáo đầu tiên của ông. Chưa đầy 13 tuổi, Alêcxit đã thực hiện công trình đầu tiên về hình học. Công trình này được đưa lên Viện hàn lâm Pari và tại đó bố ông học nó. Ba năm sau Clerô công bố công trình mới “Về những đường cong có hai độ cong”. Các công trình của chàng trai trẻ này đã lôi cuốn sự chú ý của các nhà toán học lớn. Họ muốn bầu tài năng trẻ này vào Viện hàn lâm khoa học Pari, nhưng theo điều lệ thì Viện sĩ của Viện phải từ 20 tuổi trỏ lên.
Khi đó nhà toán học danh tiếng Pie Lui Môpectuy (1698 - 1759), người đỡ đầu cho Alêcxit, quyết định đưa anh sang Baden (Thuỵ Sĩ) thụ giáo Iohan Becnuli. Clerô nghe bài giảng của nhà bác học bậc thầy để trau dồi kiến thức. Đánh giá thời kỳ sang Baden (Basel), sau này Clerô viết rằng, ông “không phải tiếc nuối gì cả về khối lượng kiến thức” mà ông thâu nhận được “lẫn các quan hệ thân tình với Becnuli và gia đình đáng kính của ông”.
Sau khi trở về Pari, Clerô đã đủ 20 tuổi và được bầu làm trợ lý của Viện hàn lâm (một ngạch thấp của Viện sĩ). Ở Pari, Clerô và Môpectuy lao vào cuộc tranh luận đang vào hồi nảy lửa nhất về hình dạng Trái Đất: nó bẹt ở hai cực hay thuôn dài? Môpectuy đã chuẩn bị một đoàn nghiên cứu đi Laplanđơ (Bắc Âu) để đo cung kinh tuyến. Clerô cũng tham gia đoàn này.
Từ Laplanđơ trở về, Clerô đã nhận được danh hiệu Viện sĩ chính thức Viện hàn lâm khoa học. Cuộc sống của ông đã được bảo đảm, nên giờ đây ông có thể dành toàn tâm toàn ý cho hoạt động khoa học.
Giăng Lơ Rông Đalămbe (1717 - 1783) là đứa trẻ bị bỏ rơi. Người ta tìm thấy đứa trẻ trên bậc thềm nhà thờ Xanh Giăng Lơ Rông ở Pari (tên ông xuất xứ từ đây) Một gia đình nhà nghèo đã nuôi dưỡng ông. Từ thời trẻ Đalămbe đã nghiêm túc yêu thích toán và tự học toán. Ông tốt nghiệp trường Madarini, ngành luật. Tuy ông không được trực tiếp nghe Iôhan Becnuli giảng bài như Clerô, nhưng Becnuli vẫn có ảnh hưởng lớn đến chàng thanh niên Đalămbe. “Tôi chỉ biết Becnuli qua các công trình - Đalămbe nhớ lại - nhưng gần như hoàn toàn chịu ơn ông về những thành tích ít ỏi mà tôi đạt trong toán học”. Vậy thì “những thành tích ít ỏi” mà Đalămbe nhắc đến là những gì?
Trước hết, đó là “Luận về động lực học” (1743) của ông, trong đó trình bày các quy tắc chung để lập phương trình vi phân mô tả chuyển động của các vật thể và hệ thống của chúng. Năm 1747, Đalămbe trình lên Viện hàn lâm những ghi chép về hiện tượng các hành tinh lệch khỏi chuyển động elip quanh Mặt Trời dưới tác động của lực hút tương hỗ của chúng.
Giôdep Lui Lagrănggiơ (1735 - 1813) sinh ra ở Turinô, thủ đô vương quốc Xacđinia (Sardinia), trong một gia đình Ý - Pháp. Ông đã học rồi sau đó lại dạy ở Trường pháo binh và năm 18 tuổi đã trở thành giáo sư. Năm 1759 theo sự giới thiệu của Ơle, Lagrănggiơ mới 23 tuổi đã được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Beclin. Năm 1766 thì ông trở thành chủ tịch Viện hàn lâm. Vua Phridrich II đã mời Lagrănggiơ đến Beclin như sau: “Nhà hình học vĩ đại nhất châu Âu cần phải sống gần một trong những ông vua vĩ đại nhất”. (Thời đó người ta không chỉ gọi các chuyên gia về hình học, mà cả đại diện tất cả các khoa học chính xác: toán học cơ học, thiên văn học là các nhà hình học).
Sau khi Phriđrich mất vào Năm 1786, Lagrăngiơ chuyển đến Pari. Từ năm 1772 ông đã là Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pari và năm 1795 ông được bổ nhiệm làm thành viên Văn phòng kinh độ, và ông đã tham gia tích cực vào việc lập ra hệ mét trong đo lường.
Phạm vi nghiên cứu khoa học của Lagrăngiơ rất rộng: cơ học, hình học, giải tích toán học đại số, lý thuyết số cũng như thiên văn học lý thuyết. Khuynh hướng chủ yếu của các nghiên cứu của Lagrăngiơ là trình bày các hiện tượng rất khác nhau trong cơ học từ một quan điểm duy nhất. Ông đưa ra phương trình mô tả hành vi của bất cứ hệ thống nào dưới tác động của các lực.
Trong lĩnh vực thiên văn Lagrănggiơ đã làm rất nhiều để giải quyết vấn đề tính bền vững của hệ Mặt Trời, đã chứng minh một số trường hợp riêng chuyển động bền vững, trong đó có trường hợp đối với các vật nhỏ ở trong cái gọi là các điểm tam giác bình động. Các vật thể này là các tiểu hành tinh “Tơroa” (xem mục “Các tiểu hành tinh”) đã được phát hiện ở thế kỷ XX, một thế kỷ sau khi Lagrănggiơ mất.
Khi giải quyết các bài toán cụ thể của cơ học thiên thể con đường của các nhà bác học này nhiều lần cắt nhau; vô tình hay hữu ý họ cũng đua tranh với nhau khi thì tiến đến các kết quả gần nhau, khi thì hoàn toàn khác nhau.