Tài liệu: Canada - Các vùng của Canada

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Vùng Cordillera bao gồm các phần của những tỉnh Yukon, British Columbia, Alberta và hạt Tây Bắc.
Canada - Các vùng của Canada

Nội dung

Các vùng của Canada

CORDILLERA

            Vùng Cordillera bao gồm các phần của những tỉnh Yukon, British Columbia, Alberta và hạt Tây Bắc. Nhìn chung vùng này có nhiều rặng núi cao (những núi cao nhất của Canada), những thung lũng sâu, các cao nguyên và các đảo ven biển.

            Những thung lũng sâu và những cao nguyên nằm giữa các rặng núi. Dân số ở các vùng đất thấp và các cao nguyên khá cao. Điều này là do điều kiện khí hậu và môi trường thoải mái cũng như những con đường giao thông giúp vận chuyển hàng hóa và đem các dịch vụ tới đây. Do khí hậu ấm áp hầu hết người vùng Cordillera sống ở các vùng đất thấp cực Nam và các cao nguyên phía Nam.

            Nước ngọt ở vùng Cordillera cũng rất phong phú. Ở đây có nhiều sông và hồ nước trên núi. Du lịch và nghỉ dưỡng chiếm một phần lớn trong các hoạt động ở các vùng núi, và vì núi rừng là nhân tố chính ở đây, các loài cây và những tảng đá trên núi đã cung cấp cho người dân ở đây nhiều việc để làm. Các ngành đốn gỗ và nghề mỏ là rất quan trọng ở Cordil1era.

            Khu vực cao nguyên phía Nam của vùng nội địa có rất nhiều loại trái cây và rau. Địa thế đất bằng phẳng, đất đai màu mở và khí hậu ấm áp đã tạo thành môi trường tuyệt hảo cho các loài cây tăng trưởng. Phổ biến ở đây là các loại đào, mận, anh đào,...

            Trong một địa hình có nhiều núi, sông, hồ và các vùng đất thấp vùng Cordil1era có nhiều loại hình phương tiện giao thông khác nhau để chuyên chở con người và hàng hóa. Các loại tàu bè, xe lửa, máy bay, xe tải và ô tô đều được tận dụng tại vùng này. Với những loại hàng hóa có kích thước hoặc trọng lượng lớn, người ta vận chuyển bằng xe tải hoặc xe lửa. Những chiếc tàu ra vào cảng Vancouver chuyên chở các loại thổ sản mà Canada xuất khẩu ra thế giới.

VÙNG ĐỒNG BẰNG NỘI ĐỊA

            Vùng Đồng bằng Nội địa nằm giữa vùng Cordil1era và vùng Tấm chắn Canada, Vùng này bao gồm các phần của những tỉnh Yukon, British Columbia, Alberta, Saskatchewan, Manitoba và hạt Tây Bắc. Đôi khi người ta lầm lẫn gọi vùng Đồng bằng Nội địa là các tỉnh Thảo nguyên hay vùng Thảo nguyên. Thật ra từ thảo nguyên dùng để chỉ những cách đồng cỏ mọc hoang ở Alberta, Saskatchewan và Manitoba. Cảnh quan của vùng Đồng bằng Nội địa bao gồm nhiều thứ hơn là chỉ có đồng cỏ thảo nguyên. Vùng này nói chung là bằng phẳng xét về độ cao.

            Thực tế có ba độ cao khác nhau trong vùng này, giống như các bậc tam cấp, và càng đi về phía Đông độ cao càng giảm. Ở các khu vực này đều có đồi, vách núi, các ngọn núi thấp, rừng cây, những thung cũng rộng và cả những đụn cát.

            Cũng giống như vùng Cordillera, dân số ở các khu vực phía Nam thường cao hơn ở phía Bắc và các thành phố và thị trấn thường tọa lạc bên cạnh nguồn nước. Nước ở đây không những chỉ giúp cho việc tưới tiêu hoa màu và chăn nuôi gia súc mà còn là phương tiện giao thông để chuyên chở các loại hàng hóa. Trước kia những con đường thủy này là đường giao thông chính cho mậu dịch. Giống như vùng Cordil1era, những con đường thủy này còn đóng vai trò là nơi du lịch và nghỉ dưỡng, và là nguồn thủy điện cho Canada.

            Mỗi thành phố của vùng Đồng bằng Nội địa có những đặc điểm riêng về các ngành nghề. Ngành nông nghiệp là rất quan trọng ở đây. Những loại hoa màu như lúa mì, lúa mạch, yến mạch, cây lanh, cây mù tạc, khoai tây, bắp ngô và củ cải đường đều được trồng tại đây. Nông dân ở đây còn nuôi heo, trâu bò, gia cầm, v.v... Cả hoa màu và gia súc trồng tại đây đã nuôi sống một lượng lớn người Canada và xuất khẩu ra thế giới. Ngoài ra, hoạt động nông nghiệp còn liên quan đến việc xúc tiến ngành công nghiệp du lịch. Những cuộc đua trâu bò và các cuộc trưng bày sản phẩm nông nghiệp được tổ chức khắp nơi trong vùng.

            Ngành nghề quan trọng thứ hai là nghề mỏ. Ở đây người ta khai thác dầu mỏ, khí thiên nhiên, than, đồng, kẽm, vàng và uranium. Sau đó đến nghề rừng. Những ngọn núi thấp ở vùng này được sừ dụng để khai thác gỗ. Ngoài ra rừng còn hỗ trợ cho ngành công nghiệp du lịch. Do địa hình tương đối bằng phẳng, việc chuyên chở hàng hóa và các dịch vụ trở nên dễ dàng bằng các phương tiện như xe lửa, ống đẫn, xe tải và máy bay.

VÙNG PHÍA BẮC

            Vùng phía Bắc bao gồm một phần các tỉnh Yukon, Nunavu, hạt Tây Bắc, phía Bắc Quebec, và mũi của vùng Labrador. Thực tế vùng phía Bắc này và toàn bộ lãnh thổ về phía Bắc của vĩ tuyến 60 ở Canada. Vùng này rất độc đáo so với những phần còn lại của Canada.

            Đầu tiên, cảnh quan của vùng phía Bắc là một sự kết hợp giữa vùng Cordillera, vùng Đồng bằng Nội địa và vùng Tấm chắn Canada. Vùng này có tất cả những đặc điểm của ba vùng trên. Thứ hai, đây là vùng duy nhất có tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu. Vào mùa Hạ, lớp trên cùng của tầng băng này (khoảng vài centimet) có thể tan ra và hình thành các hồ nước hay các đầm lầy. Sự đóng băng vĩnh cửu này đã tác động trực tiếp đến các phương cách cư trú và giao thông. Thứ ba, các mỏm băng hay sông băng, các vịnh hẹp, những vùng lãnh nguyên cằn cỗi, các đụn băng, bắc cực quang là một số trong những đặc điểm độc đáo của cảnh quan ở vùng này.

            Thứ tư, do độ nghiêng của trục trái đất, ở đây có 6 tháng liền mặt trời luôn chiếu sáng và sau đó là 6 tháng liền với bóng tối liên tục. Cuối cùng, do cảnh quan độc đáo này và do điều kiện khí hậu (cực kỳ lạnh vào mùa Đông), vùng này có dân cư thưa nhất.

            Vì ngày càng có nhiều người đến tham quan vùng phong cảnh ngoạn mục này, nền kinh tế ở đây cũng phát triển một cách đa dạng. Do có nhiều người, các việc làm cũng được tạo thêm. Ngoài ra, ảnh hưởng của nền công nghiệp đầu mỏ và khí thiên nhiên ở vùng ngoại vi cũng rất lớn. Ở ngoài khơi có những giàn khoan dầu khổng lồ. Việc săn bắt, bẫy thú và đánh cá cũng là những hoạt động quyết định đối với người dân vùng phía Bắc. Kẽm, chì, kim cương và vàng cũng là những khoáng sản được tìm thấy tại đây.

            Vùng phía Bắc cũng là nơi thể hiện văn hóa truyền thống của thổ dân. Những người thổ dân ở đây đã minh họa sự khắc nghiệt cũng như những nét thanh nhã của thiên nhiên ở đây qua các loại hình nghệ thuật của họ.

VÙNG TẤM CHẮN CANADA

            Vùng Tấm chắn Canada là vùng rộng nhất trong số 7 vùng địa lý của nước này. Vùng này bao quanh toàn bộ vịnh Hudson với hình dạng của chiếc móng ngựa. Vùng này bao gồm các phần của những tỉnh Nuvanut, Quebec, Alberta, Saskatchewan, Manitoba, Ontario, Newfoundland và Labrador, và hạt Tây Bắc. Địa hình ở đây chủ yếu là đá, vốn trước kia cách đây hàng triệu năm là những ngọn núi. Qua quá trình xói mòn, với tác động của nước, băng, sông băng của thời kỳ Băng hà, và với tác động của gió, những tảng đá này đã trở nên bằng phẳng hơn. Qua hàng triệu năm, các con sông, những ngọn thác và các hồ nước đã được hình thành với tác động của thiên nhiên.

            Khi quá trình xói mòn chấm dứt, những tảng đá đã thấp gần mặt đất. Nơi đây tầng đất trồng không được sâu. Nhưng loại cây như linh sam, thông, vân sam ưa thích vùng đất này, nhưng những loại cây có rễ ăn sâu thì không thể sống được ở đây. Nông nghiệp ở vùng này cũng không phát triển do tầng đất trồng quá cạn. Ngoài ra khí hậu ở đây cũng quá lạnh cho con người.

            Do vùng này bao quanh vịnh Hudson, vịnh này đã trở thành môi trường giao thông để chuyên chở các sản phẩm lâm nghiệp, khoáng sản và các loại hàng hóa khác. Nhưng điều không may là vịnh Hudson bị đóng băng suốt trong 6 tháng, do đó việc giao thông vào mùa Đông và rất hạn chế. Để tìm những nguồn nước khác và cũng để thiết lập tuyến đường buôn bán lông thú, nhiều thị trấn, thành phố nhỏ và các khu định cư đã trải ra rải rác trong khắp vùng. Dân số ở đây thấp vì điều kiện khí hậu, địa ký cũng như những khó khăn về mặt giao thông.

            Sự cô lập về dân số của vùng này đã làm cộng đồng dân cư tại đây lệ thuộc vào những nguồn tài nguyên sẵn có ngay tại khu vực của mình. Một số tài nguyên mà vùng Tấm chắn Canada có thể cung cấp cho đất nước này bao gồm:

            + Lông thú, với việc săn bắn và bẫy thú rất đại trà tại đây.

            + Khoáng sản, với đồng, vàng, nicken, kẽm và chì.

            + Thủy điện. Vì vùng này bao quanh vịnh Hudson và trong vùng cũng có rất nhiều sông, một lượng thủy điện lớn đã được sản xuất lại đây dành cho nhu cầu của người dân Canada và cả xuất khẩu sang Mỹ. Riêng mặt này vùng Tấm chắn Canada đã đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế của Canada.

            + Sản phẩm lâm nghiệp. Những cây linh sam, cây thông và vân sam ở đây có thể được dùng để chế tạo thành bột giấy. Một lượng giấy lớn tiêu thụ ở Canada có xuất xứ từ vùng này.

            + Du lịch. Với địa hình lởm chởm cùng với cây cối, hồ nước, sông suối, thác ghềnh và các thung lũng, vùng này là một điểm thu hút về du lịch. Nhiều khách du lịch nước ngoài đã đổ về đây để tham quan và nghỉ dưỡng.

VÙNG HỒ GREAT

            Vùng đất thấp hồ Great là vùng có độ cao thấp nhất ở Canada. Vùng này chỉ bao gồm khu vực phía Nam tỉnh Ontario, giữa hồ Huron, hồ Erie và hồ Ontario, Vùng đất này gồm các khu đồi bằng phẳng và những vách dốc đứng. Vách dốc đứng nổi tiếng nhất la thác Niagara.

            Ở đây có khí hậu ấm áp nhất so với cả nước. Nhờ khí hậu dễ chịu này, cùng với địa thế ở gần khu hồ Great, vùng này có mật độ dân số cao nhất Canada. Trong một khu vực nhỏ này đã có rất nhiều thành phố. Những thành phố này cung ứng nhiều nguồn hàng hóa và dịch vụ cũng như nhiều việc làm cho nhân dân, nhưng đồng thời cũng có nhiều ô nhiễm và tội phạm.

            Một số nông trại tốt nhất của Canada tọa lạc trong vùng này. Trước kia ở đây cũng có rất nhiều cây lớn, nhưng trong quá trình khai hoang để làm nông trại người ta đã đốn hạ chúng. Đất ở đây là đất đèn sâu và rất màu mỡ. Nhiều loại trái cây rau và hoa màu được trồng và nhiều loại gia súc được nuôi và chế biến tại vùng này.

            Vùng hồ Great chính là môi trường giao thông tốt để vận chuyển các loại thổ sản ở đây đã xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới. Những hồ này là môi trường giao thông tốt nhất bằng đường thủy trong nội địa Canada. Trong vòng mấy thập kỷ vừa qua người ta đã cải tiến môi trường giao thông này bằng cách xây dựng nhiều kênh đào để nối liền vùng hồ với Đại Tây Dương.

            Vũng hồ Great còn có nhiều loại khoáng sản như đồng, sắt bạc, chì, kẽm và than. Các nguồn năng lượng như khí thiên nhiên, dầu mỏ, than, thủy điện và năng lượng hạt nhân cũng được sản xuất tại đây.

            Vùng này còn là nơi thu hút nhiều khách du lịch, với thác Niagara nổi tiếng thế giới, nhiều địa điểm và bảo tàng lịch sử. Nơi đây còn có những thú giải trí và thư giãn với nước nhiều hoạt động cho cả mùa Hè lẫn mùa Đông ở khu vực hồ Great. Khách đến đây không bao giờ cạn nguồn tham quan và vui thú.

VÙNG ĐẤT THẤP ST.LAWRENCE

            Vùng Đất thấp St. Lawrence bao gồm chủ yếu phía Đông Nam Quebec, thêm với phần phía Bắc Ontario và khu vực bờ biển ở Newfoundland.

            Tương tự như vùng Đất thấp hồ Great, vùng Đất thấp St. Lawrence thì thấp và bằng phẳng. Dòng sông lớn St. Lawrence chiếm ưu thế cả khu vực này, cộng thêm với sự giao thông bằng đường thủy và địa hình bằng phẳng đã có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển trong thời kỳ sơ khai của Canada. Đã có nhiều nhà buôn lông thú, các nhà thám hiểm, những người định cư, những người bản xứ và các nhà truyền giáo đi theo đường thủy này để đến khu hồ Great và đến vịnh St. Lawrence. Cho đến ngày nay con đường này vẫn là trục giao thông quan trọng từ Đại Tây Dương vào Canada. Ngành công nghiệp vận tải ở vùng này rất mạnh.

            Những khu vực bằng phẳng bao gồm 3 vùng đồng bằng khác nhau. Những khu vực này có đất đai rất màu mở, tạo thành một vùng nông nghiệp rất mạnh của Canada. Khí hậu ấm và ẩm ướt ở đây cho phép nông dân có thể trồng các loại hoa màu, rau trái và nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm.

            Cây cối đã bị đốn hạ từ nhiều thế kỷ trước trong quá trình phát triển của những người định cư. Tuy nhiên, ở những nơi có nguồn thoát nước yếu, rừng còn được chừa lại. Thực tế, cây cối ở vùng này còn nhiều hơn vùng Đất thấp hồ Great. Cây cối ở đây cũng là nguồn tài nguyên cho việc sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ cũng như các loại bột giấy. Ngoài ra cây ở đây còn là nguồn cho loại mật cây gỗ thích. Ngành công nghiệp chế biến các loại thực phẩm từ mật cây gỗ thích như đường, kẹo, si rô đã làm cho vùng Quebec trở nên nổi tiếng thế giới.

            Ở phía cực Nam Quebec là khu đồi Montergian. Tám ngọn đồi này đã làm thành đường phân ranh giữa vùng Đất thấp St. Lawrence và vùng cao nguyên Appalachian. Vùng cao nguyên này tương phản hoàn toàn với các vùng đất thấp. Những điểm thu hút của vùng đất thấp này là khí hậu ấm áp và ẩm, cùng với sông St. Lawrence làm đường giao thông chính đã hấp dẫn người Canada từ nhiều thế kỷ. Nhiều người nhập cư Canada đã theo con đường này để vào Canada và đã chọn vùng này để định cư. Cũng giống như vùng Đất thấp hồ Great, vùng này rất đông dân cư, đa số tập trung hai bên bờ sông St. Lawrence. Thành phố Montreal ở đây được coi như trung tâm sản xuất của Canada.

            Những yếu tố lịch sử của Quebec, những truyền thống của người Pháp, các lễ hội và thực phẩm (món ăn Pháp) tại đây đã cuốn hút nhiều du khách đến đây nhiều lần. Ngành công nghiệp du lịch tại đây phát triển cả vào mùa Hè lẫn lùa Đông.

VÙNG CAO NGUYÊN APPALACHIAN

            Vùng địa lý cuối cùng của Canada nếu như người ta đi từ bờ biển phía Tây sang bờ biển phía Đông được gọi là vùng Cao nguyên Appalachian. Đây là vùng cuối cùng được đề cập đến về mặt địa lý, nhưng lại là vùng đầu tiên được phát hiện trở lại và được định cư bởi những người Âu trong thời kỳ sơ khai.

            Vùng này bao trùm phần lớn 4 tỉnh và Neo Brunswick, Nova Scotia, đảo Prince Edward, và Newfoundland và Labrador, cùng với phần lớn khu vực được gọi là bán đảo Gaspe ở Quebec. Khí hậu của vùng ven biển này khác biệt theo từng khu vực, nhưng nhìn chung càng đi về phía Đông thì càng ấm hơn. Vùng này cao hơn so với hai vùng đất thấp, vì đây là khu vực của những dãy núi đã được hình thành từ nhiều triệu năm về trước. Sự xói mòn và chuyển động của những dòng sông băng đã làm bạt những ngọn núi này. Hiện nay chỉ còn lại những tảng đá, cây cối, đất đai màu mỡ, hồ nước và những vịnh nhỏ ven biển. Tất cả những đặc điểm này đã hỗ trợ cho sự phát triển của vùng Cao nguyên Appalachian.

            Nước ở đây rất nhiều. Vùng này bao gồm cả vịnh St. Lawrence và các vùng nước ở Đại Tây Dương thuộc Canada. Môi trường nước này đã giúp ích nhiều cho du lịch và giao thông. Nghề đánh cá ở đây cũng rất phát triển, và đã có một truyền thống lâu đời. Người Canada đã đánh cá ở đây kể từ thời John Cabot phát hiện ra vùng đất này vào năm 1497. Các loài hải sản như cá tuyết, cá bơn halibut, cá trích, cá bơn, tôm hùm, sò, cua và trai được đánh bắt rất nhiều ở đây. Tuy nhiên do sự đánh bắt quá độ, nhiều hải sản đã gần như tuyệt chủng. Loài cá tuyết đã hầu như cạn kiệt.

            Những khu vực có đá của vùng Cao nguyên Appalachian cũng được khai thác khoáng sản với nhiều loại như sắt, kẽm, vàng, v.v... Cây cối ở vùng này cũng được sử dụng cho du lịch, khai thác để làm giấy. Dầu mỏ đã được phát hiện dưới lòng biển, với mỏ dầu Hibernia đã giúp cứu vãn nền kinh tế suy sụp của Newfoundland và Labrador.

            Tại đây nông nghiệp cũng phát triển với nguồn đất đai màu mỡ. Tuy nông nghiệp không mạnh bằng những vùng đất thấp, nhưng ở đây cũng trồng được nhiều loại rau trái và một số loại ngũ cốc để xuất khẩu.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2096-02-633492136060000000/Dia-ly/Cac-vung-cua-Canada.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận