Tài liệu: Canada - Kinh tế

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Là một xã hội có nền công nghiệp cao, Canada ngày nay đã gần giống với nước Mỹ về hệ thống kinh tế hướng thị trường, phương thức sản xuất, và tiêu chuẩn sống cao.
Canada - Kinh tế

Nội dung

Kinh tế

            Là một xã hội có nền công nghiệp cao, Canada ngày nay đã gần giống với nước Mỹ về hệ thống kinh tế hướng thị trường, phương thức sản xuất, và tiêu chuẩn sống cao. Kể từ Thế chiến thứ II, sự tăng trường cao độ về sản xuất, nghề mỏ, và các ngành dịch vụ đã biến đất nước này từ một nền kinh tế phần lớn là nông nghiệp thành một nền kinh tế công nghiệp và đô thị. Kể từ năm 1993 mức tăng trưởng thực sự hàng năm và 3,0%. Nạn thất nghiệp giảm xuống và thặng dư ngân sách của chính quyền đã đóng góp một phần vào việc giảm bớt nợ nhà nước. Thỏa thuận Mậu dịch Tự do Mỹ-Canada năm 1989 và Thỏa thuận Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ năm 1994 đã giúp làm tăng vọt sự kết hợp về mậu dịch và kinh tế với Mỹ. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và lực lượng lao động có kỹ năng, Canada có một triển vọng vững vàng về kinh tế.

            Mối quan tâm chính của hầu hết người dân Canada trong những năm đầu của thế kỷ 21 là sự suy thoái trong quan hệ giữa Canada và Mỹ. Mặc đù sự 'thu hút trí thức' đã chững lại do những suy sụp nghiêm trọng trong kinh tế của Mỹ trong khoảng từ 2001 đến 2003, thị trường lao động của Canada cũng bị ảnh hưởng lây. Những tranh chấp về mức thuế mậu dịch, hành động quân sự đa phương, và những vấn đề liên quan đến pháp luật của Canada đang được tranh cãi như hôn nhân đồng giới, luật nhập cư và vấn đề cần sa y khoa hợp pháp đã làm tăng thêm mức căng thẳng và làm giảm sút mối quan hệ giữa hai quốc gia này.

            Tuy có những vấn đề này, cho đến ngày nay Canada vẫn là đối tác mậu dịch lớn nhất của Mỹ, với lượng mậu dịch trị giá hơn l,4 tỉ Đô la mỗi ngày. Theo thống kê năm 1999 số lượng mậu dịch này còn lớn hơn cả lượng mậu dịch của Mỹ với tất cả các nước ở châu Mỹ La tinh. Lượng xuất khẩu của Mỹ sang Canada vượt qua số lượng xuất khẩu sang tất cả các nước trong khối Liên minh Châu Âu. Chỉ riêng phần mậu dịch hai chiều giữa Michigan và Ontario cũng đã bằng tổng lượng xuất khẩu của Mỹ sang Nhật. Sự quan trọng của Canada đối với Mỹ không phải chỉ là hiện tượng có chung đường biên giới: Canada là thị trường xuất khẩu hàng đầu của 35 trong số 50 bang của Mỹ.

            Mậu dịch song phương giữa hai quốc gia đã gia tăng khoảng 50% trong khoảng từ 1989, khi Thỏa thuận Mậu dịch Tự do Mỹ-Canada có hiệu lực, cho đến năm 1994, khi Thỏa thuận Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ thay thế thỏa thuận trên. Kể từ đó lượng mậu dịch gia tăng thêm 40%. Thỏa thuận Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ đã làm giảm bớt các hàng rào mậu dịch và thiết lập các thỏa thuận về qui định trong mậu dịch. Thỏa thuận này cũng giải quyết được những trục trặc đã có từ lâu giữa hai bên và tự do hóa những qui định về một số lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, dịch vụ, năng lượng, dịch vụ tài chính và đầu tư. Thỏa thuận này đã hình thành một khu vực mậu dịch lớn nhất thế giới, bao gồm 406 triệu người ở 3 quốc gia vùng Bắc Mỹ.

            Thành phần lớn nhất trong mậu dịch Mỹ-Canada là lĩnh vực ô tô. Qua Thỏa thuận Ô tô Mỹ-Canađa năm 1965, theo đó cho phép mậu dịch tự do về ô tô, xe tải và phụ tùng ô tô, lượng sản phẩm mậu dịch song phương về ô tô đã gia tăng 715 triệu USD vào năm 1964 lên đến 104,1 tỉ USD vào năm 1999.

            Mỹ là thị trường hàng đầu về nông nghiệp của Canada, chiếm gần một phần ba tổng lượng thực phẩm xuất khẩu của nước này. Ngược lại, Canada cũng và thị trường nông nghiệp lớn thứ hai của Mỹ (sau Nhật Bản), nhập khẩu chủ yếu là trái cây tươi, rau và các, sản phẩm gia súc, gia cầm. Gần hai phần ba các sản phẩm lâm nghiệp của Canada, trong đó có bột giấy và giấy, đã được xuất khẩu sang Mỹ; gần 75% giấy in báo cũng được xuất khẩu sang Mỹ.

            Với trị giá 21 tỉ USD vào năm 2000, mậu dịch về năng lượng giữa Mỹ và Canada chiếm con số lớn nhất về mậu dịch năng lượng của Mỹ trên thế giới. Những thành phần chính trong mậu dịch năng lượng Mỹ-Canada là dầu mỏ, khí thiên nhiên và điện. Canada là nguồn cung ứng dầu mỏ lớn nhất cho Mỹ, và là nước đứng thứ năm trên thế giới về sản xuất năng lượng. Canada đã cung ứng khoảng 16% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Mỹ, và 14% tổng lượng khí thiên nhiên tiêu thụ tại nước này. Hệ thống lưới điện quốc gia của Mỹ và Canada đã kết nối với nhau và cả hai nước đều sử dụng chung các phương tiện thủy điện ở biên giới phía Tây.

            Trong khi 95% lượng mậu dịch Mỹ-Canada được thực hiện trôi chảy thì có 5% lượng mậu dịch song phương bị tranh chấp, cụ thể là trong lĩnh vực nông nghiệp và văn hóa. Thường thì những vấn đề này được giải quyết bằng các diễn đàn tư vấn song phương hoặc chuyển đến WTO. Vào tháng 5 năm 1999, chính quyền Mỹ và Canada đã thương lượng về một thỏa thuận về tạp chí, theo đó sẽ mở đường cho Mỹ trong ngành công nghiệp xuất bản ở thị trường Canada.

            Mỹ và Canada cũng giải quyết với nhau một số vấn đề liên quan đến ngư nghiệp. Với sự thỏa thuận chung, hai nước đã đưa việc tranh chấp về ranh giới vịnh Maine đến tòa án quốc tế vào năm 1981; và cả hai đã cùng chấp thuận việc phân ranh giới của tòa án này. Một vấn đề hiện tại nẩy ra giữa Mỹ và Canada là việc tranh chấp về gỗ mềm, do Mỹ cho rằng Canada đã trợ cấp một cách không công bằng cho ngành lâm nghiệp của họ.

            Năm 1990 Mỹ và Canada đã ký một Thỏa thuận Thi hành về Ngư nghiệp, ngăn cản các hoạt động đánh cá bất hợp pháp và giảm thiểu nguy cơ thương vong trong việc thi hành các luật lệ về ngư nghiệp. Mỹ và Canada cũng đã ký Thỏa thuận Cá hồi Thái Bình Dương vào tháng 6 năm 1999 để dàn xếp những bất đồng trong việc thi hành Thỏa thuận Cá hồi Thái Bình Dương của năm 1985.

            Canada và Mỹ cũng đã ký một thỏa thuận về hàng không trong lúc tổng thống Clinton đến thăm Canada vào tháng 2 năm 1995, và lượng vận chuyển bằng đường hàng không đã gia tăng đáng kể. Hai nước cũng cùng nhau vận hành tuyến đường biển St. Lawrence Seaway, nối liền vùng hồ Great với Đại Tây Dương.

            Mỹ là nước có lượng đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Canada. Vào cuối năm 1999, lượng đầu tư trực tiếp của Mỹ được ước tính khoảng 116,7 tỉ USD, chiếm 72% tổng lượng đầu tư nước ngoài tại Canada. Lượng đầu tư này chủ yếu là ở các ngành mỏ và luyện kim, ngành xăng dầu, hóa chất, sản xuất máy móc, vận chuyển trang thiết bị, và ngành tài chính.

            Canada là nước lớn thứ ba về đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Vào cuối năm 1999, tổng lượng đầu tư trực tiếp của Canada tại Mỹ là 90,4 tỉ USD. Lượng đầu tư của Canada tại Mỹ - kể cả đầu tư của các công ty Canada tại Hà Lan - tập trung vào sản xuất mậu dịch bán buôn, bất động sản, xăng dầu, tài chính, bảo hiểm và các dịch vụ khác.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2097-02-633492141436562500/Kinh-te/Kinh-te.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận