Tài liệu: Chăm sóc khi đẻ thường

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Thăm thai đều đặn và có chất lượng cao là việc chăm sóc quan trọng nhất cho cả mẹ lẫn con, bởi vì thăm thai đầy đủ sẽ tạo niềm tin vững chắc cho các bà mẹ bước vào giai đoạn quyết định nhất của sinh sản là chuyển dạ đẻ.
Chăm sóc khi đẻ thường

Nội dung

Chăm sóc khi đẻ thường

Thăm thai đều đặn và có chất lượng cao là việc chăm sóc quan trọng nhất cho cả mẹ lẫn con, bởi vì thăm thai đầy đủ sẽ tạo niềm tin vững chắc cho các bà mẹ bước vào giai đoạn quyết định nhất của sinh sản là chuyển dạ đẻ.

Nên khám thai bao nhiêu lần.

Nên thăm thai nhiều lần, bất cứ lúc nào thấy áy náy, thắc mắc dù là nhỏ nhất. Thông thường thì thăm thai lần đầu khi nghĩ rằng mình đã có thai. Sau đó trong 5 tháng đầu thăm thai hai lần. Tháng 6, 7, 8 mỗi tháng thăm một lần. Tháng 9 thì mỗi tuần một lần cho đến khi đẻ. Những tổ chức chăm sóc sức khỏe bà mẹ khuyên nên thăm đủ 8 lần một thai kỳ.

Những người nào dễ có tai biến khi sinh nở: Tai biến sản khoa ở khắp nơi trên thế giới cũng như ở nước ta còn gieo tai họa cho nhiều phụ nữ: băng huyết, nhiễm khuẩn sau đẻ, sản giật, đẻ khó (vỡ tử cung) và nhiều tai biến khác. Tai biến hay xảy ra ở những người không thăm thai, thiếu máu, kém tăng trọng khi có thai (đến cuối thời kỳ thai nghén, thai phụ phải tăng được 20% trọng lượng cơ thể so với lúc chưa có thai) và những người có ít kiến thức về vệ sinh sinh sản và sức khỏe. Những thống kê gần đây cho biết số thai phụ bình thường và thai phát triển tốt cũng bị những tai biến đột ngột nguy hiểm như những người có nguy cơ cao. Vậy chuyển dạ đẻ là một hiện tượng sinh lý bình thường nhưng đầy thử thách cho bất cứ người phụ nữ nào.

Khi nào thì đi dẻ:

Thai kỳ bình thường kéo dài 40 tuần lễ kể từ ngày có kinh cuối cùng. Tính tuần lễ chính xác hơn là tính tháng là vì tuần lễ nào cũng chỉ có 7 ngày, còn tháng thì từ 28 đến 30 ngày (tháng ta) hoặc 31 ngày (tháng tây).

Nếu ở gần cơ sở y tế và có phương tiện đi lại tốt (taxi...) thì khi chuyển dạ thật mới đi cũng vừa. Còn nếu ở xa thì phải đi sớm để dự phòng đường sá khó khăn.

Chuyển dạ thật sự là khi có cơn co tử cung gây đau bụng và đau lưng có ra nhựa chuối, có xóa và mở cổ tử cung.

Chuẩn bị những gì khi đẻ?

- Quần áo rộng rãi và sạch để mặc trong khi chuyển dạ (ở xã) (còn ở bệnh viện thì quần áo đẻ do bệnh viện cung cấp)

- Tã lót và áo cho trẻ sơ sinh.

- Thân nhân chăm sóc trong khi chuyển dạ tốt nhất là chồng, mẹ hay chị em thân thiết để tránh tình trạng cô đơn khi đau đẻ.

Giai đoạn chuyển dạ (chờ đẻ).

NHS giữ vai trò quan trọng và quyết định cho sự an toàn cả người mẹ lẫn đứa trẻ sắp ra đời. Tuy nhiên, thân nhân (chồng, mẹ hoặc chị em thân thiết có mặt trong khi chuyển dạ, chờ đẻ) cũng có vai trò quan trọng, nó tạo được cảm giác bình thường, không bị cô lập, cô đơn một mình khi vượt cạn. Sự yên tâm trong khi chờ đẻ làm khí huyết điều hòa hơn, hô hấp tế bào bình thường và có thể làm giảm đẻ khó và giảm cả thai suy.

Nữ hộ sinh cần theo dõi:

Tim thai: 30 phút một lần.

Cơn co tử cung: lúc đầu 1 giờ 1 lần, sau mau hơn.

Mạch: 2 - 4 giờ 1 lần. Huyết áp: 1 giờ 1 lần.

Thân nhiệt: 4 giờ 1 lần.

Ngôi thai: nếu là chỏm chỉ cần thăm ngoài, nắn các bướu chỏm, đỉnh.

Thăm âm đạo: Chỉ thăm 1 lần khi sản phụ vào viện, lần thứ hai lúc vỡ ối để xem có sa dây rau không.

Cần áp dụng sản đồ hay biểu đồ chuyển dạ cho tất cả các sản phụ. Đây là công cụ tốt nhất để phát hiện các bất thường của cuộc đẻ và giúp xử lý kịp thời.

Cần lưu ý:

- Đảm bảo cho sản phụ không mất nước. Chuyển dạ và một cuộc lao động nặng nhọc, mồ hôi toát ra nhiều. Cần cho sản phụ uống mỗi giờ một cốc nước (tốt nhất là nước chanh, cam, nước dừa có thêm chút muối). Thở nhanh, nóng, môi khô, khát nước, thân nhiệt tăng là dấu hiệu thiếu nước.

- Sản phụ cần được đi tiểu 2 giờ 1 lần.

- Không nên nằm ngửa liên tục, cần thay đổi tư thế luôn. Đi lại trong phòng khi chuyển dạ càng tốt.

- Không nên ăn no, nhưng không để sản phụ chuyển dạ bị đói. Đói và khát làm tổn hại cả thể chất dẫn tinh thần người chuyển dạ đẻ.

Vai trò của người hộ sinh:

Rất quan trọng. Tính mạng của sản phụ cũng như của đứa trẻ đang lệ thuộc vào người hộ sinh. Người hộ sinh vừa là một nghệ sĩ, vừa là một nhà hoạt động nghiệp vụ. Sự tận tuỵ và khéo léo về nghề nghiệp và hiểu biết rộng về các mối liên quan khi chuyển dạ sẽ giúp cho sản phụ vượt được nhiều khó khăn.

1. Cố gắng tạo được niềm tin bằng thái độ thân mật và đáng tin cậy. Người phụ nữ đi đẻ là đi tạo dựng một cuộc đời mới nhất là những người mới đẻ lần đầu. Tất cả đều mới, lo lắng, ưu tư, cô đơn sợ hãi tràn ngập. Hãy làm giảm đi những nỗi niềm đó. Hãy tạo ra sự liên hệ tiếp xúc bình thường giữa sản phụ và thân nhân cũng như giữa sản phụ và NHS và môi trường đẻ.

2. Chăm sóc, thăm khám theo chuẩn mực định sẵn và thông báo cho sản phụ biết phương pháp làm việc của mình. Lắng nghe ý kiến đề đạt của mỗi sản phụ. Cố gắng giải quyết những nhu cầu riêng một cách tích cực và linh hoạt.

3. Trò chuyện để sản phụ biết dấu hiệu bình thường và không bình thường của chuyển dạ. Lưu ý đến các điều kiện hoàn cảnh cá nhân.

4. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường thì làm gì, tiếp xúc với ai (có tên tuổi, chức vụ). Liên hệ bằng cách nào, gọi ở đâu?

5. Người hộ sinh hướng dẫn tỉ mỉ cho sản phụ thái độ cần thiết ở mỗi giai đoạn chuyển dạ.

Giai đoạn 1: Đau đẻ, chuyển dạ, vỡ ối, phòng sa dây rau.

Giai đoạn 2: Xổ thai, rặn đẻ thế nào? Cách thở thế nào để thai không bị ngạt, làm thế nào để giảm đau khi có cơn co.

Giai đoạn 3: Xổ rau: bình thường và bất thường và cách để phòng khi xổ rau.

6. Chăm sóc sơ sinh và cho bú ngay sau khi đẻ:

- Rỏ mắt cho sơ sinh.

- Xử lý rốn: cắt rốn, khử trùng, băng rốn.

- Cho bú mẹ sau khi đẻ ngay tại bàn đẻ.

- Cách tắm, quấn tã lót cho bé và trao bé cho mẹ cho bú ngay trong vòng 30 phút sau khi thai xổ.

7. Bỏ những hủ tục và mê tín dị đoan như:

- Kiêng khem quá mức. Vắt bỏ sữa chua không dùng là những tập quán tục lệ sai.

- Vẩy sữa lên tường vừa làm mất vệ sinh vừa phí sữa của trẻ.

- Kiêng tắm rửa nhiều ngày sau đẻ làm sản phụ dễ bị ngứa, ghẻ nhiễm khuẩn và tạo ra mùi khó chịu trong phòng ở, thường gọi là “mùi bà đẻ”.

Sau khi ra đời trẻ phải luôn được giữ ấm, ủ ấm nhất là trẻ nhẹ cân, non tháng hoặc đủ tháng nhưng yếu, thở kém do thai suy, thai ngạt. Trẻ phải được bú sữa non ngay sau khi ra đời 5 - 30 phút. Sữa non giúp rửa sạch đường tiêu hóa và cung cấp nhiều năng lượng và kháng thể cho trẻ. Sữa non có khả năng đề phòng nhiễm khuẩn cho trẻ nhất là nhiễm khuẩn tiêu hóa và hô hấp. Các bà mẹ mới sinh nên cho con bú ngay sữa non.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4342-02-633795285425781250/Suc-khoe-sinh-san/Cham-soc-khi-de-thuong....


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận