CON NGƯỜI TRONG VŨ TRỤ
Vào thời trung cổ người ta xem thế giới như một khái niệm lớn lao mà trong đó con người đóng vai chính: con người là trung tâm của Vũ Trụ. Vậy thì ai, - nhà bác học người Pháp Henri Poincaré viết - đã giải phóng chúng ta khỏi cái ảo tưởng đó? Đó chính là những người có công chỉ cho ta biết rằng Trái Đất chỉ là một trong những hành tinh nhỏ nhất của hệ Mặt Trời, còn hệ Mặt Trời cũng chỉ là một chấm khó nhận ra trong không gian bao la vô hạn của Vũ Trụ''.
Để nhận biết vị trí của mình trong Vũ Trụ, loài người phải mất không chỉ một thiên niên kỷ. Phải đến thế kỷ XX con người mới hiểu ra rằng họ đang sống ở thế giới nào. Việc phát hiện cấu trúc không - thời gian của Vũ Trụ là một thành tựu vĩ đại bậc nhất của nền khoa học.
Ngay hồi giữa thế kỷ XVII nhà bác học người Pháp Blaise Pascal đã viết rằng ''không phải sự bao la của thế giới các vì sao làm cho người ta thán phục, mà chính việc con người đo được thế giới đó mới làm cho người ta thán phục''. Trong những thế kỷ qua khoa học đã có nhiều phát hiện mới. Và chúng ta càng hiểu biết hơn về Vũ Trụ thì ta càng khiêm tốn hơn trong việc đánh giá vị trí của mình trong Vũ Trụ. Do đó khi người ta hỏi Albert Einstein: ''Ông sẽ trả lời ra sao nếu vào lúc lâm chung người ta hỏi: cuộc sống đã qua của ông là hữu ích hay vô ích?'', nhà bác học vĩ đại đã trả lời: ''Câu hỏi kiểu đó không làm tôi quan tâm cả vào lúc lâm chung hay cả trước đó... Tôi chỉ là một hạt nhỏ xíu của thiên nhiên''.