CUỘC ĐỔ BỘ LÊN MORMANDIE
Để tấn công lên đại lục châu Âu nằm dưới sự khống chế phát xít Đức, Mỹ và Anh đã tổ chức một hạm đội khổng lồ chưa từng có trong lịch sử. Tối ngày 5 tháng 6 năm 1944, hạm đội này lên đường từ bờ biển phía nam nước Anh, vượt qua eo biển Anh tiến về vùng Normandie của nước Pháp, bắt đầu cuộc đổ bộ qui mô lớn.
Cả hai bên đều đã có sự chuẩn bị lâu dài cho chiến dịch này. Phía đồng minh, hơn 2.780.000 quân viễn chinh, hơn 130.000 máy bay, hơn 6000 chiếc hạm, hơn 800 khẩu đại bác và 450.000 xe ô tô đã được tập kết ở Anh. Đề phòng Anh Mỹ đổ bộ lên đất Pháp, ngay từ tháng 9 năm 1942, Hitler đã hạ lệnh xây dựng một phòng tuyến có tên là “chiến lũy Đại Tây Dương” chạy dọc bờ biển, bắc từ mũi Nord kéo dài tới giáp giới Tây Ban Nha phía nam. “Chiến lũy” này dài tới 2.500 dặm Anh, đặt nhiều trọng điểm bố phòng, liên lạc với nhau bằng những công sự dã chiến với mạng lưới giao thông hòa chi chít. Hitler lúc đầu đã nhận định quân Đồng minh sẽ chọn Normandie làm địa điểm đổ bộ, sau đó những động tác nghi binh của phía quân Đồng minh và những ý kiến bàn bạc của tay chân y, Hitler cuối cùng đã thay đổi quan điểm. Quân Đức xem Calais - khu vực hẹp nhất của eo biển Anh - là khu vực trọng điểm để bố phòng và cho rằng quân Đồng minh sẽ lấy đây làm hướng chủ công.
Xét về chiều rộng của eo biển Anh mà nói thì vùng Calais quả là địa điểm đổ bộ lý tưởng nhất. Đây chẳng những là vùng có khoảng cách giữa hai bờ hẹp nhất mà còn có rất nhiều cảng tốt. Chỉ có điều, về mặt quân sự, lực lượng đổ bộ phải chiếm được ưu thế tuyệt đối, song ở khu vực này, binh lực đổ bộ lúc ban đầu sẽ bị hạn chế rất nhiều, hơn nữa công kích vào một khu vực mà đối phương đã chuẩn bị sẵn sàng e cũng rất khó thành công. Thành công trong tác chiến đổ bộ phần lớn quyết định ở yếu tố bất ngờ. Quân Đồng minh sau khi xác định lấy Normandie làm địa bàn đổ bộ đã thực hiện nhiều kế hoạch nghi binh. Họ tổ chức một cánh quân giả bố trí ở Grand, điều một danh tướng Mỹ là Patton về Grand và cho xuất đầu lộ diện. Cùng thời gian đó, hàng loạt bức điện được phát đi từ Grand, tạo ấn tượng giả là Bộ tư lệnh chiến dịch đặt tại đây. Kế nghi binh của quân Đồng minh đã khiến Hitler phải điều 23 sư đoàn chủ lực về bố trí ở bờ biển Flandre và cho xây dựng công sự phòng ngự kiên cố ở đây. Thậm chí, trong suốt bảy tuần lễ sau khi quân Đồng minh đổ bộ lên Normandie, Bộ chỉ huy tối cao của quân Đức vẫn cho rằng đó chỉ là cuộc tấn công nghi binh, do đó đã không thể kịp thời điều chuyển binh lực.
Tối ngày 5 tháng 6 năm 1944 , eo biển anh có mưa to gió lớn nhưng dự báo khí tượng cho biết ngày hôm sau mưa gió sẽ giảm đi. Bộ chỉ huy quân Đồng minh trước tình hình đó vẫn quyết định đổ bộ theo đúng kế hoạch. Hạm đội của quân Đồng minh hành quân trong bão táp. Sáng ngày mồng 6, mưa gió yếu dần và quân đổ bộ đã xuất hiện ở bờ biển Normandie. Quân Đức hoàn toàn không tính đến khả năng quân Đồng minh có thể tổ chức đổ bộ tấn công trong hoàn cảnh thời tiết như vậy. Tới ngày 25 tháng 7, số quân đồng minh đổ bộ lên Normandie tới gần một triệu rưởi người. Trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, đây là một cuộc đổ bộ có qui mô lớn nhất. Ngày 15 tháng 8, liên quân Mỹ pháp lại đổ bộ lên miền nam nước Pháp, quân Đồng minh từ hai phía Nam bắc giáp công quân Đức, thế như chẻ tre. Ngày 25 tháng 8, Paris - thủ đô nước Pháp được giải phóng. Đến đây, chiến dịch Normandie kết thúc thắng lợi.