ĐỨC TẤN CÔNG BA LAN
Đêm 31 tháng 8 năm 1939, một toán lính Đức mặc quân phục Ba Lan, đóng giả lính Ba Lan, “đánh chiếm” một đài phát thanh trên biên giới Đức rồi dùng tiếng Ba Lan truyền đi lời tuyên bố chống Đức. Lập tức, Hitler tuyên bố nước Đức bị “xâm lược”, ra lệnh cho quân Đức tấn công Ba Lan. Sang sớm ngày 1 tháng 9, được sự chuẩn bị sẵn sàng từ lâu và chỉ chờ cơ hội xuất kích. 150 vạn lính Đức cùng với hơn 2000 máy bay và 2000 xe tăng chia làm hai hướng đồng loạt tấn công vào Ba Lan theo chiến thuật “đánh nhớp nhoáng”. Là đồng minh của Ba Lan, hai nước Anh – Pháp buộc phải tuyên chiến với Đức. Cuộc đại chiến lần thứ hai bùng nổ.
Quân đội Ba Lan khẩn trương ứng chiến. Nhưng 500 chiếc máy bay chưa kịp cất cánh đã bị bom Đức tiêu diệt ngay ở sân bay, một khối lượng lớn vật tư quân dụng chưa kịp chuyển đi đã rơi vào tay địch, đường liên lạc giữa các đơn vị bộ đội bị cắt đứt, việc chỉ huy không còn tác dụng, tất cả đều trong tình trạng hỗn loạn. Kỵ binh của Ba Lan hoàn toàn không thể ngăn chặn nổi các cánh quân Đức đã được hiện đại hóa lại có xe tăng dẫn trước. Quân Anh – Pháp khi đó có tới khoảng trăm sư đoàn, nhưng chỉ “tuyên” mà không “chiến”, “án binh bất động” sau những công sự dọc biên giới. Người đời mỉa mai nói rằng, hai nước Anh – Pháp đã tiến hành một cuộc “chiến tranh kỳ quặc”, một cuộc “chiến tranh ngồi yên”. Quân Đức được thể, càng mạnh dạn tập trung binh lực để mở các cuộc tấn công.
Cho dù quân dân Ba Lan đã kiên cường chống lại cũng không thể cứu vãn được thất bại. Trung tuần tháng 9, quân đội Ba Lan bị đánh tan tác.Chính phủ bỏ mặc dân chúng, chạy ra nước ngoài. Ngày 28, thủ đô Warszawa thất thủ.