CUỘC CHIẾN TRANH CHỐNG MỸ XÂM LƯỢC VIỆT NAM
Năm 1961, Mỹ phá hoại ''Hiệp nghị Genève”, giúp đỡ chính quyền bù nhìn Sài gòn, phát động cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Nhân dân Việt Nam vùng lên kháng chiến, sau 14 năm chiến đấu gian khổ, năm 1975 đã giành được thắng lợi trọn vẹn.
Sau khi ''Hiệp nghị Genève'' được ký kết năm 1954, Mỹ thay chân Pháp áp đặt ách thống trị thực dân ở miền nam Việt Nam, giúp đỡ Chính quyền Nam Việt Nam gây nội chiến. Năm 1961, Mỹ phát động cái gọi là “Chiến tranh đặc biệt”. Đây là cuộc chiến tranh mà những người lính Nam Việt Nam sử dụng vũ khí của Mỹ, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của các cố vấn quân sự Mỹ, đàn áp sự phản kháng của nhân dân Việt Nam. Sau khi ''Chiến tranh đặc biệt'' thất bại, từ tháng 8 năm 1964, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Tháng 3 năm 1965, Mỹ đổ quân vào miền nam Việt Nam trực tiếp tham chiến, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trở thành “chiến tranh cục bộ” trong đó Mỹ đóng vai trò chính. Không quân Mỹ đã tiến hành ném bom dã man miền Bắc. Tính ra, số bom đạn Mỹ trút xuống miền Bắc gấp nhiều lần so với số bom đạn Mỹ đã dùng trong Đại chiến thế giới lần thứ hai. Tính đến tháng 4 năm 1969, số quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam lên tới trên 54 vạn người. Rút cục, “Chiến tranh cục bộ'' của Mỹ một lần nữa lại thất bại. Năm 1969, sau khi Nixon lên làm Tổng thống Mỹ thay đổi chiến lược, thực hiện chính sách ''Việt Nam hoá chiến tranh'', chủ yếu là dùng quân đội của ngụy quyền được Mỹ giúp đỡ để tác chiến với các lực lượng vũ trang chống Mỹ, ở miền Nam Việt Nam.
Quân dân Việt Nam không hề nao núng, đã tiến hành cuộc kháng chiến tuyệt vời anh dũng với đạo quân xâm lược khổng lồ của Mỹ. Trong những điều kiện hết sức khó khăn họ triển khai rộng rãi chiến tranh du kích, khắp nơi là bãi mìn, là hầm chông, là những trận đánh phục kích. . . Chỗ nào quân Mỹ cũng bị ăn đòn. Lực lượng vũ trang của quân dân Việt Nam từ chỗ còn nhỏ yếu đã ngày càng trưởng thành lớn mạnh.
Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ ngay từ đầu đã bị nhân dân các nước trên thế giới, bao gồm cả nhân dân Mỹ, lên án mạnh mẽ. Nhân dân Mỹ từng đã tổ chức những cuộc vận động phản chiến qui mô lớn. Mùa thu năm 1969, hàng nghìn hàng vạn học sinh sinh viên Mỹ đã bãi khoá để phản đối chính sách chiến tranh của chính phủ. Trung tuần tháng 11 năm 1969, hai mươi lăm vạn người Mỹ đã kéo về thủ đô Washington, đòi chính phủ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đến đầu năm 70, phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ đã lên tới cao trào.
Ngày 27 tháng l năm 1973, trước những đòn tấn công nặng nề của quân dân Việt Nam, trước áp lực ngày càng lớn của nhân dân Mỹ và nhân dân các nước trên thế giới, chính phủ Mỹ cuối cùng đã phải ký vào ''Hiệp định về việc kết thúc chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Việt Nam'', và rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch lịch sử mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh'' giành toàn thắng toàn bộ miền Nam Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược Việt Nam kéo dài trong suốt 14 năm.
Trong cuộc chiến tranh này, phía Mỹ phải chịu những tổn thất to lớn: 5,6 vạn người tử vong, hơn 10 vạn người bị thương, thiệt hại hơn 5000 máy bay các loại, biết bao nhiêu tỷ đô la đã đổ vào cuộc chiến tránh bẩn thỉu này.