Tài liệu: Hà Lan - Đặc điểm và lịch sử của giáo dục đại học

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trường đại học lâu đời nhất vẫn còn tồn tại ở Hà Lan được thành lập từ năm 1575.
Hà Lan - Đặc điểm và lịch sử của giáo dục đại học

Nội dung

ĐẶC ĐIỂM VÀ LỊCH SỬ CỦA GIÁO DỤC  ĐẠI HỌC

            Trường đại học lâu đời nhất vẫn còn tồn tại ở Hà Lan được thành lập từ năm 1575. Ngày nay có 13 trường đại học tại đây. Trường non trẻ nhất là Đại học Limburg, mở ngành học đầu tiên vào năm 1976. Các trường đại học khác nhau về tầm cỡ. Đại học Amsterdam là trường lớn nhất với khoảng 27.000 sinh viên, và Đại học Nông nghiệp Wageningen là trường nhỏ nhất với 5.300 sinh viên. Sĩ số trung bình của một trường là khoảng 12.000 sinh viên. Trong năm 1994, Hà Lan có tất cả 183.611 sinh viên và số sinh viên tốt nghiệp là 24.789.

            Có 9 trường đại học cung ứng sự giảng dạy và nghiên cứu ở một dải rộng các môn học truyền thống, trong đó có ngôn ngữ và văn hóa, ứng xử và xã hội, kinh tế, luật, và y khoa và khoa học y tế. Trong số 9 trường đại học này có 6 trường là trường công lập: Đại học Leiden, Đại học Amsterdam, Đại học Groningen, Đại học Utrecht, Đại học Eramus, và Đại học Limburg. Ngoài ra có 3 đại học tư thục có gốc tôn giáo: Đại học Vrije Amsterdam có gốc Tin lành, Đại học Công giáo Nijmegen, và Đại học Tilburg có gốc Thiên chúa giáo.

            Có 3 trường đại học cung ứng các chương trình chủ yếu về kỹ thuật và khoa học tự nhiên: Đại học Công nghệ Delft, Đại học công nghệ Eindhoven, và Đại học Twente. Có một đại học về nông nghiệp là Đại học Nông nghiệp Wageningen, có các ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, khoa học dinh dưỡng, làm vườn, bệnh học cây trồng, kinh tế học và xã hội học nông thôn, sinh vật và khoa học về đất. Những trường đại học về công nghệ và nông nghiệp đều là những cơ sở công lập.

            Tất cả các trường đại học đều có chương trình nghiên cứu và ngoài bằng doctoraal cấp cho chương trình 4 năm, tất cả những trường này đều có bằng cấp cao nhất nước là bằng doctoruat (tiến sĩ). Ngoài 13 trường đại học chính qui còn có 8 cơ sở giáo dục cấp đại học, trong đó có 5 đại học thần học, một Đại học Nghiên cứu Nhân văn và Trường Kinh doanh Hà Lan. Những cơ sở này hoạt động độc lập, nhưng dưới sự chuẩn y của Bộ Giáo dục, Văn hóa và Khoa học; và những cơ sở này có thể cấp phát các loại bằng cấp tương đương với những trường đại học được tài trợ.

            Trong phạm vi giáo dục cấp cao, có sự phân biệt giữa mục tiêu đào tạo giữa trường đại học và các cơ sở giáo dục cấp cao chuyên nghiệp (HBO), gọi là hogescholen. Các trường đại học có nhiệm vụ cung ứng một nền giáo dục để chuẩn bị cho các mục tiêu về học thuật hoặc các ứng dụng chuyên môn của những kiến thức học thuật. Do đó, các  chương trình đại học có những chương trình kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu. Việc nghiên cứu được kết hợp sâu sát với các hoạt động giáo dục, nên hầu hết những giảng viên của các trường đều có liên quan đến cả công tác giảng dạy lẫn nghiên cứu.

            Một đặc điểm khác của chương trình doctoraal là trong đó không có giai đoạn dẫn nhập với các nội dung giáo dục tổng quát hay các môn học về khoa học xã hội. Về phương diện lịch sử, giáo dục lổng quát là nhiệm vụ của trường trung học, do đó các chương trình đại học của Hà Lan đều tập trung vào từng chuyên ngành ngay từ năm học thứ nhất.

CHƯƠNG TRÌNH HỌC

            Trong giáo dục đại học của Hà Lan về cơ bản có hai cấp độ khác nhau: chương trình doctoraal, hầu hết kéo dài 4 năm, và chương trình hậu doctoraal có thời gian dao động từ vài tuần đến 4 năm. Bằng doctoraal sẽ được cấp phát cho các sinh viên hoàn thành chương trình này. Chương trình hậu doctoraal có thể là chương trình đào tạo chuyên nghiệp hoặc là chương trình đào tạo và nghiên cứu nâng cao. Trong hai dạng này, dạng nghiên cứu thường kéo dài 4 năm để kết thúc ở văn bằng cao nhất của Hà Lan về học thuật, gọi là bằng doctoraat (tiến sĩ).

THỦ TỤC TUYỂN SINH

            Để vào học các chương trình doctoraal, ứng viên cần phải có chứng chỉ VWO hoặc chứng chỉ HBO. Nếu các ứng viên không có cả hai chứng chỉ trên và ở độ tuổi từ 21 trở lên có thể tham dự kỳ thi tuyển, gọi là colloquium doctum. Hiện nay, đa số các ứng viên người Hà Lan đều có chứng chỉ VWO (khoảng 75%), và khoảng 13% có chứng chỉ HBO.

            Ngoài các chứng chỉ VWO hoặc HBO, hoặc kỳ thi colloquium doctum, các trường đại học còn đòi hỏi một số môn phải có trong kỳ thi VWO nếu như ứng viên đăng ký vào một số ngành học cụ thể. Nếu như những môn đó không có trong kỳ thi VWO thì các ứng viên phải qua một kỳ kiểm tra bổ sung về các môn này trước khi được nhận vào học.

Các Chương trình Sau Đại học và Chương trình Chuyên nghiệp

            Những sinh viên đã tốt  nghiệp ở cấp đại học có thể vào học tiếp cấp sau đại học. Những chương trình này có thể phân loại như sau:

            + Chương trình đào tạo giáo viên 1 năm.

            + Các khóa học đa dạng ngắn ngày với mục đích nâng cấp trình độ chuyên môn.

            + Các chương trình nghiên cứu dài ngày.

            + Các chương trình nghiên cứu 4 năm để cấp bằng tiến sĩ.

Chương trình Đào tạo Giáo viên

            Các chương trình sau đại học chuyên đào tạo giáo viên (gọi là ULO) có mục tiêu huấn luyện một đội ngũ giáo viên có chất lượng giảng dạy cao nhất. Những giáo viên tốt nghiệp từ các chương trình này có thể giảng dạy ở 3 năm cuối của chương trình chuẩn bị cho đại học (VWO), hoặc hai năm cuối của giáo dục trung học cao cấp (HAVO), cũng như ở các chương trình chuyên nghiệp cấp cao (HBO). Chương trình ULO đòi hỏi sinh phải học trước một năm sau khi tốt nghiệp  đại học để chuẩn bị cho kỳ thi giáo viên. Hầu hết nội dung của chương trình này dành cho việc nghiên cứu về lý thuyết giáo dục, các phương pháp giảng dạy và nghiên cứu, tuy nhiên có ít nhất 250 giờ dành cho việc thực tập trong lớp học.

Chương trình Tiến sĩ

            Ở Hà Lan người ta dùng từ promotie để chỉ quá trình một sinh viên phải trải qua đề hoàn tất các yêu cầu của cấp học tiến sĩ (doctoraat). Promotie và doctoraat có được dùng thay thế lẫn nhau, tuy nhiên từ promotie ít mang tính chính thức bằng doctoraat.

            Hầu hết những ứng viên ở cấp học này được đề cử làm trợ lý nghiên cứu ở một trường đại học. Trong thời gian 4 năm là thời gian để làm luận văn tốt nghiệp, những trợ lý nghiên cứu này được yêu cầu tiến hành việc nghiên cứu cho luận văn của mình, đồng thời giảng dạy một số giờ tại trướng. Do tính chất đó, những trợ lý này không phải là sinh viên mà là nhân viên của nhà trường, và được trả một khoản lương nhỏ trong thời gian hợp đồng. Số lượng những trợ lý như vậy rất hạn chế và việc tuyển dụng mang tính cạnh tranh rất cao.

Các chương trình chuyên nghiệp

            Các chương trình chuyên nghiệp về nha khoa, y khoa, dược khoa và thú y được gọi là chương trình ''giai đoạn 2'', để phân biệt với giai đoạn 1 hay giai đoạn đại học (doctoraal). Các sinh viên phải thi tuyển để vào những chương trình này. Trong ngành nha, sinh viên sẽ được đào tạo lâm sàng trong thời gian 1 năm trước khi tham dự kỳ thi tết nghiệp để đạt danh xưng là nha sĩ. Trong ngành y, ngành dược và ngành thú y, thời gian huấn luyện lâm sàng là 2 năm, trước khi sinh viên tham dự kỳ thi tốt nghiệp để đạt các danh xưng bác sĩ, dược sĩ hay bác sĩ thú y.

Chương trình Cao học

            Ngoài các chương trình đại học chính qui kéo dài 4 năm, một số trường đại học của Hà Lan còn có chương trình cao học 1 năm. Ở đa số các trường, việc tuyển sinh vào những chương trình này đòi hỏi văn bằng tết nghiệp ở cấp đại học. Chương trình cao học này không được coi như một cấp học cao hơn cấp đại học (doctoraal). Nó chỉ là một dạng khác trong nền giáo dục đại học, nguyên thủy được thiết kế cho các sinh viên nước ngoài. Là các cơ sở được phép cấp phát các loại bằng cấp, những trường đại học tại Hà Lan cũng có quyền mở các chương trình cao học, tuy nhiên điều này không được thể hiện trong pháp luật. Theo Đạo luật Giáo dục Cấp cao và Nghiên cứu năm 1993 (WHW), những người có bằng doctoraal đều có quyền sử dụng danh xưng cao học, nhưng điều này không chi phối đến những chương trình cao học được đặt song song hay sau các chương trình doctoraal.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1966-02-633468933523750000/Giao-duc/Dac-diem-va-lich-su-cua-giao-duc...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận