Tài liệu: Hà Lan - Tôn giáo

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Ở Hà Lan, hiến pháp cho phép mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng, và chính quyền vẫn tôn trọng việc thực hiện các lễ nghi tôn giáo.
Hà Lan - Tôn giáo

Nội dung

TÔN GIÁO

            Ở Hà Lan, hiến pháp cho phép mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng, và chính quyền vẫn tôn trọng việc thực hiện các lễ nghi tôn giáo.

            Mối quan hệ thân thiện giữa các tôn giáo trong xã hội đã góp phần thêm cho quyền tự do tín ngưỡng. Sau cuộc hội thảo quốc gia nảy sinh từ vụ giết một chính khách chống nhập cư và chống Hồi giáo, chính quyền mới đã tập trung vào việc hội nhập tốt hơn đối với Hồi giáo vào xã hội Hà Lan. Tuy nhiên, sự không khoan dung đối với người Hồi giáo càng gia tăng sau sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001, cũng như sự gia tăng tội phạm trong nước. Làn sóng chống Xê-mít cũng gia tăng, đặc biệt là trong những người Hồi giáo, do sự xung đột giữa người Israel và người Palestine.

CÁC THÀNH PHẦN TÔN GIÁO

            Hà Lan có khoảng 16 triệu dân. Có khoảng 30% dân số theo Thiên chúa giáo La Mã, 15% theo đạo Tin lành, 7% theo đạo Can-vin, 8% theo các tôn giáo ngoài Cơ đốc giáo (đạo Hồi, đạo Hindu, Do Thái giáo và Phật giáo), và 40% thuộc dạng vô thần.

            Xã hội Hà Lan ngày càng trở nên thế tục hóa hơn. Theo Văn phòng Qui hoạch Văn hóa Xã hội của chính phủ, những người đi lễ nhà thờ đã giảm dần từ 76% vào năm 1958 xuống còn 41% năm 1995 và vẫn đang tiếp tục giảm xuống, mặc dù ở tốc độ chậm hơn. Trong số 41% đi lễ nhà thờ này có 20% là giáo dân của Thiên chúa giáo La Mã, 9% thuộc đạo Tin lành, 6% thuộc đạo Can-vin, 2% thuộc đạo Hồi, và 4% thuộc về các tôn giáo khác. Số người này giảm trong tất cả các tôn giáo chỉ ngoại trừ Hồi giáo, vốn được tiên đoán là sẽ trở thành tôn giáo lớn thứ hai của đất nước này vào năm 2010.

            Có khoảng 26% những người đi lễ nhà thờ là rất năng động trong cộng đồng tôn giáo của họ. Trong năm 1999 người ta thống kê được là có khoảng l4% người Thiên chúa giáo La Mã, 30% người theo đạo Tin lành, và 51% người theo đạo Can-vin đã đi lễ nhà thờ một lần trong 2 tuần.

            Những người đã rời bỏ nhà thờ thường hiếm khi quay lại. Tuy nhiên, một số lớn những người đã bỏ nhà thờ vẫn coi họ là thành viên của tôn giáo. Nhưng niềm tin và việc thực hành tôn giáo của những tín đồ này đã phát triển đến một tình trạng được mô tả như là cách tiếp cận có chọn lọc đối với tôn giáo: chấp nhận những mặt tích cực và không chấp nhận những mặt tiêu cực của tôn giáo đó. Có khoảng 20% công dân, chủ yếu là những người đã bỏ những nhà thờ truyền thống, tự mô tả họ như là những người ''đi tìm sự thật về linh hồn hay triết lý''.  Những người này có khuynh hướng nghiêng về (nhưng không nhất thiết là gia nhập) những phong trào tôn giáo phi chính thống.

            Sau phong trào thế tục hóa của thập kỷ 1960, nhiều người Thiên chúa giáo La Mã đã bỏ nhà thờ. Trong số những người còn lại, nhiều người đã bày tỏ sự chán ghét đối với hệ thống thứ bậc và các học thuyết của tôn giáo. Chẳng hạn như hầu hết những người Hà Lan theo Thiên chúa giáo đã không phản đối các tu sĩ nữ hoặc tu sĩ đã lập gia đình, và họ cũng không đồng ý với các suy nghĩ của nhà thờ về một số vấn đề nhạy cảm trong học thuyết.

            Đạo Tin lành tại Hà Lan ở trong tình trạng khá hỗn tạp. Trong số các giáo phái của Tin lành, Tân giáo chiếm đa số, mặc dù giáo phái này cũng nằm trong số bị mất nhiều tín đồ dơ tình hình thế tục hóa. Tín đồ của giáo phái này đã bị giảm đi hai phần ba trong vòng 50 năm qua. Giáo phái Tin lành lớn thứ hai là nhà thờ Can-vin, ít chịu sự mất mát tín đồ hơn và thậm chí còn thu hút được một số tín đồ của Tân giáo. Trong số những giáo phái khác của đạo Tin lành còn có giáo phái Baptist và Luther.

            Đất nước này còn có truyền thống cưu mang những tôn giáo không phải là Cơ đốc giáo. Chẳng hạn như cộng đồng Do Thái giáo hiện nay có ít hơn 20.000 người, nhưng lại đang phát triển và tổ chức những trường học riêng của họ.

            Số lượng người Hồi giáo gia tăng do những công nhân nhập cư vào đây, chủ yếu và từ Ma Rốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Đến năm 2001 có khoảng 279.000 người Ma Rốc và 320.000 người  Thủ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan. Những người Hồi giáo được bổ sung vào đây đến từ thuộc địa cũ Suriname của Hà Lan. Trong thập kỷ vừa qua, số lượng người Hồi giáo đã gia tăng do một số lớn người tị nạn đến từ các quốc gia như Iran, Iraq, Xô-ma-li và Bosnia. Năm 2001 tổng số người Hồi giáo ở đây đã lên đến 750.000 người, chiếm 7% dân số. Một mạng lưới các nhà thờ Hồi giáo và các trung tâm văn hóa đã phục vụ cho cộng đồng này. Mạng lưới này đã được tổ chức để thích nghi với hệ thống tài trợ của nhà nước, vốn hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa phục vụ cho sự định hướng xã hội. Số lượng nhà thờ Hồi giáo đã tăng lên tới con số 400, trong đó hơn một nửa là của người Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 140 nhà thờ thuộc về người Ma Rốc, và khoảng 50 nhà thờ của người Suriname. Sự gia tăng ảnh hưởng của Hồi giáo còn thể hiện ở việc thành lập trên 30 trường học của đạo Hồi.

            Có một cộng đồng khá lớn của người đạo Hindu với  khoảng 90.000 người đến từ thuộc địa cũ Suriname của Hà Lan. Nước này cũng dung nạp những nhóm người Hindu ít hơn từ Ấn Độ và Uganda, cũng như những phong trào tương tự dựa trên giáo lý của Hindu. Còn cộng đồng Phật giáo ở đây thì khá nhỏ, với khoảng 17.000 người. Không có hoạt động truyền giáo từ nước ngoài được thực hiện tại Hà Lan.

TÌNH TRẠNG TỰ DO TÔN GIÁO

Khuôn khổ Pháp lý của Tôn giáo

            Chính quyền ở tất cả các cấp đều nỗ lực bảo vệ quyền tự  do tín ngưỡng của người dân, và không dung thứ sự lạm dụng tôn giáo, dù là của các tác nhân chính quyền hay tư nhân. Hiến pháp chỉ cho phép chính quyền đặt ra những giới hạn trong việc thực hành tôn giáo ở một qui mô hạn chế, chẳng hạn như đối với những hiểm họa về sức khỏe, an toàn giao thông hay những rủi ro do việc gây rối trật tự công cộng.

            Nhà thờ Can-vin đã được hưởng tình trạng ưu đãi cho đến năm 1795. Giáo phái này đã được nhận trợ cấp của chính quyền, và chỉ có những tín đồ của giáo phái này mới được giữ những chức vụ nhà nước. Nhà thờ và chính quyền đã tách đôi kể từ năm 1798. Tuy nhiên chính quyền vẫn tài trợ cho những tổ chức tôn giáo có duy trì những phương tiện giáo dục. Chính quyền có các quỹ dành cho các trường học tôn giáo, các cơ sở giáo dục và các phương tiện y tế của tôn giáo, bất luận thuộc giáo phái nào. Để được tài trợ, những cơ sở này phải đạt được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt do nhà nước đề ra. Luật pháp cũng cho phép các tôn giáo thiểu số có được các chương trình trên đài phát thanh và truyền hình. Chẳng hạn như thời lượng phát sóng đã được phân bổ cho Tổ chức Phát sóng Hồi giáo, một liên minh của tất cả các nhóm Hồi giáo trong nước.

            Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ảnh hưởng đối với cộng đồng Hồi giáo Hà Lan-Thổ Nhĩ Kỳ qua vị giám đốc các dịch vụ tôn giáo, vốn được trao quyền chỉ định những thầy tế cho 140 nhà thờ Hồi giáo trong nước. Đối với chính quyền Ma Rốc thì không có sự tổ chức như vậy. Chính quyền này đã cố gắng gây ảnh hưởng đối với khoảng 100 nhà thờ Hồi giáo của người Ma Rốc qua một liên đoàn của các đoàn thể hữu nghị Ma Rốc. Nhà cầm quyền Hà Lan đã không hài lòng với sự can thiệp của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Ma Rốc vào những vấn đề tôn giáo và chính trị bởi vì sự can thiệp đó xem ra đối nghịch với những nỗ lực của chính quyền ở đây nhằm kết hợp đạo Hồi vào xã hội Hà Lan. Chẳng hạn như chính quyền tại đây đã cương quyết bắt trẻ em đến 16 tuổi học ở các trường của nhà nước theo hệ thống cưỡng bách giáo dục. Họ đã không xét duyệt cho lời thỉnh cầu của các thầy tế muốn giữ lại ở nhà các bé gái dưới 16 tuổi nhưng đã trưởng thành về mặt tình dục.

Những giới hạn của tự do tôn giáo

            Để đối phó với những ảnh hường ngoài ý mướn từ nước ngoài, chính quyền Hà Lan đã đưa ra chương trình đào tạo các thầy tế ở trong nước để họ có một kiến thức cơ bản về ngôn ngữ Hà Lan cũng như các giá trị trong xã hội này. Một khi đã có sự tách biệt giữa chính quyền và tôn giáo, nhà cầm quyền ở đây không thể tổ chức các khóa đào tạo như vậy. Tuy nhiên Đại học Thần học Kampen và Đại học Tự do Tin lành ở Amsterđam đã bắt đầu cung ứng sự đào tạo cho Hồi giáo. Trong thời gian chuyền tiếp, chính quyền ở đây đã quyết định  tất cả những thầy tế và những người lãnh đạo tinh thần khác được tuyển từ các nước Hồi giáo phải theo một khóa học về hội nhập kéo dài trong vòng l năm trước khi họ được quyền thực hành về tôn giáo tại Hà Lan.

            Những tranh chấp thường xảy ra khi việc thực hành quyền tự do tôn giáo và ngôn luận va chạm với sự cấm chỉ phân biệt tôn giáo. Những tranh chấp này thường được giải quyết ở tòa án hay các ban chống phân biệt tôn giáo. Có những đơn kiện những phát ngôn viên tôn giáo hay chính trị đã công khai lên án tình trạng tình dục đồng tính. Vấn đề khăn trùm đầu cũng thường xuyên được đưa ra tòa. Ý kiến sau đó là chỉ nên cấm trùm khăn trong một số trường hợp hạn hẹp, chẳng hạn như vì lý do an toàn.

            Trong các lĩnh vực khác, những nhà tuyển dụng cũng thường bị những ban chống phân biệt tôn giáo khiển trách vì đã không cho những người không theo đạo Cơ đốc được nghỉ trong những ngày lễ tôn giáo của họ, hay vì đã phản đối người theo đạo Sikh đội khăn xếp hoặc phụ nữ Hồi giáo trùm khăn, hoặc đã cấm công nhân ăn uống theo qui định tôn giáo của họ. Năm 1999 ủy ban Bình đẳng đã phải ra phán quyết đối với một công ty vì họ đã từ chối không nhận một người Thổ Nhĩ Kỳ vào làm việc, vì người này có ý định sẽ đi nhà thờ Hồi giáo vào ngày thứ Sáu hàng tuần. Điều này đã được coi như một sự vi phạm quyền tự do tín ngưỡng. Theo ủy ban này, việc đi nhà thờ vào ngày thứ Sáu của người Hồi giáo cũng giống như ngày Chủ nhật đối với người Cơ đốc giáo. Ủy ban này đã phán quyết rằng những nhà tuyển dụng buộc phải xem xét những yêu cầu về tôn giáo của các công nhân, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt.

            Liên minh Xã hội Can-vin (RMU) đã lên án là đạo luật  năm 1996 về thời gian làm việc đã góp phần vào tình trạng phân biệt tôn giáo. Đạo luật này cho phép làm việc vào ngày Chủ nhật trong một số tình huống cụ thể. Dựa trên cuộc khảo sát ở 2.000 công ty, RMU đã kết luận là những ứng viên xin việc sẽ không được tuyển dụng nếu như họ vì những lý do tôn giáo mà từ chối không làm việc vào ngày Chủ nhật. Những liên đoàn lao động lớn hơn đã phản ứng bằng cách kêu gọi những sự thỏa thuận giữa những người làm công và những người quản lý về vấn đề thực hành tôn giáo trong giờ làm việc. Việc này thường không nảy sinh ra vấn đề gì, tuy nhiên nếu như có vấn đề, các liên đoàn thường yêu cầu những nhà tuyển dụng vi phạm phải chấp hành những quyền cơ bản của công nhân. Các luật 1ệ đã được điều chỉnh về giờ giấc làm việc để cho phép người lao động có quyền yêu cầu nghỉ trong một thời gian nào đó cho việc thực hành tôn giáo của họ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1964-02-633468916901250000/Van-hoa---xa-hoi/Ton-giao.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận