HÌNH DẠNG TRÁI ĐẤT
Cuộc tranh luận về hình dạng Trái Đất hồi đó đang ở trung tâm sự chú ý của giới khoa học. Để giải quyết vấn đề này, Viện hàn lâm khoa học Pari đã cử hai đoàn nghiên cứu đi Pêru và Laplanđơ. Nhưng ngoài việc trắc đạc các nhà khoa học còn tiếp cận bài toán này trên phương diện lý thuyết.
Thục vậy, Trái Đất phải có hình dạng nào, nếu xem nó như một hình phỏng cầu (xpherôit) quay chậm? Vào thời đó trong lòng Trái Đất được coi là có chất lỏng và lửa dựa trên quan sát các hiện tượng núi lửa phun trào từ trong lòng nó ra macma lỏng. Niutơn thu được lời giải là Trái Đất lỏng bị co ở các cực với độ bẹt là 1/230. Nói cách khác, bán kính cực phải nhỏ hơn bán kính xích đạo một đoạn bằng 1/230 bán kính xích đạo. Ơle thì tìm ra độ co (độ bẹt) của Trái Đất bằng 1/234.
Khi đoàn nghiên cứu Laplanđơ trả về, trưởng đoàn Môpectuy đã xử lý số liệu và tính ra kết quả độ co ở cực là 1/178, tức là lớn hơn của Niutơn. Tuy nhiên Clerô hiểu ngay rằng nếu coi lòng Trái Đất đặc hơn thì độ bẹt phải nhỏ hơn, chứ không phải lớn hơn mô hình Niutơn và rõ ràng phải nhỏ hơn kết quả của Môpectuy (trị số hiện nay về dộ bẹt Trái Đất là 1/298,25).
Clerô đã quyết định xây dựng lý thuyết cấu tạo Trái Đất, coi nó là không đồng nhất. Bài toán không phải loại dễ. Cũng như phần lớn các bài toán của cơ học thiên thể, nó không có lời giải chính xác. Phải chấp nhận các giả thiết đơn giản hoá này khác, khai triển các biểu thức có mặt trong công thức thành các chuỗi hội tụ chậm. Cuối cùng, Clerô đã tìm được lời giải và trình bày lý thuyết của mình trong cuốn “Lý thuyết về hình dáng Trái Đất”, ra đời ở Pari Năm 1743.
Quyển sách của Clerô là một tác phẩm vô song cả về khía cạnh các vấn đề sâu sắc và khó khăn mà nó xem xét, cả về khía cạnh phương pháp thuận tiện và dễ dàng mà nhờ đó tác giả đã trình bày một cách hoàn toàn rõ ràng và sáng sủa các vấn đề cao siêu nhất” - đó là nhận xét của Lêôna Ơle, một ngươi phán xét rất nghiêm khắc. Ngày nay, cuốn sách này được coi là kinh điển.
Tuy nhiên, lời giải của Clerô chỉ là bước khởi đầu. Bài toán về hình dáng hành tinh quay sau ông đã có Pie Ximông Laplaxơ, Giuyn Hăngri Poanhcarê và các nhà lý thuyết khác thử đào sâu lời giải. Phương án tốt nhất được nhà bác học Nga Alêcxanđrơ Mikhailôvich Liapunôp (1857 - 1918) đưa ra vào đầu thế kỷ XX. Lời giải bài toán được ông thể hiện dưới dạng một chuỗi các phương trình vi - tích phân liên quan với nhau. Nhưng phương trình của Clerô vẫn là phương trình đầu tiên trong đó.