Hậu quả sinh học của phóng xạ là gì?
Henri Becquerel cũng là người đầu tiên nhận thấy hậu quả sinh học của tính phóng xạ. Sau vài ngày để một ít nguồn rađi trong túi áo gilet, ông đã nhận thấy phần bụng của mình bị bỏng nhẹ. Vì nghi ngờ. Pierre Curie đã lặp lại thí nghiệm và cũng nhận thấy như vậy. Từ năm 1901, các thầy thuốc đã vội cố áp dụng tính phóng xạ để chữa các khối u ung thư bên ngoài, trong số các tổn thương khác. Thành công lớn của những ứng dụng này đã gây ra một loại cảm hứng cuồng nhiệt đối với rađi, dẫn tới nhiều sản phẩm chữa bệnh hoặc làm đẹp. Nhưng vào đầu Thế kỷ XX, hậu quả tiếp xúc còn chưa thấy rõ. Ngày nay không còn như vậy. Các thí nghiệm ở động vật, việc theo dõi những người đã tiếp xúc với chiếu xạ trong y tế, cũng như những người sống sót sau các cuộc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, hoặc cư dân phải chịu tiếp xúc sau thảm họ Tchernobyl là những nguồn thông tin nghiêm túc để xác định hậu quả. Người ta phân biệt hai loại hậu quả sinh học chính: hậu quả tất yếu và hậu quả ngẫu nhiên.
Hậu quả tất yếu là hậu quả mà mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào liều lượng đã hấp thụ. Chúng biểu hiện khi vượt quá một ngưỡng nào đó, tùy theo độ mẫn cảm của các mô tế bào. Liều lượng dưới 0,7 gray không kéo theo một dấu hiệu lâm sàng nào rõ rệt. Ở trên mức này thì hậu quả tăng theo liều lượng. Sự ion hóa các thành phần sống của tế bào khiến tế bào không tránh khỏi việc bị tiêu hủy. Đối với một người, sẽ không có cơ may sống sót nếu liều lượng vượt quá 6 gray. Những dữ liệu này có giá trị trong trường hợp tiếp xúc một lần và toàn bộ. Cũng như giấy hoặc chì hấp thụ các bức xạ theo cách rất khác nhau, từ đó có các cách phòng ngừa khác nhau, các mô sinh học cũng thể hiện khác nhau theo bản chất của chúng.
Hậu quả ngẫu nhiên có ý nghĩa ở quy mô quần thể.Ví dụ, người ta có thể nêu rất nhiều trường hợp bị ung thư tuyến giáp ở những người đã bị nhiễm iot 131 trong thời thơ ấu hoặc thiếu niên sau rủi ro của Tchernobyl. Dưới 200 mSv[1], không một nghiên cứu dịch tễ nào cho thấy dứt khoát số dư ung thư. Ngược lại, trên 500 mSv thì tần số của chúng tăng theo liều lượng nhận được. Chiếu xạ gây ra các đột biến trong hệ gen của tế bào, nếu kết hợp với các đột biến khác dễ xuất hiện theo thời gian, thì có thể tạo ra một loạit ung thư mà người ta gọi là ''do phóng xạ". Cần nhấn mạnh rằng các hậu quả sinh học là như nhau dù đó là phóng xạ nhân tạo hay tự nhiên vì đều thuộc cùng một hiện tượng. Chỉ khác nhau ở chỗ sự tiếp xúc tự nhiên, dù phụ thuộc vào bản chất của đất và độ cao, là không đổi, còn tiếp xúc nhân tạo rất thay đổi: chủ yếu là trong y tế, nó được ước tính là 1,1 mSv mỗi năm, nhưng khác nhau theo từng người tùy theo hoạt động hoặc cách giữ gìn của người đó.