Chiếm đất làm thuộc địa
Những người định cư đầu tiên có nhiều lý do để tìm một mảnh đất quê hương mới. Những tín đồ Thanh giáo ở Massachusetts là những người Anh sùng đạo, muốn thoát khỏi sự ngược đãi về tôn giáo. Những thuộc địa khác, chẳng hạn như Virginia, được thành lập như là một địa điểm kinh doanh. Lòng mộ đạo và lợi nhuận ở đây có liên quan mật thiết với nhau.
Sự thành công của người Anh trong việc thực dân hóa phần đất sau này trở thành Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ một phần lớn là nhờ việc sử dụng các công ty hiến chương. Công ty hiến chương là một nhóm những cổ đông (thường là những nhà buôn và những chủ đất giàu có) đi tìm lợi ích kinh tế, và có thể là cũng muốn xúc tiến cho các mục tiêu quốc gia của nước Anh. Trong khi bộ phận tư nhân bỏ vốn ra tài trợ cho công ty, nhà vua ban cho mỗi dự án kinh doanh một hiến chương hay quyền hạn kinh tế cũng như các quyền hạn về chính trị và pháp lý. Tuy nhiên các thuộc địa không làm ra lợi ích một cách nhanh chóng, nên những nhà đầu tư người Anh đã chuyển giao các hiến chương thuộc địa lại cho những người định cư. Ý nghĩa chính trị của việc này, mặc dù lúc đó chưa được nhận ra, là rất lớn lao. Những người định cư đã ở lại để xây dựng cuộc sống riêng tư của họ, những cộng đồng của họ và nền kinh tế của họ - thực tế là xây dựng cơ sở ban đầu cho một quốc gia mới.
Sự thịnh vượng thuở ban sơ của thuộc địa là kết quả của việc bẫy thú và mua bán lông thú. Ngoài ra, nghề đánh cá cũng là một nguồn chủ yếu của sự phát đạt ở Massachusetts. Tuy nhiên, trong khắp các vùng thuộc địa, người ta sống chủ yếu bằng những nông trại nhỏ và nền kinh tế tự cung tự cấp. Ở một số thành phố nhỏ và ở các nông trại lớn tại Bắc Carolina, Nam Carolina và Virginia, một số nhu yếu phẩm và tất cả những mặt hàng xa xí phẩm được nhập khẩu để đổi lại với việc xuất khẩu thuốc lá, gạo và bột chàm.
Các ngành công nghiệp phát triển khi các thuộc địa tăng trưởng. Nhiều nhà máy cưa và nhà máy xay bột xuất hiện. Những người định cư cũng thành lập những xưởng đóng tàu để đóng các tàu đánh cá và sau đó là tàu mậu dịch. Họ cũng xây dựng những nhà máy luyện kim nhỏ. Đến thế kỷ thứ 18, các mô hình phát triển của từng địa phương đã trở nên rõ rệt: các thuộc địa New England dựa vào nghề đóng tàu và đi biển để tạo lợi nhuận; các đồn điền ở Maryland, Virginia và Carolina trồng thuốc lá, lúa và cây chàm; và những thuộc địa New York, Pennsylvania, New Jersey và Delaware chuyên nghề chuyên chở các loại hoa màu và lông thú. Trừ những người nô lệ, tiêu chuẩn sống đã tương đối cao - thực tế là cao hơn cả chính nước Anh. Vì những nhà đầu tư người Anh đã rút lui, môi trường mới này được mở ra cho những doanh nhân định cư.
Đến năm 1770, các thuộc địa Bắc Mỹ đã sẵn sàng cả về mặt kinh tế lẫn chính trị để hình thành một phong trào tự trị. Những cuộc tranh chấp đã nổ ra với chính quyền Anh về vấn đề thuế và nhiều vấn đề khác. Người Mỹ hy vọng một sự sửa đổi về thuế của người Anh sẽ làm thỏa mãn nhu cầu tự trị của họ.
Giống như những rối loạn chính trị ở Anh vào thế kỷ 17 và 18, cuộc Cách mạng Mỹ (1775- 1783) có cả tính chất chính trị lẫn kinh tế, được giai cấp trung lưu ủng hộ. Cuộc chiến tranh được khơi ngòi bởi một sự kiện năm 1775. Những binh lính Anh, với ý đồ chiếm một kho quân nhu của người định cư tại Concord, Massachusetts, đã đụng độ với quân đội của những người định cư. Một người nào đó đã bắn một phát súng, và tám năm chiến đấu bắt đầu. Trong khi việc tách rời khỏi nước Anh có thể không phải là mục tiêu nguyên thủy của những người định cư, sự độc lập và hình thành một quốc gia mới - Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ - lại là kết quả sau cùng.
NỀN KINH TẾ CỦA ĐẤT NƯỚC MỚI
Hiến pháp của Hoa Kỳ, được thông qua năm 1787 và có hiệu lực cho đến ngày nay, về nhiều mặt là một sáng tạo độc đáo. Như là một hiến chương về kinh tế, bản hiến pháp này xác định rằng toàn bộ đất nước - kéo dài từ Maine đến Georgia, từ Đại Tây Dương đến thung lũng Mississippi – là thống nhất, hay là một “thị trường chung”. Sẽ không có thuế đánh vào việc thương mại giữa các bang. Hiến pháp này cũng xác định rằng chính quyền liên bang có thể điều hành thương mại với nước ngoài và trong nội bộ các bang, hình thành những luật lệ thống nhất về phá sản, in ra tiền và điều chỉnh giá trị của chúng, định ra các chuẩn mực về trọng lượng và đo lường, thiết lập các bưu cục, làm đường sá và định ra các luật lệ về quyền sáng chế và bản quyền. Điều khoản cuối cùng là một sự nhận thức sớm sủa về tầm trọng của “sở hữu trí tuệ”, một vấn đề rất quan trọng trong các giao dịch về mậu dịch vào cuối thế kỷ 20.
Alexander Hamilton, một trong những người khai sáng ra đất nước và là bộ trưởng tài chính đầu tiên, đã chủ trương một chiến lược phát triển kinh tế theo đó chính quyền liên bang sẽ nuôi dưỡng nền công nghiệp còn non trẻ bằng cách trợ cấp và đặt ra các loại thuế nhập khẩu để bảo hộ công nghiệp trong nước. Ông cũng thúc giục chính quyền liên bang thành lập một ngân hàng quốc gia và gánh chịu những khoản nợ của các thuộc địa trong thời kỳ của cuộc chiến tranh Cách mạng. Chính quyền mới đã dây dưa với một số đề xuất của Hamilton, nhưng thực hiện ngay các loại thuế nhập khẩu như là một chính sách đối ngoại của Mỹ.
Mặc dù những nông dân Mỹ của thời kỳ sơ khai e ngại rằng một ngân hàng quốc gia sẽ phục vụ cho người giàu bằng công sức của người nghèo, Ngân hàng Quốc gia đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đã ra đời năm 1791. Ngân hàng này tồn tại cho đến năm 1811, sau đó được thay thế bởi một ngân hàng khác.
Hamilton tin rằng nước Mỹ nên theo đuổi sự tăng tưởng kinh tế qua các hoạt động đa dạng về vận chuyển, sản xuất và ngân hàng. Đối thủ chính trị của Hamilton, Thomas Jefferson, dựa trên triết lý bảo vệ công dân của mình trước sự chuyên chế về chính trị và kinh tế. Ông đặc biệt ca ngợi những nông dân là “những công dân quí giá nhất”. Năm 1801, Jefferson trở thành tổng thống và xoay qua xúc tiến một nền dân chủ nông nghiệp và phân quyền.
DI CHUYỂN VỀ HƯỚNG NAM VÀ HƯỚNG TÂY
Bông vải, lúc đầu chỉ là một loài cây trồng ở qui mô nhỏ tại miền Nam, đã bùng nổ khi Eli Whitney phát minh ra máy tỉa hột bông vào năm 1793. Đây là một loại máy tách các sợi bông ra khỏi hạt và các chất thải khác. Những nhà trồng tỉa ở miền Nam đã mua lại đất của các nông dân, những người thường xuyên di chuyển về phía Tây. Chẳng bao lâu những đồn điền lớn, có các lao động nô lệ, đã làm giàu cho nhiều gia đình tại đây.
Tuy nhiên không phải chỉ có những người ở miền Nam là di chuyển về phía Tây. Đôi khi có nguyên cả một làng ở miền Đông đã dọn đi hẳn để đến định cư ở vùng trang trại màu mỡ hơn tại vùng Trung Tây. Trong khi những người định cư ở miền Tây vẫn được mô tả là có ý thức độc lập mãnh liệt và phản đối dữ dội đối với bất kỳ sự kiểm soát hay can thiệp nào của chính quyền, họ lại nhận rất nhiều sự giúp đỡ của chính quyền, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Những đường bộ và đường thủy do chính quyền xây dựng, chẳng hạn như đỉnh Cumberland hay kênh đào Erie đã giúp những người định cư mới đến đưa sản phẩm của họ ra thị trường.
Rất nhiều người Mỹ, cả nghèo lẫn giàu, đã tôn sùng Andrew Jackson, người đã trở thành tổng thống năm 1829, bởi vì ông đã xuất thân từ một căn lều gỗ ở vùng biên giới đất nước. Tổng thống Jackson (1829- 1937) đã phản đối ngân hàng thay thế cho Ngân hàng Quốc gia của Hamilton, vì ông cho rằng nó ủng hộ cho quyền lợi của người miền Đông và bất lợi cho người miền Tây. Khi được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai, ông đã phản đối việc gia hạn hiến chương cho ngân hàng này và quốc hội đã ủng hộ ông. Hành động này đã làm lung lay lòng tin của hệ thống tài chính quốc gia, và những cuộc khủng hoảng về kinh doanh đã xảy ra vào năm 1834 và 1837.
Những trục trặc về kinh tế xảy định kỳ đã không làm hủy hoại sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong thế kỷ 19. Những phát minh mới và sự đầu tư tư bản đã dẫn tới việc hình thành một nền công nghiệp mới và sự tăng trưởng về kinh tế. Khi giao thông cải tiên, những thị trường mới tiếp tục được mở ra. Tàu thủy đã làm cho việc giao thông đường sông nhanh hơn và rẻ hơn, nhưng sự phát triển của đường sắt còn có tác động lớn hơn nữa, mở ra những vùng rộng lớn cho sự phát triển. Giống như các kênh đào và đường bộ, đường sắt nhận được sự hỗ trợ rất lớn của chính quyền trong những ngày xây dựng đầu tiên dưới dạng đất đai cấp phát. Nhưng không giống như những phương tiện giao thông khác, đường sắt còn thu hút được một lượng lớn sự đầu tư của tư nhân từ phía người Âu và nội địa.
Trong những ngày đầu tiên này có nhan nhản những kế hoạch làm giàu. Những sự vận động về tài chính đã tạo ra những vận may một cách nhanh chóng, nhưng có nhiều người thì lại mất hết tài sản. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa một tầm nhìn rộng với sự đầu tư của nước ngoài, cùng với việc phát hiện ra vàng và sự giàu có của nhà nước và nhân dân đã thúc đẩy đất nước này phát triển một hệ thống đường sắt ở qui mô lớn, làm nền tảng cho việc công nghiệp hóa đất nước.