Tài liệu: Hoa Kỳ - Một số vùng địa lý quan trọng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Megalopolis là một bán đảo nhô ra Đại Tây Dương, với những hòn đảo nằm rải rác, một số đủ lớn cho con người cư ngụ. Các vịnh và các cửa sông ở đây giúp cho việc giao thông
Hoa Kỳ - Một số vùng địa lý quan trọng

Nội dung

Một số vùng địa lý quan trọng

Megalopolis

Megalopolis là một bán đảo nhô ra Đại Tây Dương, với những hòn đảo nằm rải rác, một số đủ lớn cho con người cư ngụ. Các vịnh và các cửa sông ở đây giúp cho việc giao thông được thuận lợi hơn những vùng bờ biển thẳng. Megalopolis có những hải cảng thiên nhiên tốt nhất ở Mỹ. Nửa phía Bắc của vùng này trước kia bị bao phủ bởi băng giá của những dòng sông băng gần đây nhất. Khi băng tan đi, những con sông lớn được hình thành. Khi nước biển dâng lên, những thung lũng thấp bị ngập nước, tạo thành những cửa sông, và ranh giới của biển được dời vào phía trong nội địa. Những thung lũng sông băng này hình thành một số hải cảng sau này có ích cho sự phát triển của Megalopolis.

Một sự đóng góp của thời kỳ băng hà là một lượng lớn đất, đá và những mảnh vụn khác lắng đọng thành băng tích khi băng giá tan đi. Những băng tích này phát triển thành một hòn đảo khi nước biển dâng cao, và được bồi thêm bởi nước biển. Hòn đảo này gọi là đảo Long.

Vòng cung phía Đông

Nhiều khu vực trong vùng này rất đẹp. Rặng Presidential trong dãy núi White của New Hamsphire có địa hình lởm chởm nhất trong vùng miền Đông nước Mỹ. Hầu hết vùng này là một phần của khu vực mở rộng của cao nguyên Appalachia. Một vùng cao nguyên rộng lớn bao phủ hầu hết vùng New England. Vùng cao nguyên này rất lâu đời về mặt địa lý và đã bị bào mòn bởi nước và băng. Kết quả là những đỉnh cao nhất ở vùng này ít khi cao quá 1.500 mét. Chỉ ở những nơi có độ cao trên lớp băng di chuyển người ta mới tìm thấy những ngọn núi lởm chởm.

Hai khu vực núi chính của vùng phía Bắc New England là khu núi Green ở Vermont và khu núi White ở New Hampshire. Khu núi Green có độ cao thấp hơn, với chỗ cao nhất dưới 1.500 mét và các đỉnh núi đều tròn. Trong khi ở khu núi White, đỉnh cao nhất tới 1.900 mét và các sườn núi đều lởm chởm và dốc đứng.

Vùng Vòng cung phía Đông là nơi gặp gỡ của các hệ thống thời tiết vùng cực, vùng lục địa và vùng biển. Kết quả là vùng này hiếm khi nóng nực, trời thường lạnh và ẩm ướt. Dòng Labrodor chảy về phía Nam dọc theo vùng này thì lạnh. Ngay cả vào cuối mùa Hạ, chỉ những tay bơi gan dạ nhất mới dám ngâm mình lâu trong nước. Nhiệt độ trung bình vào giữa mùa Đông từ 30C đến 60C. Trái lại nhiệt độ vào giữa mùa Hạ thường cao hơn vùng nội địa. Vào mùa này biển thường đưa mây vào sương mù vào làm cho nhiệt độ ở đây thấp đi. Nơi này rất khó trồng các hoại hoa màu cần đến nhiệt độ và ánh sáng mùa Hạ.

Hầu như tất cả các khu vực ở đây đều nhận được một lượng mưa đáng kể hàng năm, từ 100cm đến 150 cm. Lượng mưa này thường phân bố đều quanh năm. Lượng tuyết ở đây cũng đáng kể, với hầu hết các nơi nhận một lượng ẩm từ 25 đến 50% dưới dạng tuyết. Hầu hết các khu vực nội địa có lượng tuyết trung bình hàng năm ít nhất là 250 cm.

Appalachia và vùng Ozarks

Appalachia bao gồm ít nhất ba khu vực địa văn khác nhau. Những khu vực này sắp xếp thành các vành đai nằm song song theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Vành đai phía Đông là dãy Blue. Được hình thành bởi các loại đá thời tiền sử, khu vực này đã bị bào mòn nhiều, và những chỗ cao nhất hiện nay chỉ còn là một phần của những đỉnh cao trước kia. Dãy Blue chạy dài từ Bắc đến Nam. Ở phía Nam, đặc biệt là khu vực Nam Roanoke, Virginia, là khu vực nhiều rừng núi nhất của vùng Appalachia.

Về phía Tây của dãy Blue là một phần của khu vực mở rộng về đá trầm tích nằm ở giữa dãy Blue và dãy Rocky. Dãy Blue và các khu vực thung lũng có chiều rộng trung bình 80 km. Những chỗ đứt đoạn trong dãy núi này thường do những con sông cắt ngang. Các thung lũng ở đây có chiều rộng khoảng vài cây số, tạo thành những khu vực trồng trọt tốt nhất ở vùng Appalachia. Rặng núi ở khu vực này bao gồm chủ yếu đá phiến sét và sa thạch, và những thung lũng được bao phủ bởi đá vôi.

Phần cực Tây của vùng Appalachia là cao nguyên Appalachia. Địa hình của khu vực này được tạo thành chủ yếu là do sự bào mòn của các sông suối trên các thềm nằm ngang của vùng đất thấp nội địa. Sự bào mòn đã tạo ra một địa hình gồ ghề lởm chởm, với những thung lũng hẹp bao quanh bởi các viền dốc đứng. Khu vực phía Bắc cao nguyên Allegheny ở New York và Pennsylvania có địa hình tròn trịa, thoai thoải.

Vùng cao nguyên Ozarks-Ouachita có cấu tạo địa hình tương tự như vùng Appalachia, với các “thớ” chạy theo hướng Đông-Tây thay vì hướng Bắc-Nam. Dãy núi Ouachita chạy về hướng Nam phô bày một loạt những nếp gấp và các thung lũng chạy song song với nhau. Chúng được ngăn cách với vùng Ozarks bởi thung lũng của sông Arkansas. Vùng Ozarks là những cao nguyên không đều, bị xói mòn, rất giống với khu vực cao nguyên Appalachia.

Vùng Bờ biển Phía Nam

Trong số những yếu tố hình thành môi trường vật lý của vùng bờ biển phía Nam, khí hậu có tác động lớn nhất đến mặt địa lý nhân văn của vùng này. Một khí hậu cận nhiệt đới, một mùa Đông dịu dàng và một mùa Hạ ấm áp, ẩm ướt, tất cả đều góp phần vào những hoạt động của con người gắn liền với khu vực này.

Ở Mỹ chỉ có vùng phía Nam California, vùng Tây Nam Arizona và vùng Hawaii là độ dài trung bình của mùa trồng tỉa ngang với độ dài ở vùng bờ biển phía Nam. Tính từ ngày sương giá cuối cùng của mùa Xuân đến ngày sương giá đầu tiên của mùa Thu, hầu như cả vùng này đều có 9 tháng để các loại hoa màu nông nghiệp có thể phát triển. Ngoài ra, cả vùng này nhận được một lượng mưa đầy đủ cho các hoạt động nông nghiệp - trung bình từ 125 cm trở lên.

Ngoài các yếu tố như đất đai màu mỡ, lượng nước tưới tiêu phù hợp, các nông dân còn có thể trồng tỉa cho đến cuối mùa Thu mà không sợ sương giá. Ở một số nơi thậm chí người ta có thể trồng được hai vụ trong một mùa trồng tỉa. Một điều quan trọng hơn nữa là ở đây người ta có thể trồng những loại hoa màu đặc biệt mà chỉ một số ít nơi ở Mỹ có thể trồng được.

Các giống cam quít đã đóng góp nhiều cho nền kinh tế của bang Florida. Nho cũng là sản phẩm chính của bang này. Ở Texas, cam và nho được trồng nhiều ở khu vực cực Nam. Mía là loại cây không chịu được sương giá và cần một lượng mưa đầy đủ. Một lượng mía lớn được trồng ở bang Louisiana và bang Texas. Ở hai bang này lúa cũng được trồng đại trà. Rau xanh cũng là sản phẩm của bang Florida và những bang khác ở vùng Vịnh Mexico. Trâu bò ở Florida cũng đóng góp nhiều cho kinh tế của bang này.

Mặc dù khí hậu của vùng này thuận lợi cho nông nghiệp, điều kiện và chất lượng đất lại khác nhau tùy theo từng khu vực. Đất ở đây thay đổi từ loại đất màu mở nhưng ít được tiêu nước của khu vực Louisiana và vùng châu thổ sông Mississippi cho đến loại đất chứa rất nhiều cát ở khu vực trung tâm và phía Bắc Florida. Các khu vực ở bờ biển của Florida và khu vực Everglades là một vùng đất màu mỡ lầy lội hoặc đất cát ít tiêu nước, trong khi đó vùng bờ biển Texas, Georgia và Nam Carolina có đất đầm lầy hoặc đất cát. Những khu vực đất màu ở Louisiana cho năng suất rất cao, đặc biệt là với mía và lúa, nếu như được tiêu nước đúng mức.

Vùng Đồng bằng và Thảo nguyên Great

Địa hình và thực vật ở vùng đồng cỏ này thuộc loại ít thay đổi nhất nước Mỹ. Độ cao ở đây thay đổi dần dần từ Đông sang Tây, đến mức không thể cảm nhận được. Ở mép phía Đông, độ cao là 500 mét, và mép phía Tây tại Denver, Colorado có độ cao 1.500 mét. Khu vực lớn nhất của vùng đồng bằng Great là đồng bằng High, kéo dài từ mép phía Tây của vùng này tại phía Nam Texas đến phía Nam Nebarska. Được bao phủ bởi một lớp trầm tích thường chứa nhiều cát và rất xốp, khu vực này nhìn chung là bằng phẳng.

Không phải tất cả các khu vực của vùng này đều ít thay đổi về mặt địa hình. Khu vực khác biệt nhất là vùng đồi Black ở Nam Dakota và Wyoming. Là một khu vực có những đỉnh tròn dạng vòm từ đá núi lửa bị bào mòn, vùng đồi Black có quan hệ về cả mặt địa chất lẫn địa hình với rặng núi Rocky. Ở vùng trung tâm và phía Tây Bắc Nebraka, vùng đồi Sand là một khu vực đầy những đụn cát bao phủ bởi cỏ, nhiều đụn cao tới 30 mét. Phía Bắc sông Missouri và phía Tây của vùng lòng chảo hồ Agassiz là cao nguyên Missouri, được bao phủ bởi các hồ nước, băng tích và các đặc điểm khác của sông băng.

Mặc dù hoạt động nông nghiệp đã phá hủy phần lớn thảm thực vật nguyên thủy tại đây, khu vực phía Đông trước đây là một thảo nguyên liên tục với cỏ mọc cao từ 30 cm đến 1 mét. Rễ cỏ ở đây mọc sâu và rất rối, gây khó khăn cho việc cày bừa. Những người dân định cư đầu tiên ở đây đã phải cày cỏ lên với sức kéo của 20 con bò cùng một lúc. Những tảng cỏ thảo nguyên có thể được cắt thành những “viên gạch” dùng để làm nhà ở trong thời kỳ đầu người Âu đến đây định cư.

Khí hậu ở đây ấm áp và ẩm ướt. Lượng mưa trung bình hàng năm thay đổi từ 105 cm ở vùng Đông Nam đến 40 cm ở vùng Tây Nam. Một phần của lượng mưa này đổ xuống dưới dạng những cơn bão lớn vào mùa Xuân và mùa Hạ. Mưa đá thỉnh thoảng đi sau những cơn bão này. Những hạt mưa đá đôi khi có đường kính tới hơn 5 cm đã phá hủy các cánh đồng lúa  tại đây. Phần lớn vùng phía Nam và phía Tây trung tâm của vùng đồng bằng này chịu những cơn mưa đá thường xuyên, trong đó khu vực Tây Nebraska và Đông Nam Wyoming dẫn đầu về mức độ thường xuyên của mưa đá.

Bão táp, với tốc độ gió trên 350 km/giờ là một đặc điểm khác của vùng đồng bằng Great. Mặc dù diện tích chịu ảnh hưởng của một cơn bão táp thường là nhỏ, nhưng việc bão táp xuất hiện thường xuyên ở khu vực trung tâm của vùng đồng bằng này đã trở thành một mối nguy hiểm cho vùng này.

Bão tuyết cũng là một yếu tố tàn phá về thời tiết của vùng đồng bằng này. Bão tuyết xuất hiện vào mùa Đông, khi một luồng không khí rất lạnh từ vùng cực thổi về phía Nam dọc theo dãy núi Rocky. Gió mạnh, nhiệt độ lạnh buốt và một lượng tuyết lớn đổ xuống là những đặc điểm của một cơn bão tuyết. Cơn bão tuyết này có thể kéo dài vài ngày và mang theo một nửa lượng tuyết trung bình của cả mùa Đông.

California

Bờ biển California được viền bởi những dãy núi dài chạy theo hướng Tây Bắc. Những dãy núi này gọi chung là dãy Coast. Vùng động đất của California cũng chạy theo hướng Tây Bắc của những dãy núi này. Những trận động đất nhỏ rất phổ biến ở nhiều khu vực của vùng này, đặc biệt là ở khu vực từ vịnh Francisco về phía Nam tới gần Bakersfield và khu vực từ Los Angeles về phía Đông Nam qua thung lũng Imperial.

Phía Đông của dãy núi Coast là thung lũng Central. Đây là một thung lũng lớn và cực kỳ bằng phẳng, chạy dài 650km từ Bắc xuống Nam và chiều rộng gần 150 km. Thung lũng Central trước kia là phần kéo dài của Thái Bình Dương, đã để lại nhiều trầm tích có ích cho việc trồng tỉa nông nghiệp. Ở phía Đông của thung lũng Central là dãy núi Sierra Nevada với sườn phía Đông dốc hơn hẳn so với sườn phía Tây.

Phần lớn khu vực phía Bắc của vùng California là rừng núi. Khu vực cao nguyên ở trung tâm, về phía Bắc của thung lũng Central, có hai ngọn núi lửa lớn, núi Lassen và núi Shasta. Về phía Đông Nam của thung lũng là một vùng đất tương đối bằng phẳng.

Sự đa dạng về thực vật của vùng California cũng tương tự như sự đa dạng về địa hình. Luồng không khí ẩm ướt thổi về phía Nam thường thổi vào bờ biển phía Tây của Mexico. Sự thay đổi lớn về lượng mưa theo hướng Bắc-Nam là kết quả của những luồng gió này, với lượng mưa trung bình ở phía Bắc lớn hơn nhiều so với phía Nam. Vào mùa Hạ, miền Nam California thường phải chịu một thời gian dài không có mưa. Nạn cháy rừng cũng xảy ra thường xuyên vào cuối mùa Hạ và mùa Thu, kéo dài cho đến cuối mùa khô.

Bờ biển phía Bắc của San Francisco có khí hậu ít thay đổi, với lượng mưa nhiều quanh năm. Khu vực thung lũng Central thường khô hơn nhiều so với những khu vực ven biển của bang này. Sự khác biệt về nhiệt độ vào mùa Hạ giữa khu vực bờ biển và khu vực nội địa ở cùng một vĩ độ là rất lớn. Nhiệt độ trung bình vào tháng 7 ở San Luis Obispo là 180C, trong khi đó nhiệt độ ở Bakersfield cao hơn gần 120C. Nhiệt độ ban ngày ở San Francisco vào cuối mùa Hạ thường dưới 270C trong khi đó ở Stockton, chỉ cách 100 km về phía Đông, trời oi ả với nhiệt độ trên 380C.

Về phía nội địa của dãy núi Coast và khu vực Sierra Nevada ở phía Đông Nam California là một khu vực thảo nguyên khô hạn hoặc môi trường sa mạc. Vùng nội địa phía Đông Nam của California nhận một lượng mưa trung bình hàng năm dưới 20 cm.

Thảm thực vật cũng đi đôi với sự khác biệt về khí hậu của bang. Hầu như tất cả vùng đất thấp phía Nam California và khu vực phía Đông của các dãy núi Sierra Nevada-Cascade được bao phủ bởi những loại thảo mộc sa mạc và bán sa mạc. Khu vực thung lũng Central và những thung lũng ở phía Nam dãy Coast có lượng mưa khá hơn, được bao phủ bởi các loại cỏ thảo nguyên. Còn ở chung quanh thung lũng Central khu vực dọc bờ biển từ Santa Barbara đến vịnh Monterey là những khu rừng cây hỗn hợp gồm sồi và thông. Khu vực bờ biển từ vịnh Monterey đi về phía Bắc là nơi sinh trưởng của cây tùng bách, loại cây lớn nhất thế giới. Ở các vùng cao của dãy Coast và Sierra Nevada là những rừng tạp của thông và linh sam, và cao hơn nữa trong khu vực Sierra. Nevada là các rừng độc cần và linh sam, và có cả cây củ tùng.

Vùng Bờ biển Bắc Thái Bình Dương

Vùng này lệ thuộc chủ yếu vào ảnh hưởng của biển và núi đồi lởm chởm. Lượng mưa ở đây cao, và thực vật cũng có liên quan với lượng hơi ẩm lớn của vùng bờ biển, nhưng chỉ một khoảng cách ngắn đã khác nhau vì ảnh hưởng của những ngọn núi xung quanh.

Lượng mưa lớn nhất ở nước Mỹ được tìm thấy ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương. Lượng mưa trên 190cm là phổ biến, và sườn phía Tây của dãy núi Olympic ở phía Tây Bắc Washington có lượng mưa gấp đôi con số đó. Phía Bắc Thái Bình Dương là nơi có những luồng không khí mang nhiều hơi ẩm. Lượng mưa vào mùa Đông ở khắp nơi trong vùng này luôn cao hơn vào mùa Hạ. Bờ biển phía Nam Oregon và phía Bắc California chỉ có lượng mưa dưới 10cm vào mùa Hạ, chiếm chỉ một phần mười lượng mưa vào mùa Đông.

Tuy nhiên có một số khu vực có lượng mưa thấp. Một phần của vùng ranh giới Puget Sound ở Washington chỉ có lượng mưa bình quân hàng năm dưới 60cm. Ở đây ít có bão lượng mưa đổ vào thường dưới dạng những cơn mưa đều và nhẹ giống như sương mù. Núi Rainier ở Washington có độ cao 4.390 mét, lượng mưa vào mùa Đông ở núi này thường dưới dạng tuyết, làm cho khu vực này trở thành nơi có nhiều tuyết nhất nước. Hầu hết khu vực phía Đông Washington có lượng mưa trung bình hàng năm chỉ dưới 30 cm.

Ngoài lượng mưa, vị trí gần biển của vùng này còn cho nhiệt độ ôn hòa. Mùa Hạ thường mát, mùa Đông thì ấm áp. Núi McKinley ở phía cực Bắc của vùng này cao đến 6.200 mét, là đỉnh núi cao nhất nước Mỹ. Còn những đỉnh của dãy Coast ở khu vực Oregon có độ cao khoảng 1.200 mét.  Ở khu  vực Washington nó bị đứt đoạn với một số dòng sông cắt ngang. Ở đây độ cao của dãy Coast ít khi quá 300 mét.

Phần phía Nam của dãy núi Klamath là một cao nguyên bị xói mòn với những đỉnh núi lửa. Khu vực phía Bắc Cascades có địa thế lởm chởm và đã từ lâu làm rào cản cho việc giao thông từ vùng đất thấp đông dân ở Puget Sound. Ở đây, những ngọn núi lửa, trong đó nổi bật nhất là núi Rainier, chiếm những độ cao lớn nhất.

Phía sau doi đất Alaska và dãy núi đồ sộ St. Elias bị bao phủ bởi sông băng, những ngọn núi bị chia ra ở phía Nam Alaska. Dãy núi Coast có độ cao thấp dần từ Đông sang Tây. Những núi trong nội địa, như dãy Alaska, thì cao hơn nhiều và kéo dài liên tục hơn.

Vùng Northlands

Nếu người Mỹ được yêu cầu mô tả về vùng Northlands, “lạnh giá” là tính từ phổ biến nhất họ dùng cho vùng này. Nhiệt độ trung bình vào tháng Giêng biến thiên từ - 70C ở dọc theo mép khu hồ Great cho đến - 400C ở một số khu vực tại Alaska. Nhiệt độ cũng có thể xuống tới - 600C.

Không những nhiệt độ về mùa Đông rất thấp mà mùa Đông còn kéo dài. Khoảng thời gian trung bình từ ngày sương giá cuối cùng của mùa Xuân cho đến ngày sương giá đầu tiên của mùa Thu chỉ có 135 ngày. Mùa Hạ thường ngắn và mát mẻ. Ở mọi nơi trên vòng Bắc cực có ít nhất một ngày tối đen không có mặt trời vào mùa Đông, và ít nhất một ngày mặt trời không lặn vào mùa Hạ.

Lượng mưa thay đổi tùy theo từng khu vực. Ở những đỉnh núi cao nhất khu vực Đông Nam, những cơn bão vào cả mùa Hạ lẫn mùa Đông đổ xuống một lượng mưa trên 100 cm. Lượng mưa ở vùng nội địa phía Bắc thấp hơn hẳn. Lượng nước bốc hơi ở đây cũng thấp, do khí hậu lạnh và tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu. Tầng đất này dày đến 100 mét và đôi khi đền trên 300 mét.

Vùng Hawaii

Hawaii nằm ở vùng trung tâm Thái Bình Dương. Trong vòng mấy thế kỷ trước, đây còn là một mảnh đất cô lập hoang vu. Nhưng khi các nước trong vùng lòng chảo Thái Bình Dương bắt đầu giao tiếp ngày càng nhiều với nhau, vùng đất này đã trở thành một trung tâm giao lưu quan trọng.

Dãy đảo Hawaii chỉ là một loạt những núi lửa đồ sộ. Vùng đất này hình thành do dung nham phủ hết lớp nọ lên lớp kia. Các núi lửa ở đây có đỉnh tròn dạng vòm với các sườn núi thoai thoải. Vài ngọn núi lửa trên đảo Big vẫn còn hoạt động. Ngọn Mauna Loa phun dung nham bình quân cứ 4 năm một lần, và hoạt động núi lửa này đe dọa thường xuyên đến Hilo, thị trấn lớn nhất của đảo. Năm 1950, một trận phun lửa đã bao phủ một diện tích 100 km2. Ngọn Kiluea thì có chu kỳ hoạt động khoảng 7 năm.

Hawaii là một bang của những sườn núi lởm chởm và cao thay đổi đột ngột. Những vách đá ở biển của khu vực Molokai cao đến 1.150 mét, thuộc hàng cao nhất thế giới. Có những hẻm núi sâu đến 800 mét so với vùng đất chung quanh. Những ngọn thác cao vài trăm mét là phổ biến ở vùng này.

Vị trí ở biển của Hawaii có tác động rõ rệt đến khí hậu ở đây. Nhiệt độ cao nhất ở Honolulu là 310C, trong khi nhiệt độ thấp nhất là 130C. Vào mùa Hạ có những ngọn gió thổi  hướng Đông Bắc làm cho khí hậu ở đây có đặc điểm là nhiều gió, có nắng, ấm nhưng không nóng. Vào mùa Đông có những trận bão làm cho Honolulu nhận một lượng mưa đến 43 cm chỉ trong vòng 24 giờ. Các trạm khí tượng ở đây đã ghi nhận kỷ lục 28 cm mưa chỉ trong vòng một giờ, và 100 cm mưa trong vòng một ngày, cả hai con số này đều nằm gần mức kỷ lục thế giới.

Địa hình của vùng Hawaii tạo ra một sự khác biệt lớn về lượng mưa giữa các vị trí khác nhau. Núi Waialeale nhận một lượng mưa đến 1.234 cm hàng năm, làm cho nó trở thành một trong những nơi ẩm ướt nhất trên thế giới. Trong khi đó ở Waimea chỉ nhận một lượng mưa khoảng 50 cm. Nhưng hai điểm này chỉ cách nhau 25 km!

Hầu hết đất núi lửa đều thấm nước dễ dàng. Điều này làm cho nước thấm nhanh qua khỏi tầng hút của cây cối. Do đó nhiều khu vực có lượng mưa trung bình hoặc thấp đều trở nên khô cằn. Sự cô lập của khu đảo Hawaii, cùng với khí hậu ôn hòa và sự đa dạng về môi trường đã tạo nên một cộng đồng cây cối và chim muông rất đa dạng. Ở đây có vài ngàn loài cây bản xứ mà người ta không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nâu khác. Có 66 loài chim đặc hữu của Hawaii đã được ghi nhận. Điều thú vị là ở đây không hề có động vật có vú trước khi con người đặt chân đến.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2254-02-633495555606406250/Dia-ly/Mot-so-vung-dia-ly-quan-trong.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận