Tài liệu: Hoa Kỳ - Địa hình

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Những đặc điểm về địa hình của Mỹ có khuynh hướng trải dài theo hướng Bắc-Nam. Đất nước này là một vùng đất rộng lớn kéo dài từ vịnh Mexico cho đến biên giới Canada và
Hoa Kỳ - Địa hình

Nội dung

Địa hình

Những đặc điểm về địa hình của Mỹ có khuynh hướng trải dài theo hướng Bắc-Nam. Đất nước này là một vùng đất rộng lớn kéo dài từ vịnh Mexico cho đến biên giới Canada và tiếp tục chạy đến Alaska. Các nhà địa lý học đã chia vùng đất bằng phẳng với những ngọn đồi trập trùng này thành ba khu vực địa hình: vùng đồng bằng Đại Tây Dương và bờ biển vịnh Mexico, vùng đất thấp trong nội địa, và vùng Tấm chắn Canada.

Vùng đồng bằng Đại Tây Dương và bờ biển vịnh Mexico trải dài về phía Bắc dọc theo bờ biển phía Đông của Mỹ cho đến ranh giới New England. Dưới vùng này là những tầng đá trầm tích trẻ, mềm và dễ bị xói mòn, được hình thành từ thời kỳ địa lý gần đây, khi những vùng biển nông dâng lên và rút xuống liên tục trên vùng đất này. Vùng đồng bằng thấp này mở rộng ra cả phía dưới đáy biển để hình thành thềm lục địa, có nhiều nơi nhô ra đến 400 km ngoài bờ biển.

Về phía Bắc là vùng đất thấp nội địa, mặc dù có nhiều đồi hơn vùng ven biển, nhưng hầu như không có những địa thế gồ ghề. Vùng này giống như cái đĩa úp ngược, cao lên ở rìa và được bao phủ bởi những tầng sâu của đá trầm tích. Những tầng đá trầm tích này đa số bằng phẳng; trong đó những sự đa dạng về địa hình là kết quả của sự xói mòn cục bộ, hoặc như ở miền Bắc, là kết quả của những mảnh băng trầm tích trong thời kỳ băng hà.

Cấu trúc địa lý của vùng đồng bằng Great khác đôi chút với cấu trúc của vùng đồng bằng nội địa. Những tầng trầm tích chiếm đa số ở đây, mặc dù ở phía Bắc chúng bị ngắt đoạn bởi một số đỉnh đồi tròn bị xói mòn, nổi bật nhất là khu đồi Black ở phía Tây của khu vực Nam Dakota. Mặc dù những tầng trầm tích này hầu như bằng phẳng, chúng hơi nghiêng xuống phía dưới theo hướng Tây, đến một vùng trũng ở chân dãy núi Rocky, nơi tọa lạc của những thành phố vùng Colorado là Denver và Colorado Springs.

Đặc điểm của khu vực đất thấp nội địa bao la này đã có những ảnh hưởng quan trọng về lịch sử kinh tế và định cư của Mỹ. Ngoài những tiềm năng to lớn về nông nghiệp mà khu vực này ưu đãi cho con người, một nửa diện tích của đất nước có thể đi qua mà không gặp một cản trở nào về địa hình. Điều này tạo thuận lợi cho việc kết hợp giữa khu vực này với vùng Viễn Tây trong lòng lưới kinh tế của cả nước. Gần như toàn bộ vùng đất thấp nội địa được tưới tiêu bởi sông Mississippi hoặc những sông nhánh của nó. Mô hình tưới tiêu này hỗ trợ cho việc kết hợp về địa phương của vùng đất phía Tây rặng núi Applachia bằng cách tạo ra những trung tâm về giao thông và kinh tế.

Về phía Bắc và phía Đông Bắc của vùng đất thấp trung tâm là vùng Tấm chắn Canada, nơi những tảng đá cứng kết tinh nằm trên bề mặt. Về phía Nam của vùng đất thấp, những tảng đá tương tự được che phủ bởi những tầng trầm tích từ vùng biển mà trước đây đã có một thời bao phủ vùng miền trung đất nước. Sự xói mòn đã làm bạt đi bề mặt của tấm chắn, làm thành một vùng đất thấp với độ cao nhỏ.

Vùng Tấm chắn này, hơn tất cả những khu vực địa lý khác ở Bắc Mỹ, có thế đất được hình thành từ những sông băng lục địa to lớn trong mấy triệu năm vừa qua. Những sông băng này bao phủ phần lớn Canada ở phía Đông rặng núi Rocky và rặng núi Coast, và chúng trải xuống phía Nam cho đến vùng thung lũng Missouri và sông Ohio ngày nay.

Băng hà có thể kéo những tảng đá nặng nhiều tấn ra khỏi mặt bằng của chúng và đưa đi một đoạn xa. Những tảng đá mòn khổng lồ rải rác khắp khu vực Tấm chắn, ở những vị trí mà các sông băng cuốn chúng đến. Phần băng ở mép của những sông băng chảy ra đã tạo thành những con sông lớn và những đường mới cho nước đổ ra biển.

Sự đóng băng đã cọ xát nhiều đến bề mặt của vùng Tấm chắn. Ngày nay, lớp đất bao phủ vùng này rất mỏng, hoặc thậm chí không còn nữa. Mô hình thoát nước bị phá vỡ đã ngăn chặn nhiều con suối và trầm tích của chúng, đồng thời đưa chúng vào những vùng hồ hay đầm lầy thay vì đổ ra biển. Chẳng hạn như vùng trung tâm và phía Bắc Minnesota, được gọi là “Đất của 10.000 Hồ nước”, là một phần của khu vực đóng băng phía Nam, trải dài qua các bang Minnesota, Michigan và Wisconsin.

Những khu vực rộng lớn của vùng đất thấp được bao phủ bởi một lớp sét tảng lăn băng hà (đá và đất do các sông băng để lại), có độ dày từ 1 mét cho đến hơn 100 mét. Nơi những sông băng tồn tại lâu, những ngọn đồi cao gọi là băng tích được hình thành. Ở miền Đông, đảo Staten, đảo Long, khu Vườn nho Martha, Nantucket và mũi Cod là những điểm cuối cùng có những băng tích đánh dấu nơi xa nhất mà những sông băng này vươn tới về phía Nam. Khu vực phía Nam vùng hồ Great được viền bởi những băng tích dài và thấp hình bán nguyệt và những trầm tích khác của sông băng.

Khi băng giá tan ra, những hồ nước khổng lồ được hình thành dọc theo mép các sông băng. Ở phía Bắc vùng đồng bằng Great, hai hồ nước khổng lồ, hồ Agassiz và hồ Regina, cùng bao phủ một diện tích rộng hơn hồ Great ngày nay. Khi sông băng tiếp tục tan nữa, những hồ này hầu như biến mất. Sự hiện diện của chúng ngày nay được đánh dấu bởi những nền hồ, một vùng bằng phẳng bao trùm một phần Bắc Dakota và Minnesota.

Mực nước biển thấp hơn nhiều trong thời kỳ sông băng. Điều này làm cho mực nước sông cũng thấp theo và từ đó tăng thêm độ xói mòn của những dòng sông này. Hơn nữa, nhiều thung lũng của các dòng sông này kéo dài đến phần đất ngày nay là biển. Cùng với những sông khác, sông Susquehanna và sông Hudson có những thung lũng sâu hơn nhiều so với ngày nay. Khi băng giá tan đi ra mực nước biển dâng cao, các đại dương đã lấp đầy những thung lũng sâu này. Hai bến cảng tốt nhất thế giới đã được hình thành theo dạng này: vịnh New York, với sông Hudson sâu và những vùng che chắn hình thành bởi đảo Staten và đảo Long; và vịnh Chesapeake, vốn là thung lũng của sông Susquehanna.

Ở miền Đông, những vùng đồng bằng ven biển bị cao nguyên Appalachian bó hẹp dần về phía Bắc cho đến khi mất hẳn ở mũi Cod. Từ đây đi về phía Đông Bắc, khu vực bờ biển là một phần của hệ thống núi Appalachia kéo dài về phía Bắc. Rặng Appalachia - tàn tích bị xói mòn của những rặng núi cao hơn nhiều của ngày xưa - chia cách vùng ven biển với vùng đấp thấp nội địa dọc theo phần lớn vùng phía Đông nước Mỹ.

Đất đai ở hầu hết các khu vực trong vùng này là đất trũng, với những sườn dốc đứng, khó khăn cho việc trồng trọt, và hoàn toàn không thích hợp với nền nông nghiệp cơ giới hóa. Các khu công nghiệp và khu đô thị với qui mô lớn chen kín các vùng đất thấp.

Vùng phía Tây nước Mỹ là một vùng đất của núi đồi và sự thay đổi đột ngột về độ cao. Địa hình ở đây gồm những dãy núi trải dài theo hướng Bắc-Nam, với dãy Rocky ở phía Đông, ngăn cách với những dãy núi là thung lũng của vùng bờ biển Thái Bình Dương bởi một loạt những cao nguyên đứt đoạn. Dãy Rocky xuất hiện hùng vĩ trước vùng đồng bằng Great, với những đỉnh núi đôi khi cao tới hơn 2 km. Ở phía Bắc của dãy Rocky tại vùng Idaho, trục Bắc-Nam của những ngọn núi địa phương được thay thế bởi những vòm núi lửa khổng lồ bị xói mòn không đều thành những dãy núi lởm chởm, nơi đây có khu vực hoang dã lớn nhất nước Mỹ ngoài vùng Alaska.

Những vùng cao nguyên ở vùng nội địa phía Tây cũng khác nhau về nguồn gốc và diện mạo. Khu vực cực Nam, cao nguyên Colorado, là một loạt những thềm đá trầm tích mọc cao trên 1.000 mét so với độ cao của vùng đất và trải dài về phía Đông Bắc. Cao nguyên này là vùng đất của những hẻm núi ngoạn mục, những đỉnh núi lửa và những sa mạc đầy cát.

Xa hơn về phía Bắc, vùng lòng chảo Colunbia-Snake đã được lấp kín bởi dung nham chảy xuống độ sâu trên 1.000 mét. Quang cảnh ở đây tương tự như cao nguyên Colorado, mặc dù những bậc thang hình thành từ sự xói mòn của đá trầm tích của cao nguyên Corolado thì không xuất hiện ở đây. Những đỉnh núi lửa cũng rải rác trong vùng này, đặc biệt và ở khu vực Nam trung tâm Oregon và ở thung lũng sông Snake ở Idaho.

Những cao nguyên này càng về phía Bắc càng mở rộng, bao quanh thung lũng của sông Yukon ở Alaska. Hầu hết vùng trung tâm Alaska đều rộng và bằng phẳng, với mức thác nước rất yếu.

Ở vùng ranh giới của Mỹ (trừ Alaska và Hawaii), vùng bờ biển Thái Bình Dương bao gồm hai dãy núi theo hướng Bắc-Nam, được ngăn cách bởi một vùng đất thấp không liên tục. Về phía Nam California, dãy núi Coast rất lớn, với những đỉnh núi cao đến 3.000 mét. Từ đây đến vùng ranh giới Oregon núi thấp và xếp thành hàng dài, ít khi cao hơn 1.000 mét. Đây là vùng đứt đoạn về địa chất của bang, và là khu vực hoạt động thường xuyên của núi lửa. Dọc theo ranh giới California-Oregan, dãy núi Klamath cao hơn, trải dài hơn và rất lởm chởm.

Các vùng đất thấp nội địa dọc theo bờ biển - vùng thung lũng Central của California, vùng thung lũng Willamette ở Oregon, và vùng đất thấp Puget Sound ở Washington – là  những vùng đất thấp rộng lớn duy nhất gần bờ biển phía Tây. Được phủ bởi chất đất tốt, những vùng đất thấp này đã hỗ trợ nhiều cho nông nghiệp của vùng bờ biển Thái Bình Dương.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2254-02-633495547169375000/Dia-ly/Dia-hinh.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận