Tài liệu: Hoa Kỳ - Thương mại thế giới và viện trợ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Mỹ là quốc gia giàu có và có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Quốc gia này đã tiến hành một lượng lớn giao dịch thương mại với các nước khác.
Hoa Kỳ - Thương mại thế giới và viện trợ

Nội dung

Thương mại thế giới và viện trợ

            Mỹ là quốc gia giàu có và có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Quốc gia này đã tiến hành một lượng lớn giao dịch thương mại với các nước khác. Tuy nhiên, cán cân thương mại của Mỹ hiện đang ở mức báo động. Nước Mỹ rơi vào tình trạng nhập siêu và vào năm 2003, thâm hụt thương mại Mỹ là 541,8 tỉ đô la. Thương mại với Nhật cũng ở tình trạng thâm hụt tới 66 tỉ đô la. Danh mục hàng hóa xuất khẩu hàng đầu ở Mỹ bao gồm vũ khí, trang thiết bị quân sự, ngũ cốc và thực phẩm đã chế biến, xe hơi và máy móc. Năm 2003, tổng giá trị nhập khẩu ở Mỹ đạt 1.256,3 tỉ đô la, trong khi đó tổng giá trị xuất khẩu chỉ đạt 714,5 tỉ đô la.

            Xuất khẩu ở Mỹ

            Các danh mục xuất khẩu quan trọng khác của quốc gia này còn bao gồm các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh và truyền hình. Phim hoạt hình Disney và các bộ phim được công chúng mến mộ được bày bán và trình chiếu ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nước Mỹ còn là quê hương của nhạc rock, nhạc blue và rap, đồng thời có nguồn thu ổn định từ sản phẩm nhạc pop.

            Một số lượng lớn các chương trình truyền hình, đặc biệt là các chương trình truyền hình thường kỳ và phỏng vấn người nổi tiếng đã được bán bản quyền và trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của nhiều quốc gia như Anh và Canada.

            Các dây chuyền sản xuất thực phẩm của người Mỹ xuất hiện khắp các thành phố trên thế giới. Quần áo và giày dép Mỹ cũng có sức ảnh hưởng vô cùng lớn bởi thương hiệu của nó. Lôgô của hàng hóa Mỹ xuất hiện nhiều ở các nước phát triển và người ta sẵn sàng trả giá cao để mua chúng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm mang thương hiệu Mỹ không thực sự được sản xuất ở Mỹ. Chúng có thể được sản xuất ở các quốc gia như Việt Nam, Hàn Quốc hoặc Philippin do giá nhân công ở đây khá rẻ.

            Nato và UN

            Nước Mỹ là thành viên của nhiều tổ chức có quyền lực trên thế giới như tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO). NATO là một liên minh phòng thủ bao gồm Mỹ và 15 nước thành viên khác. Khối Nato được thành lập từ năm 1949 với mục đích chống lại ảnh hưởng của Liên bang Xô Viết (Liên Xô). Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, các nước cộng sản và xã hội chủ nghĩa trước đây cũng có tiếng nói trong khối NATO.

            Ngoài ra, nước Mỹ còn là thành viên của tổ chức Liên hợp quốc (UN). UN là một tổ chức được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm bảo vệ quyền con người, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề về nghèo đói trên toàn thế giới. Liên hợp quốc cũng có vai trò duy trì hòa bình, có quyền phái quân đội và quan sát viên tới các khu vực xung đột như Bosnia và Sierra Leone. Nước Mỹ đóng góp vào ngân sách các quỹ duy trì hòa bình của UN khoảng 30%. Tuy nhiên, theo nước Mỹ thì họ sẽ giảm con số này xuống 25%. Điều đó đang ảnh hưởng tới khả năng của Liên hợp quốc trong việc thực thi vai trò của mình khi có xung đột xảy ra.

            Chương trình viện trợ

            Nước Mỹ cung cấp ngân sách các quỹ hỗ trợ phát triển cho các quốc gia nghèo hơn. Chương trình này bao gồm các dự án cải thiện nông nghiệp, tăng khả năng miễn dịch chống bệnh tật ở trẻ em, đấu tranh chống đại dịch HIVI/AIDS, cải thiện trình độ giáo dục ở phụ nữ. Tuy vậy, mặc dù nước Mỹ có đóng góp ngân sách lớn đối với các chương trình viện trợ nhưng thực tế đây vẫn là một tỉ lệ rất nhỏ so với tổng thu nhập quốc gia GNI của nước này. Liên hợp quốc đã đề nghị các quốc gia phát triển nên đóng góp 0,7% GNI vào ngân sách các quỹ viện trợ, tuy nhiên trên thực tế vào năm 2002, con số mà nước Mỹ đóng góp chỉ chiếm 0,12%.

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2820-02-633547513370633750/Nong-nghiep-cong-nghiep-va-thuong-mai/Thu...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận