J.A.KOMENSKY (1592 – 1670)
NHÀ GIÁO DỤC, NHÀ VĂN HÓA VĨ ĐẠI
Jan Amos Komensky, tên chữ La tinh là Coménius, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1592 tại làng Wheski Brốt, nay thuộc Cộng hòa Slovakia. Đó là một miền quê thuộc Trung Âu, với các vườn nho chan hòa ánh nắng và những làn điệu dân ca nổi tiếng. Ông sinh trưởng trong một gia đình mục sư thuộc hội Tin Lành, có tên là Giáo hội huynh đệ Trêcốtxlôvaki. Đây là Giáo hội của những mục sư nghèo sống với những giáo lý nghiêm túc và khắc khổ, nhưng giàu tinh thần dân chủ và trí tuệ. Cuộc đời của những vị mục sư này chỉ tập trung vào hai việc lớn: truyền Đạo và dạy học. Vì thế, trong con mắt của Giáo hội công giáo của giới quý tộc đang lộng quyền ở châu Âu thời đó, các mục sư này như là lũ tà đạo đã từng bị đày ải, xua đuổi, chém giết. Thời đại mà ông sinh ra và lớn lên đầy những biến động. Châu Âu quằn quại trong những cuộc chiến tranh giữa các Vương triều, lại đang đi tìm kiếm tài nguyên và thuộc địa ở phương Đông. Giai cấp tư sản mới manh nha đang hun đúc khát vọng về một thế giới mới, về những chân trời trí tuệ mới. Có thể nói cả 3 yếu tố (quê hương, Giáo hội Tin Lành và thời đại) đã in dấu ấn đậm đà vào nhân cách và sự nghiệp của ông.
Cuộc đời Komensky đầy bất hạnh, cũng là bảng tổng kết những nỗi đau nhân thế, mà cũng là tấm gương của ý chí ngọc càng mài càng sáng trong học vấn và đạo đức. Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ vào năm lên 10 tuổi, được người cô đem về nuôi nấng và cho đi học ở trường làng Strasơnixe. Sau đó, ông được Giáo hội gửi đi học ở trường dạy tiếng La tinh ở Psêrôv. Ông học giỏi, nên năm 1611 được gửi sang học ở trường Đại học ở Hécboóc (Đức); được sống trong một môi trường mới, văn hóa và trí tuệ cao, có nhiều thầy giỏi, bạn tốt, được tiếp cận bởi nhiều tư tưởng khoa học tiến bộ của Bruno, Becon, Galilée và cả những gợi ý về phương pháp học tập và nghiên cứu ông đã sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị. Năm 1616, sau khi nhận được văn bằng Tiến sĩ, ông trở về quê hương dạy học. Vừa dạy học, vừa sưu tầm tục ngữ ca dao, lời so sánh ví von trong ngôn ngữ dân gian để chuẩn bị cho các tác phẩm Kho báu ngôn ngữ Tiệp Khắc sau này. Sống gần nông dân, hiểu nỗi nghèo khổ của nông dân, chàng thanh niên Komensky đã viết bản Điều trần của người nghèo khổ với Thượng đế. Ông tố cáo cảnh kẻ ăn không hết người lần không ra, bộc lộ rất sớm tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa mà suốt đời ông theo đuổi.
Năm 1621, trước cuộc đàn áp đẫm máu của đội quân đánh thuê phục vụ Vương triều Hápxbua. Ông phải bỏ nhà, bỏ trường đi ẩn trốn. Sau đó vợ và hai con thơ của ông cũng bị chết vì chiến tranh và dịch hạch.
Tháng Hai năm 1628, ông phải trốn sang Létznô (Ba Lan) để sinh sống. Từ đó, kéo dài cuộc sống tha hương, khi ở Anh, khi ở Thụy Điển, ở Hôngrie, rồi ở Hà Lan. Nhiều lần bị săn đuổi, tài sản và các trước tác khi thì bị tịch thu, khi bị ngọn lửa chiến tranh và tệ nạn kỳ thị tôn giáo thiêu trụi. Ông mất ở Amsterdam (thủ đô Hà Lan) vào năm 1670, rồi nấm mồ ông cũng bị vùi lấp, quên lãng. Mãi cho đến năm 1929, qua nhiều lần khảo sát công phu và khoa học, mộ ông mới được tìm thấy và được sửa sang lại.
Có thể nói, sự thiên ma bách thiết (ngàn lần mài, trăm lần bị bẻ gãy), những thống khổ của cuộc đời đã làm cho kho tàng kiến thức, tư tưởng và sự nghiệp của ông để lại cho đời sau không những là các giá trị thuần lý mà còn là chiêm nghiệm, là tình cảm, là khát vọng thân xác của một con người. Nhiều nhà nghiên cứu đã tôn vinh ông là ''con người của khát vọng”.
Ông đã sống trong một thời điểm lịch sử mà nhân loại đang thôi thúc phải mở rộng cánh cửa của trí tuệ để đi sâu vào con đường dân chủ hóa, bước tới cuộc khai sáng cho một nền văn minh đô thị và công nghiệp. Cùng với những con người khổng lồ khác và một lớp những nhà khai sáng mới, canh tân cho một nền Phục Hưng nhân loại, Komensky đã sống cuộc đời đầy ý nghĩa đó.
Ông là nhà yêu nước của nhân dân Séc và Slovakia. Ông luôn mong ước và phấn đấu cho đất nước và dân tộc mình có chủ quyền, văn hóa nảy nở, tiếng mẹ đẻ được giữ gìn và phát triển. Ông nói: ''Tôi yêu đất nước và ngôn ngữ của nước mình. Nếu tôi có chút gì lớn lao thì chính là quê hương và tiếng mẹ đẻ”. Nên nhớ rằng vào thời ấy, giới quý tộc và trí thức châu Âu chỉ coi trọng tiếng La tinh.
Ông còn được coi là nhà tư tưởng của hòa bình. Trong tác phẩm Thiên thần của hòa bình (1667), ông lên án chiến tranh và việc dùng vũ lực để giải quyết quan hệ giữa các dân tộc, coi đó là phi nhân, là thú tính. Ông nêu lên khát vọng “Về một của cải chung, đó là tìm kiếm một nền hòa bình, chân lý và gieo cấy quanh ta tình yêu thương đối với người láng giềng”.
Nhưng, phần lớn cuộc đời và trước tác của ông là cống hiến cho giáo dục. Có thể nói, ông là nhà giáo dục bẩm sinh. Ông dành chọn cuộc đời để dạy học, viết sách, tìm tòi và truyền bá những tư tưởng và phương pháp giáo dục mới của mình. Tên tuổi ông nổi tiếng khắp Châu Âu. Chính Nhiếp Chính Risơliơ của Pháp cũng viết như mồi ông tới Pháp để tổ chức nền giáo dục.
Tác phẩm Mở cánh cửa vào ngôn ngữ viết năm 1631, làm cho ông nhanh chóng nổi tiếng. Đó là một cuốn sách dạy tiếng La tinh theo một phương pháp mới. Ông chọn tới 8 nghìn từ thông dụng, đặt thành câu và sắp sếp theo từng lĩnh vực gần gũi với đời sống, bên cạnh là lời dịch tiếng mẹ đẻ. Quyển sách vừa giúp cho việc học tiếng La tinh trở lên dễ dàng; hơn nữa còn khẳng định rằng mọi lĩnh vực của đời sống đều có thể diễn tả bằng tiếng mẹ đẻ. Ngay sau đó, quyển sách đã được dịch ra 12 thứ tiếng của châu Âu, 4 thứ tiếng của châu Á.
Năm 1632, ông cho xuất bản tác phẩm Khoa sư phạm vĩ đại. Ông viết bằng tiếng Séc rồi tự dịch ra tiếng La tinh để cho dễ phổ biến, với ước muốn: ''tạo ra một nghệ thuật xây dựng nhà trường ở khắp các thành thị, làng mạc ở bất cứ xứ Đạo nào”. Ông cho rằng: ''Người ta không thể ngăn ngừa cái xấu trong con người mà không bảo vệ tuổi trẻ. Nếu muốn có những quê hương đầy cây cỏ hoa lá, có những mái nhà êm ấm thì trước hết phải xây dựng và tổ chức những mái trường”. Ông đề nghị cánh cửa nhà trường rộng mở cho mọi người, không nên như các nhà trường tiếng La tinh đương thời chỉ thu nhận con nhà quý tộc, quan chức mà thôi. Ông nêu nguyên lý: ''Nhà trường không chỉ dạy kiến thức mà còn rèn đức hạnh”. Ông nêu tư tưởng: ''Con người học không để mà học, nó phải học để sống và hành động trong cuộc đời''. Ông đề xướng hình thức lớp học theo lứa tuổi, nội dung học phải là bách khoa, phổ cập tiểu học, phương pháp dạy phải sinh động, chống lại lối dạy roi đòn, đe nẹt, khuyến khích sự nảy nở tính cách, lương tri, tinh thần hiếu học, suy luận của lớp trẻ tuổi. Biết bao nhiêu tư tưởng cấp tiến; khoa học, nhân văn về một mô hình giáo dục hiện đại, mà ngày nay chúng ta dang phấn đấu, áp dụng chính là được khởi thảo từ lý luận và thực nghiệm sư phạm của Komensky.
Ông còn viết tác phẩm Loan báo về một nhà trường mẫu giáo, chứa đầy những tư tưởng nâng niu con trẻ. Ông chỉ ra phương pháp học mà chơi, chơi mà học. Những chỉ dẫn của ông về giáo dục thẩm mỹ, đưa âm nhạc, thơ ca, hội họa, diễn kịch… vào giáo dục trẻ em là những điều kiện mà Châu Âu phải mấy thế kỷ sau mới tiếp nhận và phổ biến.
Nhiều tác phẩm khác của ông như Thế giới bằng tranh (1658) là quyển sách bằng tranh vẽ ra đời sớm nhất thế giới. Con đường sáng, Báo hiệu về sự thông thái phổ quát (1637 - phác thảo về một chương trình chi tiết góp phần xây dựng một Hàn lâm viện của những nhà thông thái ở Anh) đã góp phần hoàn chỉnh về khoa học sư phạm của ông. Triết học giáo dục của ông rất tiến bộ, chứa nhiều tư tưởng nhân ái, dân chủ và khoa học.
Ông là nhà văn hóa lớn, có trí tuệ bách khoa, tác phẩm Luận về sự cải công việc của cá nhân (1622) là một công trình đồ sộ bao quát nhiều lĩnh vực như tôn giáo, chính trị, khoa học, giáo dục, triết học, ngôn ngữ v.v... Ông mơ ước có một nhân loại được cải tạo trí tuệ hơn; dễ dàng hiểu nhau hơn; sống yên vui và hòa bình kết thành một khối, không phân chia ''của tôi'', “của anh”, để thế giới là “Thiên đường của niềm vui”, để một Nhà nước tự do mở rộng khắp thế giới, để mỗi người đều có quyền tự do giống nhau và những nghĩa vụ như nhau trước cộng đồng...
Chính vì thế, nhà sử học người Pháp Pierre Bayle đã ca tụng ông là Galilée của giáo dục. Đại bách khoa thư Larousse khẳng định rằng, Komensky là người đầu tiên làm cho sư phạm tự nó trở thành khoa học. Đại từ điển tiếng Nga của Liên Xô cho rằng, ông là nhà giáo dục vĩ đại nhất của thế giới. Các đại Bách khoa thư của Mỹ, Anh, Đức, Italia, Thụy Điển... đều gọi ông là nhà tư tưởng, nhà văn hóa, nhà giáo dục lớn của thế giới Cận và Hiện đại.
Trước khi qua đời ông nói: ''Sự lo toan cuối cùng của đời tôi là làm sao biết chết cho cuộc đời này và biết sống cho cuộc đời mai sau”. Ông mãi mãi sống với chúng ta hôm nay bằng tấm gương của một con người và với 250 tác phẩm lớn nhỏ.
NGUYỄN KHẮC MAI