KÍNH HIỂN VI - CON MẮT NHÌN VÀO THẾ GIỚI CÁC
KÍCH THƯỚC BÉ NHỎ
Hơn 2000 năm trước ở Trung Quốc, trong sách “Mặc kính” (phần chủ yếu về học thuyết của Mặc Tử thời chiến quốc.N.D) đã có ghi chép: Dùng gương lõm ta có thể nhận được ảnh ngược nhỏ và ảnh thuận lớn. Đấy là những trí thức đầu tiên của loài người liên quan đến ảnh thu nhỏ, hay ảnh phóng đại của một vật. Vào năm 1590 anh em nhà J.Jansen và Z.Jansen đã phát minh ra chiếc kính hiển vi đầu tiên trên thế giới. Vào khoang năm 1610 Galilê đã chế tạo một kính hiển vi có hai cấp phóng đại đầu tiên. Sau đó không lâu, một người Hà Lan là Livenhuc đã chế tạo một kính hiển vi có độ phóng đại 200 lần. Với kính hiển vi này người ta đã có thể quan sát những vi khuẩn nhỏ tạo nên các thế giới nhỏ bé. Theo sự phát triển khoa học, các loại kính hiển vi quang học, kính hiển vi siêu âm, kính hiển vi điện tử lần lượt xuất hiện, làm cho gia đình họ nhà kính hiển vi phát triển mạnh mẽ, và kính hiển vi đã trở thành con mắt để người ta nhìn vào thế giới có kích thước nhỏ bé.
Ngày nay, kính hiển vi đã được dùng một cách rộng rãi gồm nhiều loại: kính hiển vi thông dụng, kính hiển vi lập thể, kính hiển vi kim tương, kinh hiển vi giao thoa, cho đến kính hiển vi phát quang,...Về cấu tạo, các loại kính hiển vi này có thể khác nhau, nhưng về cơ bản vẫn cùng một nguyên lý.
Bộ phận chủ yếu của các kính hiển vi quang học là hai nhóm thấu kính ở đầu. Mỗi nhóm thấu kính có tác dụng tương đương với một thấu kính lồi. Nhóm thấu kính ở gần vật quan sát là vật kính, nhóm thấu kính gần mắt người quan sát là thị kính. Vật kính đóng vai trò phóng đại vật thể quan sát thành ảnh ảo lớn hơn. Như vậy nhờ kính hiển vi ta có thể nhìn thấy ảnh ảo vật quan sát ngược chiều được phóng đại. Ngày nay, người ta đã chế tạo được các kính hiển vi có độ phóng đại đến hai ba nghìn lần.
Để có thể quan sát được các vật thể nhỏ bé không trong suốt vào những năm 70 của thế kỷ này, các nhà khoa học đã nghiên cứu, chế tạo các kính hiển vi siêu âm. Đây chính là loại kính hiển vi dùng chùm sóng siêu âm thay cho sóng ánh sáng. Dùng loại kính hiển vi siêu âm người ta có thể quan sát các lát mỏng các tổ chức sinh vật không trong suốt, không màu, không gây tổn hại cho vật quan sát, có thể quan sát một cách kịp thời; là những vật phẩm mà kính hiển vi quang học thông thường không thể thực hiện được. Dùng loại kính hiển vi siêu âm người ta có thể quan sát các vật thể đang sống, độ phóng đại có đến bốn, năm nghìn lần, có thể quan sát các vật nhỏ có kích thước đến 1/ 00000 milimet.
Để quan sát các vật nhỏ hơn nữa vào những năm 30 của thế kỷ này các nhà khoa học đã chế tạo kính hiển vi điện tử. Đó là loại kính hiển vi làm việc nhờ vào chùm điện tử chuyển động với vận tốc lớn thay cho ánh sáng. Dựa vào kết cấu và công dụng người ta chia kính hiển vi điện tử thành nhiều loại: Kính hiển vi điện tử truyền qua, kính hiển vi điện tử siêu cao áp, kính hiển vi điện tử năng suất phân giải cao, kính hiển vi điện tử quét,...Có thể phóng đại kích thước vật quan sát đến hơn ba triệu lần, tương đương với việc phóng đại một quả cầu đường kính 2 mét đến bằng kích thước của Trái đất. Nó có thể phóng đại nguyên tử đến kích thước một cái bánh bao hết sức rõ nét. Nhờ độ phóng đại lớn mà đã mở rộng tầm mắt của người quan sát thế giới vô cùng nhỏ bé.