“KHẢO CÔNG KÝ” TẬP SÁCH KHẢO CỨU CÔNG NGHỆ SỚM NHẤT
Nghề thủ công của Trung Quốc ngày nay nổi tiếng khắp thế giới, đó là nhờ sự nỗ lực của các bậc tiền bối. Từ hơn 2000 năm về trước, Trung Quốc không chỉ có nhiều loại công nghệ phẩm mà có cả tác phẩm giới thiệu các công nghệ phẩm, đó là tác phẩm ''Khảo công ký''. Đây là tác phẩm do tác giả người nước Tề vào cuối thời Xuân Thu viết, nhờ đó mà ngày nay người ta biết được nguồn gốc những thành tựu công nghệ của người xưa.
Theo “khảo công ký” thì thời đó có sáu nghề chính, nghề bá công chiếm vị trí thứ ba tức là thủ công nghiệp. Vào thời đó thủ công bao gờm 30 bộ môn sản xuất chuyên môn liên quan đến vận tải, sản xuất công cụ, binh khí, nhạc khí, đồ bằng ngọc, đồ đựng, da thuộc, chất màu, kiến trúc, v.v. . Mỗi hạng mục còn phân công nhỏ, chi tiết hơn. Ví dụ khi đóng xe chia ra nhóm chuẩn bị thân, nhóm chuẩn bị bánh xe, chuẩn bị thùng xe nhóm chuẩn bị càng xe v.v. .Cách phân công chuyên môn hóa này chứng tỏ quy mô, trình độ của sản xuất đã đạt đến mức khá cao.
Trong ''Khảo công ký'', các nghề như: đóng xe; chế tạo cung tên; chế tạo đồ nhạc khí; chế tạo chất màu và thuộc da; luyện kim; quy hoạch thiết kế nhà cửa thành thị đều được ghi chép khá tỉ mỉ.. Ví dụ trong nghề đóng xe, đối với bộ phận quan trọng là bánh xe, người xưa đã đề ra việc kiểm nghiệm đầu tiên chất liệu làm bánh xe, mô tả sớm nhất hiện tượng quán tính trong chuyển động của bánh xe. Đối với xe trâu, xe ngựa, đã tiến hành phân tích lực khi lên xuống dốc đồng thời đưa ra 10 hạng mục kỹ thuật và yêu cầu kiểm nghiệm cần phải tiến hành để giảm bớt lực ma sát lăn và tăng cường tính ổn định và độ bền của bánh xe, cũng như việc chọn lựa vật liệu v.v. . .
Trong sách còn đề cập đến việc: tuỳ thuộc công dụng của từng loại cung tên mà tiến hành phân tích các tỉ lệ trong kết cấu, tìm hiểu trọng tâm của các vật bay; mối liên hệ giữa hình dạng của vật bay với trở lực của không khí; các vấn đề kỹ thuật để đảm bảo đường bay của tên ổn định khi có gió mạnh. Trong Khảo công ký không chỉ miêu tả cách chế tạo các loại nhạc khí thịnh hành thời bấy giờ như chuông, trống, khánh v.v. . . mà còn chỉ ra rằng nguồn gốc trong chuông là do sự chấn động mà có; độ cao thấp của tiếng chuông do tần số chấn động quyết định. Chất lượng của tiếng chuông đó liên quan đến độ dày mỏng, hình dáng, kích cỡ to nhỏ cũng như thành phần của hợp kim đã dùng đúc chuông. So với các sách của châu Âu có nội dung tương tự thì sớm hơn 1500 năm.
Trong sách cũng ghi chép các phương pháp nhuộm màu tơ, sợi lông thú, sợi dệt nhiều lần. Cho đến ngày nay người Trung Quốc vẫn áp dụng kỹ thuật nhuộm màu này trong nghề thủ công. Trong sách cũng mô tả việc quan sát ngọn lửa trong khi luyện đồng (tức là nhờ nhìn khói lửa bay ra khi luyện đồng, nhìn màu sắc ngọn lửa mà phán đoán tình trạng các tạp chất trong khi luyện đồng bay ra) để tiến hành các thao tác luyện đồng, được công nhận đó là thao tác công nghệ hữu hiệu. Dựa vào một số quy luật luyện kim đã tìm cách chọn thành phần giữa thiếc và đồng để có loại đồng thanh. Đó là tổng kết sớm nhất các kinh nghiệm trong việc chọn tỉ lệ phối liệu trong kỹ thuật luyện kim.
Trong ''Khảo công ký'' cũng nêu lên các quy luật quy hoạch đô thị và kiến trúc cung điện. So sánh với các di chỉ của thời Xuân Thu - Chiến Quốc được khai quật thấy khá phù hợp, nên bộ sách là tư liệu quý trong nghiên cứu kiến trúc cổ và văn Hóa cổ. Trong sách cũng đề cập đến việc sử dụng các tri thức toán học liên quan đến phân số, đo góc, tiêu chuẩn các dụng cụ đo dung tích v.v. . . trong các hoạt động công nghệ đã phản ánh được trình độ ứng dụng toán học ở thời Xuân Thu.