GIẤY – SỨ GIẢ CỦA NỀN VĂN MINH NHÂN LOẠI.
Phát minh ra kỹ thuật chế tạo giấy là một cống hiến đặc sắc của người Trung Hoa cho nền văn minh nhân loại.
Hơn 3500 năm về trước, khoảng đời Thương, người Trung Quốc đã từng khắc chữ trên mai rùa hay xương súc vật và gọi đó là văn giáp cốt. Đến thời Xuân Thu - Chiến Quốc, người ta dùng thẻ tre hay bảng gỗ thay cho mai rùa và xương. Xương súc vật và thẻ tre đều rất nặng. Nhà tư tưởng Huệ Thi thời Chiến Quốc khi đi dạy học ở nơi xa đã phải dùng năm chiếc xe để chở “sách thẻ tre”, nên đã xuất hiện điển cố ''sức học chở năm xe''. Đến thời Tây Hán, giới quý tộc trong cung đình đã dùng lụa hoặc gấm để viết chữ. Lụa và gấm đều là các sản phẩm dệt bằng tơ mỏng nên dùng để viết không những rất tiện lợi so với thẻ tre mà còn có thể dùng để vẽ các tác phẩm, nhưng vì giá rất đắt nên chỉ thích hợp chơ số ít quý tộc trong cung đình. Vào đầu thời Tây Hán, thế kỷ II trước CN đã bắt đầu có giấy.
Đến thời Đông Hán vào năm Nguyên Hưng nguyên niên (năm 105), Thái Luân mới tổng kết kinh nghiệm làm giấy dựa trên vật liệu dệt của các đời trước, đã phát minh phương pháp dùng vỏ cây, lưới đánh cá cũ, vải cũ…làm nguyên liệu để sản xuất giấy, chế tạo nên loại giấy dùng sợi thực vật, từ đó việc sử dụng giấy để viết mới phổ biến rộng rãi.
Đến thế kỷ thứ VII, kỹ thuật chế tạo giấy truyền đến Nhật Bản qua Triều Tiên. Đến giữa thế kỷ thứ VIII mới truyền sang Arập. Đến thế kỷ thứ XII, người châu Âu mới theo phương pháp của Trung Quốc lập nên các xưởng sản xuất giấy ở châu Âu.