Tài liệu: Công trình thủy lợi đặc sắc thời cổ đại - Đập Đô Giang

Tài liệu
Công trình thủy lợi đặc sắc thời cổ đại - Đập Đô Giang

Nội dung

CÔNG TRÌNH THỦY LỢI ĐẶC SẮC THỜI CỔ ĐẠI: ĐẬP ĐÔ GIANG

 

Đô Giang là một con đập thuộc Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên, trên một vùng đồng bằng ở phía Tây thuộc trung du sông Mân, là một công trình thủy lợi vĩ đại của nhân dân Trung Quốc thời cổ đại. Đây là công trình do Lý Băng lánh đạo nhân dân xây dựng vào năm 250 trước công nguyên lúc ông nhậm chức quận thú  quận Thục.

Dòng sông Mân chảy từ miền núi cao phía Bắc tỉnh Tứ Xuyên chảy xuống có  nhiều thác nước, đến huyện Quán địa thế đột nhiên bằng phẳng, thế nước trở nên ôn hoà, bùn cát lắng đọng ở hai bờ sông. Bên ngoài thành lại có núi Luỹ Sơn chắn dòng ở phía Đông, nên đến mùa nước lớn thì bờ Tây ngập lụt còn phía Đông thì hầu như khô hạn. Theo kinh nghiệm của người xưa, cha con Lý Băng đã tổ chức nhân lực, đắp đập Đô Giang làm cho đồng bằng Thành Đô được tưới tiêu, làm cho cả ngàn năm sau trở nên miền đất ''ướt khô do người, không hề biết đến mất mùa, đồng ruộng phì nhiêu, là vùng đất giàu có''.  

Đập Đô Giang có ba bộ phận tổ thành: mõm cá phân thủy, đập Phi Sa và miệng phễu Bửu Bình. Mõm cá phân thủy là bờ để chia nước ở giữa sông hình giống như mõm cá. Nhờ bờ đê chia nước mà dòng sông đã chia làm hai sông, phía bên ngoài là dòng chính của sông Mân, còn phía bên trong sẽ chảy qua phễu Bửu Bình để tưới nước cho đồng bằng Tây Xuyên. Đập Phi Sa ở giữa mõm cá phân thủy là phễu Bửu Bình để điều tiết dòng nước, điều tiết lưu lượng dòng nước do mõm cá nhân thủy dẫn đến, tránh để nước không vào  dòng phía trong quá nhiều. Phễu Bửu Bình là con ngòi đào xuyên qua Luỹ Sơn đưa nước sông Mân nhập chung vào dòng sông phía trong, giống như miệng phễu đổ vào bình do đó mà thành tên. Ba bộ phận phối hợp nhau tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh.

Ở cửa sông phía trong có tạo dựng ba hình nhân bằng đá, đứng ở các vị trí khác nhau trong dòng nước, có mục đích đo chiều cao của nước, nhờ vào đó mà người ta điều tiết dòng nước. Sau khi đập Đô Giang xây dựng xong, cánh đồng Thành Đô rộng lớn đã trở thành ''đưa nước để tưới đẫm vào mùa khô và làm cửa thoát nước cho mùa lụt'', nhờ đó kinh tế nông nghiệp vùng đất Ba Thục phát triển nhanh chóng, làm cơ sở vật chất cho nhà Tần thống nhất sáu nước. Sau thời Tần - Hán, qua nhiều thời kỳ tu sửa, hoàn thiện lợi ích của đập Giang Đô ngày được tăng cường. Cho đến ngày nay đập càng phát huy mạnh mẽ tác dụng phòng lụt, chống cát, tưới tiêu, vận chuyển, phát điện v.v. . .




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/532-02-633337413084028750/Nhung-cong-trinh-hung-vi/Cong-trinh-thuy-l...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận