THUẬT LUYỆN ĐAN – KHỞI NGUỒN CHO HÓA HỌC
Các nhà Hóa học thường cho rằng các thí nghiệm Hóa học cận đại là bắt nguồn từ thuật luyện đan của châu Âu thời Trung cổ, mà thuật luyện đan châu Âu lại học được của ARập, thuật luyện đan A rập lại bắt nguồn từ thuật luyện đan của người Trung Quốc thời cổ đại: thuật ''chỉ đá thành vàng''. Những nhà luyện đan Trung Quốc đã sử dụng điểm tiêu sớm nhất mà người ARập gọi đó là ''tuyết Trung Quốc'' và ''muối Trung Quốc''.
Thuật luyện đan là xuất phát từ việc người Trung Quốc thời cổ cầu phương thuốc ''Trường sinh'' từ thời Chiến Quốc trước công nguyên. Lịch sử còn ghi lại việc dâng ''thuốc trường sinh'' cho Kinh vương. Thời Hán Vũ đế, các thuật sĩ chính thức bắt đầu việc “luyện đan”. Dó cũng chính là khởi thủy của thuật luyện đan của Trung Quốc và của thế giới.
Thuật luyện đan bao gồm ba phương diện: dùng các chất vô cơ bao gồm các kim loại và khoáng vật qua xử lý Hóa học để chế thuốc trường sinh, để chế ''thuốc'' chế vàng và bạc nhân tạo mà người ta đã tìm ra nghề luyện kim. Từ việc tìm “thuốc trường sinh” chế tạo từ cây, cỏ mà người ta đã tiến hành nghiên cứu dùng thực vật để làm dược liệu Thuật luyện đan mang nhiều màu sắc mê tín, tôn giáo và chưa có ai đạt được thành công. Nhưng từ thuật luyện đan người xưa đã có cơ hội tìm hiểu tự nhiên và cũng chính từ hai mặt tốt xấu trái ngược đó đã cung cấp cho người ta tư tưởng và tài liệu thực nghiệm.
Có hai phương pháp luyện đan ở Trung Quốc thời cổ đại: phương pháp dùng lửa (hoả luyện) và phương pháp dùng nước (thuỷ luyện).
Phương pháp dùng lửa giống như phương pháp gia nhiệt ngày nay. Các nhà luyện đan chia làm mấy kiểu: nung (gia nhiệt cho vật chất khô trong thời gian dài ở nhiệt độ cao); luyện (đốt nóng vật chất khô); hun (đốt nóng cục bộ); dung (đun cho chảy lỏng); trui; bốc (thăng hoa); ủ (gia nhiệt để dược liệu thay đổi tính chất). Dùng phương pháp lửa, các nhà luyện đan đã chế thủy ngân từ thủy ngân sunfua, qua việc quan sát các hình thái tính chất của thủy ngân đã chế tạo thủy ngân sunfua giống như chu sa trong thiên nhiên cũng có màu đỏ tươi (còn gọi là ngân sa hoặc linh sa), cũng như chế tạo các hợp kim của thủy ngân và các kim loại khác. Các phương sĩ đời Đường qua phương pháp hoả luyện đã biết chọn tỉ lệ của lưu huỳnh, diêm tiêu và than gỗ để tạo ra chất cháy nổ mà người đời sau gọi đó là thuốc nổ đen.
Phương pháp thủy luyện gồm các cách: hòa tan; ngâm chiết (dùng nước để hòa tan một phần các chất ra khỏi chất rắn); phong (bịt kín rồi để yên, hoặc dầm); nấu (gia nhiệt trong nước); hầm (gia nhiệt kéo dài trong nước); ủ (gia nhiệt có nước ở nhiệt độ thấp); hấp (để yên trong hơi nước sôi hoặc khí cacbonic); châm (dùng một lượng nhỏ dịch thuốc để làm biến đổi tính chất được liệu) v.v. . . Qua quá trình thủy luyện, người ta phát hiện một số hiện tượng mà ngày nay ta gọi là phản ứng axit - badơ, phản ứng ô xy Hóa - khử, quá trình phản ứng trao đổi kim loại; tìm ra biện pháp hòa tan vàng vào thủy ngân và một số thuốc khử khác; điều chế đồng tinh chất từ quặng đồng sunfua, đồng thời cũng đã ghi nhận tác dụng xúc tác của một số chất vô cơ. Tất cả đã cung cấp cho thực nghiệm Hóa học hiện đại nhiều kinh nghiệm quý báu.
Các nhà luyện đan thời Trung Quốc cổ đại đã chế tạo ra bình chưng luyện để lấy thủy ngân từ chu sa mà người phương Tây gán lầm cho người Arập.