THUỐC NỔ - CÔNG CỤ CẢI TẠO TỰ NHIÊN, XÃ HỘI.
Thuốc nổ là một trong bốn phát minh lớn của Trung Quốc thời cổ đại. Thời bấy giờ đầu tiên người ta trộn diêm tiêu, lưu huỳnh và than gỗ để làm thuốc chữa bệnh nên mới có tên là “hỏa dược” với ý nghĩa là nhờ lửa để chữa bệnh. Từ các thời Tần- Hán trở về sau, các nhà luyện đan dùng lưu huỳnh, diêm tiêu để chế đan dược, ngẫu nhiên bị nổ cháy; từ đó qua nhiều lần thử nghiệm họ tìm được công thức thuốc nổ.
Vào thời Tam Quốc có người dùng giấy cuốn thuốc nổ để làm pháo là một trò chơi giải trí, mở đầu cho việc ứng dụng thuốc nổ.
Cuối đời nhà Đường, người ta bắt đầu ứng dụng thuốc nổ vào mục đích quân sự. Người ta đã sử dụng thuốc nổ vào các máy bắn đá. Sau khi đã bọc thuốc nổ vào đá, người ta đốt và ném để đốt cháy quân địch, đó chính là loại hoả pháo sớm nhất. Về sau người ta lại buộc gói thuốc nổ hình cầu vào gần đốc tên, đốt lửa rồi dùng cung bắn để sát thương kẻ địch bằng ngọn lửa. Người ta còn trộn thuốc nổ, thuốc độc với nhựa đường, dầu trẩu làm thành khối hình cầu, đốt lửa rồi dùng cung bắn vào kẻ địch để sát thương và gọi đó là vũ khí “địch lại muôn người”. Đến đời nhà Tống người ta lại nhồi thuốc nổ vào ống tre, phía sau có lắp một “thanh định hướng” nhỏ, sau đó đốt lửa ở phần diêm tiêu trên ống, sáu khi lửa gặp thuốc nổ sẽ cháy mạnh, phát sinh ra lực đẩy, ống pháo sẽ bay về phía kẻ địch và sẽ nổ. Đó là loại tên lửa dùng thuốc nổ đầu tiên trên thế giới. Từ đó mà phát minh ra súng. Việc dùng ống tre để chế thành ống phát lửa đó chỉnh là thủy tổ của súng hiện đại.
Vào khoảng các năm 1225 - 1248, kỹ thuật chế tạo thuốc nổ đã truyền sang Ba Tư, Ấn Độ, Arập, mấy chục năm sau lại truyền sang châu Âu. Vào giữa thế kỷ XIV, các nước Anh, Pháp đã dùng thuốc nổ và vũ khí nóng vào chiến tranh. Các nước châu Âu còn dùng thuốc nổ để phá núi, mở đường, đào sông vào nhiều công trình khác, xúc tiến cuộc cách mạng trong công nghiệp.
Tiếc rằng trong lịch sử, chủ nghĩa đế quốc đã lợi dụng thuốc nổ vào các mục đích tội ác trong chiến tranh.