CUỐN SÁCH Y HỌC SỚM NHẤT: “HOÀNG ĐẾ NỘI KINH”
Trung y học đã có lịch sử mấy nghìn năm, hiện còn hơn tám nghìn sách về y học, là bộ phận quan trọng của di sản văn hóa Trung Quốc cổ đại. Từ các bảng văn giáp cốt đào được thấy có ghi lại các bệnh do ký sinh trùng và sâu răng. Vào thời Xuân Thu, Chiến Quốc đã có các sách viết về các phương thuốc và phép châm cứu, kinh mạch còn lưu truyền đến ngày nay. Về tính hoàn chỉnh trong nội dung, về cơ sở lý luận, kinh nghiệm lâm sàng mà xét thì quyển sách ''Hoàng đế nội kinh'' là sách xuất hiện sớm nhất.
“Hoàng đế nội kinh” hay còn gọi là ''Nội kinh'' xuất hiện khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên. Sách không phải ra đời ngay một lúc và cũng không phải do một người viết mà do nhiều người kế tiếp nhau tích luỹ, hoàn thiện mà sáng tạo nên. Nội kinh bao gồm hai bộ phận “Tô vấn” và “Linh xu kinh”, mỗi phần có 9 quyển. “Nội kinh” miêu tả 44 loại gồm 341 chứng bệnh, nội dung hết sức đa dạng, bàn về giải phẫu, sinh lý, bệnh lý, nguyên nhân căn bệnh, các cơ sở của Trung y về chẩn mạch, bao hàm cả học thuyết về hệ kinh lạc, phương pháp trị bệnh bằng châm cứu, phương pháp vệ sinh bảo vệ sức khỏe v.v..
“Nội kinh” vừa có tính chất học thuyết duy vật tự phát cổ đại cũng như nét phác thảo của tư tưởng biện chứng là cơ sở lý luận học thuyết âm dương trong Trung y, cho rằng cân bằng âm dương là tiền đề để duy trì sự nhịp nhàng bình thường của cơ thể người. Nếu sự cân bằng nhịp nhàng bị vi phạm hoặc âm thịnh hoặc dương thịnh đều đưa đến sinh bệnh. “Nội kinh” còn cho rằng các bộ phận của nhân thể có công dụng khác nhau, chúng có phân biệt nhau nhưng đồng thời lại có mối liên hệ với nhau tạo nên một chỉnh thể hữu cơ. Vì thế, một khi có một bộ phận nào đó của cơ thể bị bệnh thì có thể ảnh hưởng đến toàn thân hoặc các bộ phận khác. Tình trạng của toàn cơ thể có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh lý của từng bộ phận. ''Nội kinh'' còn chỉ ra rằng sự biến đổi thời tiết trong bốn mùa; địa lý; thủy thổ; sinh hoạt xã hội, gia đình; tư tưởng tinh thần có thể ảnh hưởng đến nhân thể; hình thành quan điểm có sự cảm ứng tương hỗ giữa ngoại cảnh và cơ thể người. “Nội kinh” chủ trương quan điểm tổng thể đối lập với quan điểm Tây y lấy cái tổng thể biến thành cái riêng lẻ. Quan điểm của nội kinh đại biểu cho đặc tính của trung y học trong suốt mấy ngàn năm nay. Sự hạn chế đó của Tây y ngày càng lộ rõ làm cho Trung y Trung dược ngày càng được truyền bá rộng rãi trên thế giới. Tư tưởng của ''Nội kinh'' ngày càng được giới y học thế giới coi trọng.
Ngoài ra, “Nội Kinh” còn có những thuyết minh có hệ thống về học thuyết kinh lạc, tạng phủ, chủ chương lấy phòng bệnh làm chính, trị bệnh phải trừ từ căn bệnh. “Nội kinh” còn ghi chép về vị trí của gân cốt, về độ căng và dung lượng của huyết mạch cơ bản phù hợp với thực tiễn, giảng giải các phương pháp chẩn đoán và điều trị hơn 300 chứng bệnh.