LOẠI ĐỒ SỨ NỔI TIẾNG THẾ GIỚI
Trong tiếng Anh từ China có hai nghĩa: một là Trung quốc, hai là đồ sứ. Từ khá lâu người châu Âu cho đồ “sứ” và “Trung Quốc” có mối liên quan nhau vì kỹ thuật chế tạo đồ sứ do Trung Quốc phát minh.
Vào khoảng thế kỷ XI trước công nguyên, người Trung Quốc đã biết dùng đất caolin để chế tạo đồ sứ. Đến thế kỷ I người ta lại thay đổi dùng caolin, trường thạch và thạch anh gia công thành phôi đồ sứ, sau đó phủ lớp men thủy tinh rồi đem nung ở nhiệt độ khoảng 1280oC sẽ thành đồ sứ. Ngày nay người ta chế tạo đồ sứ cũng theo phương pháp tương tự.
Kỹ thuật chế tạo đồ sứ đến thời nhà Tống (960 - 1279) đã đạt đến trình độ thành thục. Vào thời bấy giờ đã thành lập các tổ chức làm nghề sứ, trong các tổ chức này có hàng vạn người tham gia làm các công việc chọn đất, chế phối liệu, tạo phôi, phủ men, xây lò theo sự phân công chính xác. Các lò sứ đã có kết cấu mới, mỗi lần có thể nung đến hơn 2000 sản phẩm. Đã có phân công theo chuyên môn, nâng cao kỹ thuật công nghệ, làm cho chủng loại càng thêm phong phú.
Đồ sứ lôi cuốn sự chú ý của mọi người do lớp men phủ lên trên hoặc dùng men có màu thuần, hoặc phối hợp nhiều màu làm cho sản phẩm sứ bóng lộn, hết sức hấp dẫn, ví như người ta hay kể đến sứ màu xanh nhạt của đời Tấn, sứ xanh biếc của đời nhà Đường .v.v. . . Vào thế kỷ XI kỹ thuật nghề sứ Trung Quốc đã truyền đến Ba Tư (Iran ngày nay) sau lại truyền sang Arập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Vào năm 1470, Weinis người Italia mới nắm được kỹ thuật nghề sứ. Thời bấy giờ châu Âu mới bắt đầu có nghề chế tạo đồ sứ so với Trung Quốc chậm hơn l 000 năm.