Tài liệu: Cầu Triệu Châu - một kỳ tích xây dựng cầu thời cổ đại

Tài liệu
Cầu Triệu Châu - một kỳ tích xây dựng cầu thời cổ đại

Nội dung

CẦU TRIỆU CHÂU – MỘT KỲ TÍCH XÂY DỰNG CẦU THỜI CỔ ĐẠI

 

Cầu Triệu Châu nổi tiếng ở huyện Triệu, tỉnh Hà Bắc trên dòng sông Giao cách Thành Nam 2,5km, vốn có tên là cầu An Kiều, tên thường gọi là Đại Thạch Kiều. Tổng công trình sư Lý Xuân đã lãnh đạo thợ xây dựng cầu vào những năm 59l - 599. Đến năm 1955, cầu được tu sửa lại để có thể thông được  xe vận tải có tải trọng lớn.

Cầu Triệu Châu có khẩu độ tĩnh là 37,02m. Vào thời cổ đại đó là cây cầu vòm đá lớn nhất thế giới. Cho đến năm 1958, đó vẫn là cây cầu vòm đá có khẩu độ lớn nhất Trung Quốc. Dạng cong của cầu được tạo ra do ghép nhiều đoạn cung nhỏ của cung tròn, nhờ đó mà đỉnh cao của cầu chỉ là 7,02m trong khi nếu dùng nguyên cả cung tròn thì độ cao sẽ là 18,5m. Kết quả này không chỉ có lợi cho giao thông mà còn làm cho sự chịu lực của nhân cầu hợp lý hơn.

Cầu Triệu Châu ngoài vòm cầu chính, trên mỗi vai của vòm chính còn xây thêm bốn vòm nhở ở mỗi bên tả hữu. Cầu trúc này không những chỉ giảm nhẹ được trọng lượng cầu, có lợi cho sự chịu lực của nền móng, tăng khả năng thông thoát nước mà còn làm tăng vẻ đẹp của cầu, nhìn bên ngoài ta thấy ''dáng cầu uyển chuyển, cấu tạo huyền diệu, vừa chắc chắn, vừa thanh thoát, vừa hùng vĩ, vừa tráng lệ''. Phân tích theo góc độ cơ học, cấu trúc của cầu Triệu Châu, khi có tải trọng tác động lên cầu, vòm cầu chỉ chịu lực nén mà không chịu lực kéo, cách bố trí này về mặt chịu lực mà nói là hợp lý nhất cho cầu vòm.

Lý do để cho cầu Triệu Châu trải qua ngàn năm không sụp đổ, bên cạnh kết cấu của cầu còn có biện pháp thi công. Người ta đã dùng 28 đoạn vòm liên kết với nhau từng đôi, đoạn nọ với đoạn kia. Để liên kết theo chiều ngang người ta dùng các thanh thép, còn theo chiều dọc người ta lại dùng đai thép, nối liền các đoạn vòm với nhau thành một khối để tăng cường mối liên kết. Ngoài ra người ta lại dùng phương pháp ''thu nhỏ'' trên cấu trúc vòm là đáy rộng, đỉnh hẹp càng làm tăng tính ổn định của cả cây cầu. Vòm cầu được chế tạo từ các khối đá, mỗi khối nặng đến khoảng hơn 1000 kg được tuyển chọi hết sức cẩn thận để đảm bảo chất lượng.

Trên cầu Triệu Châu có 12 khối đá lan can có chạm khắc hình rồng bay. Trên cầu có 44 cây cột chạm theo hình các đốt tre, có một số trụ trên đầu có chạm đầu sư tử hết sức tinh xảo, đẹp đẽ. Toàn bộ cây cầu kết hợp hài hòa với khung cảnh chung quanh. Cách thức xây dựng cầu Triệu Châu có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng các cầu vòm ở các địa phương khác.

Qua mười mấy thế kỷ, cầu Triệu Châu đã chịu đựng nhiều trận động đất, nhiều cuộc chiến tranh lớn, nhỏ mà vẫn đứng nguyên sừng sững. Tên tuổi của Lý Xuân sẽ mãi mãi được ghi lại trong tâm trí mọi người dân Trung Quốc.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/532-02-633337414711997500/Nhung-cong-trinh-hung-vi/Cau-Trieu-Chau---...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận