KHOA CỬ THỜI LÝ
Sau kháng chiến chống Tống thắng lợi, triều Lý đặc biệt chú ý phát triển nông nghiệp. và thủ công nghiệp làm nền cho việc xây dựng triều chính quốc gia. Về tư tưởng, Phật giáo đang ở thời hoàng kim; nhưng Nho giáo - đạo trị nước lại cần cho việc củng cố chính quyền, mở rộng bang giao, cũng được coi trọng; Văn Miếu, Quôc Tử Giám kế tiếp xây dựng, khoa cử được tổ chức.
Trong 215 Năm (1010 - 1225) sử sách còn ghi được triều Lý đã tổ chức 7 khoa thi, trung bình hơn 30 năm một khoa, quả là ít so với các Vương triều phong kiến về sau; các khoa thi này đều là loại Chế khoa thi bất thường, theo chiếu chỉ nhà Vua.
Khoa thi ''Minh kinh bác học'':
Khoa Minh kinh bác học là khoa thi đầu tiên mở vào tháng 2 năm ất Mão - 1075, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 đời Vua Lý Nhân Tông. Khoa thi này lấy đỗ 10 người, sử sách chỉ ghi được Lê Văn Thịnh người đỗ đầu khoa (ông người Đông Cửu, Gia Định nay thuộc Gia Lương - Bắc Ninh được thăng tới chức Thái sư).
Về khoa thi Minh kinh bác học, xét trong khoa cử Trung Quốc và các Vương triều phong kiến Việt Nam sau này, thì chỉ có khoa Minh kinh: Thông hiểu kinh điển Nho giáo, riêng ở thời Đường có thi cả sách Lão Tử (xem Chế độ khoa cử thời Đường); còn Minh kinh bác học là chức quan trong nhà Quốc Tử Giám, rất có thể đây là kỳ thi nhằm mục đích chọn thầy cho Quốc Tử Giám được mở vào năm sau (1076).
Về khoa này, sử sách ghi: ''Tuyển Minh kinh bác học dữ Nho học tam trường'' . Câu này nay còn hiểu khác nhau, theo chúng tôi nghĩ, đây là hai khoa riêng biệt trong đó gồm Khoa Minh kinh bác học và khoa thi Nho học tam trường (3 trường gồm ba nhóm bài thi, ba đợt thi, vì các kỳ thi Nho giáo thời kỳ này chưa tổ chức quy mô của khoa thi tứ trường).
Khoa thi ''Văn học'':
Khoa thi này tổ chức vào Tháng 8 năm Bính Dần năm 1086, niên hiệu Quảng Hựu thứ 2 đời Vua Lý Nhân Tông. Khoa thi này nhằm chọn người có văn học trong nước để đưa vào Viện Hàn lâm; như vậy khoa này cũng là một Chế khoa, đỗ đầu khoa là Mạc Hiển Tích, viễn tổ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần.
Khoa thi điện:
Khoa thi tổ chức vào Tháng 10 năm Nhâm Thân - năm 1152, niên hiệu Đại Định thứ 13. Về khoa thi này Đại Việt sử ký toàn thư ghi là Điện thí - thi Điện; Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú lại ghi là Đình thí – thi Đình. Các sách ghi Thi điện hay Thi đình là ghi địa điểm thi tại Điện, Đình Hoàng đế chữ không phải là kỳ thi Đình thi Điện trong kỳ thi Tiến sỹ.
Khoa thi “Thiên hạ sĩ nhân”:
Thi ''Thiên hạ sĩ nhân'' (thi kẻ sĩ trong nước), chưa rõ là tên khoa thi hay chỉ là ghi chép về việc tổ chức thi; riêng Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí ghi là: Thái học sinh, có lẽ không phải như thế. Vì triều Lý tổ chức ba khoa loại này vào các năm 1165, 1185 thì chỉ có khoa năm 1185 ghi thêm được mục đích khoa thi là chọn người giỏi thi thư, và ghi được tên 3 người đỗ; không biết gì rõ hơn về cách thức tổ chức, có thể đây cũng là 3 Chế khoa.
Khoa thi ''Tam giáo'':
Khoa thi “tam giáo” nguyên văn trong sử sách ghi tà "Thí tam giáo tử”: thi người trong ba giáo Nho, Phật, Đạo. Khoa thi này tổ chức vào đời vua Lý Cao Tông niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy thứ 10 năm Ất Mão - 1195. Khoa thi "Tam giáo" sang đến đời Trần vẫn tổ chức.