“MẶC KINH”- TÁC PHẨM KHOA HỌC SỚM NHẤT.
Trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc trong các trường pháp của Bách gia chư tử có trường phái Mặc Tử danh tiếng ngang với trường phái Khổng Tử. Trường phái học thuật này hết sức coi trọng việc nghiên cứu và tích lũy tri thức khoa học tự nhiên. ''Mặc Kinh'' là tác phẩm chủ yếu của trường phái này. Trong “Mặc Kinh” có đưa ra nhiều định nghĩa về đường tròn, đường thẳng, diện tích v.v. . . so với các định nghĩa tương tự của Euclide ở châu Âu sớm hơn 100 năm.
Trong ''Mặc Kinh'' còn có nội dung liên quan đến quang học, cơ học. Về phương diện quang học, trong ''Mặc Kinh'' có bàn đến nguyên lý tạo thành ảnh qua lỗ nhỏ; ánh sáng truyền theo đường thẳng; các định luật phản xạ; các loại gương phẳng, gương lồi, gương lõm, ảnh của vật qua gương lồi, gương lõm, có những phát hiện mang tính quy luật. Thậm chí trong sách cũng đề cập đến mối liên quan giữa màu ngọn lửa và nhiệt độ. Trong sách cũng bàn về mối liên quan giữa ánh sáng và ảnh, chỉ ra rằng bóng của một vật chuyển động không hề chuyển động mà đứng yên. Nhìn bên ngoài khi vật chuyển động thì bóng chuyển động theo, sự thực chỉ là khi vật chuyển động thì bóng cũ bị biến mất. Khi vật chuyển động đến vị trí mới, tại đây lại xuất hiện bóng mới của vật, quá trình biến mất - xuất hiện xảy ra trong thời gian rất ngắn mắt người không nhận thấy được nên có cảm giác là bóng đã di động.
Trong cơ học “Mặc Kinh” cũng đưa ra khái niệm “lực” cũng như định nghĩa hợp lực sớm nhất. Qua việc phân tích rất nhiều ví dụ về cân bằng cột, sức đỡ đưa ra kết luận ''dài, nặng ở phía dưới; ngắn - nhẹ ở trên'', manh nha khái niệm độ lớn của lực. Trong “Mặc Kinh” cũng có bàn về các hiện tượng có liên quan đến tĩnh học các chất lỏng, sơ bộ hình thành tư tưởng về lực đẩy. Trong sách cũng bàn về mối quan hệ giữa không gian thời gian. Thời gian bao gồm ý niệm sớm - muộn, cũ - mới. Không gian chỉ vị trí Đông – Tây, Nam - Bắc; không gian, thời gian là liên tục và vô hạn. Từ chỗ thời gian nhỏ đến mức không chia nhỏ được gọi đó là “thủy”, (Khởi đầu N.D.), không gian xuất phát từ “gốc” tạo nên do đó đưa ra khái niệm thời gian - không gian vô hạn, quan điểm tương hỗ thống nhất của không gian - thời gian. Trong “Mặc Kinh” cũng đề cập đến quan điểm vật chất, bất diệt, cũng như đưa ra quan điểm không đem các đại lượng vật lý không đồng loại để so sánh.
“Mặc –Kinh” cũng đưa ra nhiều khái niệm trừu tượng trong hình học, đưa ra những định nghiã hợp lý. Ví dụ từ sự so sánh độ cao - thấp đưa ra định nghĩa ''bằng'', dùng ba điểm trên một đường để đưa ra định nghĩa ''thẳng''. Ngoài ra còn đưa ra khái niệm giống định nghĩa về vòng tròn hiện đại. Đưa ra các khái niệm điểm, đường, diện tích, thể tích và các thuyết minh thích hợp. Tư tưởng toán học của “Mặc Kinh” thực sự ở vị trí hàng đầu.
“Mặc kinh” còn ghi lại nhiều phát minh kỹ thuật cũng như các biện pháp kỹ thuật xe thang công thành, “ngựa trâu gỗ” tự đi lại, mười hai phương pháp giữ thành chống địch công thành v.v...
Giá trị của tư tưởng ''Mặc Kinh'' là đúc kết qua việc quan trắc và kiểm nghiệm bằng hiện tượng thực nghiệm mà khái quát ra các khái niệm lý luận trừu tượng. Đây là phương pháp tư tưởng mà nhờ vào đó khoa học Tây phương đã phát triển rất mạnh.