Tài liệu: Mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền dân chủ cộng hòa

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Thực hiện khẩu hiệu “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc là nhiệm vụ thiêng liêng và cấp bách nhất của nhân dân ta lúc bấy giờ.
Mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền dân chủ cộng hòa

Nội dung

Mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng nền dân chủ cộng hòa

1. Đại đoàn kết dân tộc, liên hiệp quốc dân Việt Nam

Thực hiện khẩu hiệu “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc là nhiệm vụ thiêng liêng và cấp bách nhất của nhân dân ta lúc bấy giờ. Vì vậy phải mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam, gạt bỏ những bất đồng trong nội bộ quốc gia – dân tộc nhằm chĩa mũi nhọn vào kẻ thù xâm lược bên ngoài và các lực lượng phản động tay sai.

Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương lập mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược, mở rộng Việt Minh làm cho nó bao gồm mọi tầng lớp nhân dân, chú trọng lôi kéo cả địa chủ phong kiến, đồng bào công giáo, phát triển và thống nhất các tổ chức trong toàn quốc, tổ chức thêm các đoàn thể cứu quốc mới vào Việt Minh vv…[1]

Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực thi nhiều biện pháp để tập hợp, sử dụng những nhân sĩ trí thức, tìm kiếm nhân tài của đất nước phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Nhiều nhân sĩ trí thức được chính phủ mời tham gia bộ máy hành chính, các cơ quan chuyên môn ở các cấp, nhất là ở Trung ương. Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại), vừa mới thoái vị ngôi vua để làm người công dân tự do của một nước độc lập, đã được cử làm cố vấn Chính phủ lâm thời dân chủ cộng hòa theo sắc lệnh số 23-SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ngày 10 - 9 - 1945.

Mặt trận Việt Minh được củng cố và chấn chỉnh lại. Một số đoàn thể quần chúng và đảng phái dân chủ lần lượt ra đời, như Công thương cứu quốc Sinh viên cứu quốc, Công giáo cứu quốc, Hướng đạo cứu quốc, Viên chức cứu quốc, Cựu binh sĩ cứu quốc... Các hội Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ lần lượt mở hội nghị để thống nhất hệ thống tổ chức.

Số lượng hội viên của các đoàn thể cứu quốc trong Việt Minh tăng lên nhanh chóng.

Công tác văn động tổ chức, đoàn kết các dân tộc ít người được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Nha dân tộc thiểu số được thành lập để giúp chính phủ giải quyết mọi vấn đề liên quan đến các dân tộc thiểu số trong toàn cõi Việt Nam.

Hội nghị các dân tộc thiểu số toàn quốc được tổ chức tháng 12 – 1945 và Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số khu vực miền Nam họp tháng 4 - 1946 đã góp phần củng cố khối đoàn kết dân tộc trong cộng đồng quốc gia thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia-rai hay Ê-đê, Xơ-đăng hay Ba-na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Giang sơn và Chính phủ là giàng sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”[2].

Do nhu cầu mở rộng hơn nữa cuộc vận động, tổ chức công nhân và lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã được thành lập (20 - 7 - 1946). Đảng Xã hội Việt Nam ra đời (22 - 7 - 1946) nhằm tập hợp đoàn kết mọi trí thức yêu nước và dân chủ. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành lập ngày 20 - 10 - 1946. Đặc biệt, ngày 29 - 5 - 1946, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam đã tuyên bố chính thức thành lập ở Hà Nội. Đây là một hình thức tổ chức rộng rãi của mặt trận trong thời kì mới, một sự kiện chính trị quan trọng. Hội có mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và các đóng bào yêu nước không đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam được Độc lập, Thống nhất, dân chủ, Phú cường. Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam ra đời đã tạo thêm khả năng mới để đoàn kết và tranh thủ những ai có thể tranh thủ được để thống nhất các lực lượng quốc gia dân tộc, thực hiện mục đích chung của Hội là: vì nước. Hơn bao giờ hết, “bao nhiêu thành kiến giai cấp, bao nhiêu phân tranh đảng phái, bao nhiêu đố kị về tôn giáo và nòi giống phải hất ra khỏi con đường tiến triển của dân tộc Việt Nam. Từ nay quốc dân Việt Nam đã liên hiệp, không phải chỉ liên hiệp ở trong chính phủ, mà còn liên hiệp ở quảng đại quần chúng nhân dân... Thống nhất dân tộc là một vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù dân tộc. Vũ khí ấy, ta phải giữ như một của báu... Lúc này bí quyết của sự thành công ở chỗ tinh thần đoàn kết” [3].

2. Xây dựng hệ thống chính quyền nhân dân và pháp luật

Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám đã đưa đến việc thành lập bộ máy chính quyền trong cả nước từ Trung ương đến cơ sở. Chính quyền là công cụ sắc bén để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ quyền độc lập tự do. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải củng cố và tăng cường sức mạnh của bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương, làm cho chính quyền đó thực sự là của dân, do dân và vì dân.

Chính quyền Nhà nước ở Trung ương:

Ngày 3 - 9 - 1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v…”[4].

Ngày 8 - 9 - 1945, Chủ tích Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra sắc lệnh số 14 - SL quy định trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày kí sắc lệnh này, sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Chính phủ cũng đã liên tiếp ra một số sắc lệnh để xúc tiến công cuộc chuẩn bị cụ thể cho cuộc Tổng tuyển cử. Một ủy ban dự thảo Hiến pháp được thành lập theo Sắc lệnh số 34-SL, công bố ngày 20 - 9 - 1945,gồm 7 thành viên là: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu.

“Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyên đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”[5].

Quá trình chuẩn bị và tiến hành Tổng tuyển cử đã diễn ra trong điều kiện các lực lượng đế quốc và tay sai ráo riết chống lại chính quyền cách mạng, chống lại độc lập tự do. Vì vậy, đây không phải là một cuộc Tổng tuyển cử bình thường mà thực sự là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc gay go phức tạp, quyết liệt.

Việt Quốc, Việt Cách đòi phải lập lại chính phủ, xóa bỏ chế độ ủy ban nhân dân ... Việt Quốc đòi giữ các Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục, Bộ Thanh niên, đòi được chiếm giữ 1/3 số ghế trong Quốc hội và Việt Minh cũng chỉ được giữ 1/3 số ghế.

Việt Minh và Chính phủ lâm thời kiên quyết bác bỏ mọi yêu sách, đấu tranh chống mọi sự phá hoại của Việt Quốc, Việt Cách, đồng thời kiên trì thương lượng, hòa giải, nhân nhượng một cách khôn khéo nhằm tạo bầu không khí ổn định và mọi thuận lợi cho Tổng tuyển cử.

Để tránh mũi nhọn tấn công của kẻ thù, Đảng Cộng sản Đông Dương phải đi vào hoạt động bí mật, song lại tuyên bố tự giải tán nhằm loại bỏ tất cả những điều kiện hiểu lầm ở ngoài nước và trong nước có thể gây trở ngại cho tiền đồ giải phóng của nước nhà và chỉ để lại một bố phận hoạt động dưới danh nghĩa “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”. Đó là biện pháp lãnh đạo kín đáo và có hiệu quả hơn.

Nhiều cuộc tiếp xúc thương lượng giữa Việt Minh với Việt Quốc, Việt Cách đã diễn ra. Trên cơ sở đó, đại diện của Việt Minh, Việt Quốc và Việt Cách đã lần lượt kí kết các văn bản ghi nhận về tinh thần, nguyên tắc và các biện pháp đoàn kết hợp tác, trong đó có các điểm chủ yếu như: độc lập và đoàn kết trên hết, ủng hộ Tổng tuyển cử Quốc hội và kháng chiến, đình chỉ công kích lẫn nhau, mở rộng Chính phủ lâm thời, thừa nhận 70 ghế cho Việt Quốc, Việt Cách trong Quốc hội không qua bầu cử v.v..

Ngày 1 - 1 - 1946, Chính phủ lâm thời tự cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thêm một số thành viên của Việt Quốc, Việt Cách. Chính phủ liên hiệp lâm thời do Hồ Chí Minh giữ chức Chủ tịch kiêm ngoại giao[6].

Chương trình đối nội đầu tiên của Chính phủ liên hiệp lâm thời là làm cho cuộc Tổng tuyển cử của toàn dân được thành công tốt đẹp và tích cực chuẩn bị cho việc khai mạc Quốc hội.

Cùng với quá trình đấu tranh và nhân nhượng hòa giải với các lực lượng chính trị đối lập ở bên trên, chính phủ và Việt Minh đã triển khai sâu rộng công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử trong cả nước, coi đó là một cuộc vận động giáo dục và tổ chức quần chúng rộng lớn, thực hiện đại đoàn kết thống nhất dân tộc. Ủy ban dự thảo Hiến pháp đã khẩn trương soạn thảo bản dự án Hiến pháp. Sau khi được Hội đồng chính phủ thảo luận, bản dự án Hiến pháp dã được công bố công khi để toàn dân bàn bạc, góp ý.

Ngày 5 - 1 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu để phát huy quyền làm chủ của mình, tự do lựa chọn và bầu ra những đại biểu xứng đáng thay mặt cho mình để gánh vác việc nước. Quốc dân đồng bào đi bầu cử là tỏ rõ cho thế giới biết rằng dân tộc Việt Nam đã “kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập”.

Ngày 6 - 1 - 1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra sôi nổi trong cả nước. Nhiều địa phương, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử (riêng ở Sài Gòn, Chợ Lớn có 42 cán bộ và chiến sĩ đã hi sinh, trong đó có Nguyễn Văn Tư - cán bộ của Tổng công đoàn).

Cuộc Tổng tuyển cử đã được toàn dân tham gia rộng rãi, có địa phương đến 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái dân chủ khác nhau, 43% đại biểu không đảng phái (87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc ít người).

Quốc hội khóa I là thành quả của cuộc đấu tranh dân tộc gay gắt. Đó là Quốc hội của độc lập, thống nhất dân tộc và đại đoàn kết toàn dân, của tất cả các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái yêu nước và dân chủ.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đánh dấu mốc phát triển đầu tiên trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ trên đất nước Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, là “kết quả của sự hi sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta... không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hi sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”[7].

Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, tình hình chính trị ở nước ta lại có những diễn biến phức tạp mới. Cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở miền Nam đang lan rộng. Cuộc kháng chiến của quân và dân ta đang gặp nhiều khó khăn. Ở miền Bắc, quân Pháp từ Vân Nam kéo vào Lai Châu, Tuần Giáo, Điện Biên. Lợi dụng tình hình đó, Việt Quốc, Việt Cách đã gây sức ép với chính quyền cách mạng. Pháp và Tưởng cũng đã ngấm ngầm thương lượng dàn xếp để quân Pháp ra miền Bắc thay thế quân Tưởng.

Trong bối cảnh đó, ngày 2 - 3 - 1946, gần 300 đại biểu Quốc hội đã họp kì thứ nhất tại Nhà hát lớn (Hà Nội), do Ngô Tử Hạ, đại biểu cao tuổi nhất làm Chủ tịch kì họp.

Do tình thế đặc biệt cần phải nhân nhượng, hòa giải để tăng thêm sự liên hiệp quốc dân trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội đã biểu quyết tán thành đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mở rộng thêm 70 đại biểu (đại diện cho Việt Quốc, Việt Cách) không qua bầu cử, theo như văn bản “Mười bốn điều thỏa thuận giữa Việt Nam cách mệnh đồng minh hội, Việt Nam quốc dân đảng, Việt Minh” đã kí kết ngày 23 - 12 - 1945 tại Hà Nội.

Quốc hội đã quyết định thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến, bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch, đồng thời giao cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch lập chính phủ mới.

Do đã thương lượng và thỏa thuận với các đảng phái từ trước nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng báo cáo và được Quốc hội công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Cố vấn đoàn và Kháng chiến ủy viên hội.

Thành phần Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm có Chủ tịch, Phó chủ tịch và 10 Bộ do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch[8].

Cố vấn đoàn do cố vấn tối cao Vĩnh Thụy đảm nhiệm.

Kháng chiến ủy viên Hội do Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch, Vũ Hồng Khanh làm Phó Chủ tịch.

Quốc hội đã bầu Ban thường trực gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết, trưởng ban là Nguyễn Văn Tố, phó ban là Phạm Văn Đồng và Cung Đình Quỳ (Việt Quốc).

Quốc hội cũng đã thông qua bản Tuyên ngôn, trịnh trọng khẳng định:

“Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam, chính thể của nước Việt Nam là chính thể dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ báo vệ tự do và mưu đồ hạnh phúc cho mọi tầng lớp nhân dân.

Các dân tộc ở trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.

Nền độc lập và dân chủ đã lập nên, nhờ sự đoàn kết, hi sinh và chiến đấu của toàn dân...

Quốc hội Việt Nam kiên quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập và lãnh thổ của quốc gia và quyền tự do của nhân dân Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam ra lệnh cho toàn thể quốc dân tận lực chống giữ giang sơn và xây dựng lại Tổ quốc để dân tộc Việt Nam tiến nhanh tới vinh quang, cường thịnh”[9].

Kì họp thứ nhất của Quốc hội đã thành lập Ban Thường trực Quốc hội, Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên Hội. Đó là một bước hoàn thiện và củng cố bộ máy nhà nước ở Trung ương, làm cho Nhà nước ta có đầy đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến và kiến quốc, thực hiện mọi chức năng đối nội và đối ngoại.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử và kì họp thứ nhất của Quốc hội là thắng lợi của khối đại đoàn kết toàn dân, của quá trình đấu tranh, nhân nhượng, hòa giải dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh.

Quốc hội nước Việt Nam DCCH (khóa I) họp kì thứ nhất tại Nhà hát lớn – Hà Nội ngày 2-3-1946. (Ảnh của VNTTX)

Sau tám tháng hoạt động của Quốc hội và Chính phủ liên hiệp kháng chiến, kể từ kì họp thứ nhất của Quốc hội (3 - 1946), dưới sự chỉ đạo sáng suốt và khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước nhà đã vượt qua được nhiều khó khăn. Quốc hội và chính phủ đã nỗ lực xây dựng được khối đại đoàn kết thống nhất, giữ vững được chính quyền. Cách mạng Việt Nam đang tiến bước vững chắc. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã họp kì thứ hai tại Hà Nội, từ ngày 28 – 10 đến 9 - 11 - 1946. Tham dự có 290 đại biểu. Một số đại biểu ở cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ vì công việc kháng chiến không ra họp được. Hầu hết đại biểu của Việt Quốc, Việt Cách đã bỏ nhiệm vụ chạy theo quân Tưởng hoặc bị cơ quan an ninh quốc gia trừng trị vì tội phản bội Tổ quốc. Công chúng đã được vào dự thính kì họp và có quyền chất vấn chính phủ.

Quốc hội đã thảo luận các báo cáo của chính phủ, thông qua các nghị quyết về nội trị, ngoại giao, thông qua Dự án luật lao động, Hiến pháp, lập chính phủ mới và bầu Ban Thường trực Quốc hội.

Hồ Chí Minh được Quốc hội ủy nhiệm đứng ra lập chính phủ mới theo nguyên tắc đoàn kết và tập hợp nhân tài, không phân biệt đảng phái. Người tuyên bố trước Quốc hội: lần này là lân thứ hai mà Quốc hội giao phó cho tôi phụ trách chính phủ một lần nữa. Việt Nam chưa được độc lập chưa được thống nhất thì bất kì Quốc hội ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng sức mà làm. Tôi xin nhận”..., “Chính phủ sau đây phải là một chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội; trước Quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ một đảng - đảng Việt Nam”, “Chính phủ sau đây phải là một chính phủ liêm khiết, ... một chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích: trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà[10].

Ngày 3 - 11 - 1946, Quốc hội đã biểu quyết tán thành chính phủ mới do Hồ Chí Minh thành lập. Chính phủ mới có 14 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao[11].

Quốc hội đã thảo luận và nhất trí quyết định giao cho Ban thường trực Quốc hội nhiệm vụ: liên lạc với chính phủ để giúp ý kiến và phê bình chính phủ, cùng với chính phủ quy định việc thi hành Hiến pháp, liên lạc với đại biểu Quốc hội khi cần thiết, cùng với chính phủ quyết định tuyên chiến, đình chiến hoặc kí hiệp ước với nước ngoài.

Ban Thường trực Quốc hội được bầu tại kì họp thứ hai gồm 18 thành viên do Bùi Bằng Đoàn làm trưởng ban, Tôn Đức Thắng và Tôn Quang Phiệt làm phó trưởng ban.

Kì họp thứ hai của Quốc hội khóa I là kì họp dài ngày đầu tiên, sôi nổi, dân phủ và đoàn kết thống nhất. “Nếu có ai có thành kiến của giai cấp của đảng phái, của tôn giáo thì đến trong phòng này... (phòng họp của Quốc hội) cũng đã để lòng nghe theo một tiếng gọi cao cả và thiêng liêng hơn cả bấy nhiêu tiếng gọi lúc thường: tiếng gọi của Tổ quốc. Cái không khí ấy đã hoàn toàn phản chiếu được tình trạng chung của đất nước..., tình trạng thống nhất ý chí và hành động[12]. Tổ quốc trên hết! Đoàn kết, đại đoàn kết, không phân biệt đảng phái là ý chí cơ bản của Quốc hội, của chính phủ theo ngọn cờ thống nhất quốc gia dân tộc của Hồ Chí Minh.

Chính phủ nước Việt Nam DCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập (được Quốc hội biểu quyết tán thành ngày 3 -11 -1946). (Ảnh của VNTTX)

Thắng lợi của kì họp thứ hai của Quốc hội và Chính phủ mới ra đời là một bước tiến vững chắc trong việc kiện toàn chính quyền Trung ương.

Chính quyền nhân dân các cấp ở địa phương

Sau Cách mạng tháng Tám, về mặt hành chính, chính quyền các cấp ở địa phương gồm cấp kì (sau đổi là bộ, tỉnh, thành phố, huyện và thị xã). Ngày 22 - 11 - 1945, chính phủ ban hành Sắc lệnh số 63/SL quy định về tổ chức, quyền hạn và cách làm việc của ủy ban hành chính các cấp (xã, huyện, tỉnh, kì). Đây là sắc lệnh cơ bản nhất quy định chế độ chính quyền nhân dân các cấp ở địa phương.

Căn cứ các sắc lệnh của chính phủ đã ban hành, việc tổ chức chính quyền các cấp ở địa phương được triển khai khẩn trương. Đến tháng 11 - 1946, trong số 227 huyện, thị xã ở Bắc Bộ thị có 128 huyện, thị xã đã có ủy ban hành chính chính thức. Ở Trung Bộ, trừ các tỉnh trực tiếp có chiến sự, tất cả các tỉnh còn lại đã bầu ủy ban hành chính chính thức và trong số 118 huyện thì 73 huyện có Ủy ban hành chính chính thức. Ở Nam Bộ, vì có chiến sự ác liệt nên chưa thể thực hiện được sắc lệnh số 63, do đó chỉ có thể đổi ủy ban nhân dân sang ủy ban hành chính lâm thời. Chính quyền nhân dân các cấp từ Trung ương đến địa phương được tổ chức và làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới của dân, do dân, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ rằng: “Các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kì dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”[13].

Về pháp luật

Chính phủ đã ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng để bảo vệ quyền dân chủ của mọi công dân Việt Nam: Sắc lệnh số 40/SL ngày 29 - 3 - 1946 về Việc bảo vệ quyền tự do cá nhân Sắc lệnh số 41/SL quy định chế độ tự do báo chí; Sắc lệnh số 52/SL ngày 22-4-1946, quy định chế độ tự do lập hội; Sắc lệnh số 85/SL ngày 20-9-1945, bảo vệ quyền tự do tín ngưởng... Đặc biệt tại kì họp thứ hai Quốc hội đã thông qua Dự án luật lao động và Hiến pháp đầu tiên của nước ta.

Dự án luật lao động được Quốc hội thông qua ngày 8-11-1946 nhằm đặt nền móng cho bộ luật lao động của chính phủ đang soạn thảo: Xuất phát từ quyền lợi của người lao động và nhu cầu để phát triển kinh tế nên phải dung hòa quyền lợi của nghiệp chủ và của lao động. Tinh thần của Dự án lúc bấy giờ là không khuếch trương cuộc đất tranh giữa lao động với chủ mà cố gắng đoàn kết, dung hòa quyền lợi của cả đôi bên. Nội dung Dự án luật lao động gồm 25 điều, trong đó đề cập đến những vấn đề có tính nguyên tắc là:

- Nhìn nhận lao động, không ai được bó buộc, lao động phải được tôn trọng, giá trị phải được đáp ứng xứng đáng.

- Định rõ rệt chế độ học nghề.

- Định rõ thể lệ trong việc lập và thi hành khế ước.

- Định rõ phụ cấp cùng việc chia lãi,

- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ,

- Bảo vệ công nhân nữ và trẻ em,

- Bảo vệ sức khỏe công nhân,

- Quyền tập hợp và đình công của công nhân.

Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 9-11-1946 với 240 phiếu tán thành (trên tổng số 242 phiếu).

Bản Hiến pháp gồm có Lời nói đầu, 7 chương và 70 điều.

Lời nói đầu của Hiến pháp đã ghi rõ thành quả của cuộc cách mạng Việt Nam là “đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa”, “Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới”, “Nhiệm vụ của toàn dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”.

Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được xây dựng trên những nguyên tắc:

“Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.

- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ

- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.

Hiến pháp đã quy định chính thể (Chương I), nghĩa vụ và quyền lợi của công dân (Chương II), Nghị viện nhân dân (Chương III), Chính phủ (Chương IV), Hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính (Chương V), Cơ quan tư pháp (Chương VI) và Sửa đổi Hiến pháp (Chương VII).

Về chính thể, Hiến pháp đã ghi rõ:

“Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giầu nghèo, giai cấp, tôn giáo (Điều 1).

“Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất: Trung, Nam, Bắc không thể phân chia” (Điều 2).

“Cờ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh. Quốc ca là bài Tiến quân ca. Thủ đô đặt ở Hà Nội” (Điều 3).

Về nghĩa vụ và quyền lợi công dân:

“Mọi công dân Việt Nam phải: bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân theo pháp luật” (Điều 4) và có nghĩa vụ đi lính” (Điều 5).

“Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều 6), “đều được bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều 7); những dân tộc thiểu số “được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung” (Điều 8); “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9),

“Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưởng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” (Điều 10). “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người dân Việt Nam. Nhà ở và thư tín của công dân Việt Nam, không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật” (Điều 11). “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm” (Điều 12), “Quyền lợi các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm” (Điều 13), “Công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ em được săn sóc về mặt giáo dưỡng” (Điều 14). “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được chính phủ giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước” (Điều 15).

“Chế độ bầu cử là phổ thông đầu phiếu. Bỏ phiếu phải tự do, trực tiếp và kín” (Điều 17), “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên... đều có quyền bầu cử” (Điều 18), “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra...” (Điều 20), “Có quyền phủ quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” (Điều 21).

Về nghị viện nhân dân:

“Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” (Điều 22). “Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà chính phủ kí với nước ngoài” (Điều 23). “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phán quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý” (Điều 32). “Khi nghị viện không họp được, Ban Thường vụ cùng với chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến” (Điều 38).

Về chính phủ:

“Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” (Điều 43). “Chính phủ gồm có Chủ tịch nước..., Phó chủ tịch và nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó thủ tướng (Điều 44). Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chọn trong nghị viện nhân dân và phải được hai phần ba tổng số nghị viên bỏ phiếu thuận. Chủ tịch nước được bầu trong thời hạn 5 năm và có thể được bầu lại” (Điều 45). “Chủ tịch nước chọn Thủ tướng trong nghị viện và đưa ra nghị viện biểu quyết. Thủ tướng chọn các Bộ trưởng trong nghị viện và đưa ra nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách” (Điều 47).

Chủ tịch nước có quyền: thay mặt cho nước, giữ quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái, kí sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, nhân viên Nội các và các nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan chính phủ, chủ tọa Hội đồng chính phủ, ban bố các đạo luật đã được nghị viện quyết định, tuyên chiến hay đình chiến theo như Điều 38 đã định (Điều 49).

Chính phủ có quyền hạn: thi hành các đạo luật, đề nghị những dự án sắc luật ra trước nghị viện, đề nghị những dự án sắc luật ra trước Thường vụ trong lúc nghị viện không họp mà gặp trường hợp đặc biệt. Thi hành luật động viên và mọi phương sách cần thiết để giữ gìn đất nước. Lập Dự án ngân sách hàng năm (Điều 52).

Về hệ thống tổ chức và quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, hệ thống và quyền hạn của các cơ quan tư pháp và những điều quy định về sửa đổi Hiến pháp đã được Hiến pháp quy định từ Điều 57 đến Điều 70 thuộc các chương V, VI, VII.

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một Hiến pháp dân tộc dân chủ, khẳng định nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của toàn dân, xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa, một chế độ bảo đảm quyền tự do dân chủ của mọi công dân Việt Nam. Đánh giá về Hiến pháp, Hồ Chí Minh nói đây là “Bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà,... một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi á Đông... Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập,... dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do,... phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông... Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp”[14].

3. Xây dựng lực lượng quân đội và công an

Xây dựng quân đội và công an là một nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, giải phóng quân Việt Nam được chấn chỉnh, mở rộng và đổi thành Vệ quốc đoàn.

Ngày 22-5-1946, Chính phủ ra sắc lệnh số 71/SL về việc đổi Vệ quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Quân đội quốc gia Việt Nam được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng tham mưu, cơ quan tham mưu quân sự cơ mật, đầu não của quân đội. Quân đội được tổ chức biên chế thống nhất theo trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội... Đông đảo thanh niên gia nhập quân đội. Đến cuối năm 1946, tổng số quân lên đến 80.000 người.

Bộ Quốc phòng được kiện toàn, các cục quân nhu, cục chế tạo, các xưởng quân giới, ngành quân y, các trường đào tạo cán bộ chính trị, quân sự của quân đội được thành lập.

Chính phủ rất coi trọng việc xây dựng quân đội một cách toàn diện về quân sự, chính trị, trang bị, cấp dưỡng và đặc biệt là về chính trị tinh thần. Nguyên tắc cơ bản nhất của quân đội cách mạng là đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Tháng 1 - 1946, Trung ương quân ủy được thành lập do Võ Nguyên Giáp làm Bí thư, có nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng lãnh đạo và tổ chức quân đội. Cán bộ, chiến sĩ của Quân đội quốc gia Việt Nam phải “trung với nước, hiếu với dân”. Đó là bản chất cách mạng, là bổn phận thiêng liêng, trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là niềm vinh dự lớn lao của người chiến sĩ trong đội quân quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, tự do.

Quân đội quốc gia Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu có chỗ dựa vững chắc là nhân dân, là chế độ mới - chế độ dân chủ cộng hòa. Đó là nhân tô quyết định sự phát triển, sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội mặc dù lực lượng còn non trẻ, kinh nghiệm chiến đấu ít, trang bị còn kém.

Cùng với việc xây dựng quân đội quốc gia, chính phủ đặc biệt coi trọng việc “quân sự hóa” toàn dân, vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng lực lượng nửa vũ trang (bao gồm dân quân ở nông thôn và tự vệ ở đô thị). Hầu hết các xã, thôn đều có đội dân quân; ở khu phố, nhà máy đều có các đội tự vệ thường xuyên luyện tập. Đến cuối năm 1946, có khoảng một triệu dân quân tự vệ đã được tổ chức và huấn luyện quân sự. Đây chính là “bức tường sắt của Tổ quốc”.

Lực lượng an ninh quốc gia được chấn chỉnh và phát triển có hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 23/SL - thành lập Việt Nam công an vụ. Công an có nhiệm vụ tìm hiểu, thu thập những tin tức liên quan đến sự an toàn của quốc gia; đề nghị và thực thi các phương pháp đề phòng những hành động làm rối tình hình trị an trong nước; truy tìm các can phạm để đưa ra tòa án trừng trị. Ngày 18-4-1946, Bộ Nội vụ đã ban bố Nghị định số 121/BNV - quy định cơ cấu tổ chức, quyền hạn, nhiệm vụ của tổ chức Việt Nam công an vụ gồm 3 cấp: ở Trung ương gọi là Nha công an Việt Nam; ở các miền Bắc, Trung, Nam thì gọi là Sở công an; ở tỉnh - thành phố gọi là Ti công an. Nghị định cũng quy định mối quan hệ giữa công an với các cơ quan hành chính và tư pháp. Thực hiện Sắc lệnh số 28/SL, Sở liêm phóng Bắc Bộ đổi thành Sở công an Bắc Bộ, Sở trinh sát ở Trung Bộ đổi thành Sở công an Trung Bộ, và ở Nam Bộ, cơ quan Quốc gia tự vệ cục đổi thành Sở công an Nam Bộ. Ở các thành phố và tỉnh của cả nước, các lực lượng công an đều đổi thành Ti công an.

Như vậy, lực lượng cán bộ và chiến sĩ công an đã được củng cố và phát triển nhằm đáp ứng với yêu cầu cấp bách của công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia.

Hệ thống tổ chức tòa án đã lần lượt được xây dựng. Ngay từ ngày 13-9-1945, chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 163/SL - thành lập tòa án binh lâm thời đặt tại Hà Nội, để xét xử những quân nhân và những người phục vụ trong cơ quan quân đội bị phạm pháp, làm hại thanh danh hay làm tổn hại cho quân đội.

Việc xây dựng một hệ thông tòa án mới các cấp, hoạt động theo pháp luật thể hiện tính pháp trị của Nhà nước dân chủ cộng hòa theo tư tưởng “thần linh pháp quyền” của Hồ Chí Minh là một thắng lợi lớn của sự nghiệp xây dựng nền tư pháp dân chủ đầu tiên, một công cụ sắc bén của chế độ dân chủ mới.

4. Khắc phục nạn đói, khôi phục và bước đầu xây dựng nền kinh tế độc lập, dân chủ.

Đất nước độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập không có ý nghĩa gì. Đứng trước những khó khăn về kinh tế, nhất là hậu quả của nạn đói cũ đang hoành hành, nạn đói mới đang có nguy cơ đe dọa, trong phiên họp ngày 3-9-1945 theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã quyết định phải chống “giặc đói”, phát động ngay một phong trào tăng gia sản xuất. Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc đã vận động nhân dân cứu trợ đồng bào những nơi đang bị đói. Nhiều sáng kiến cứu đói được thực hiện như tổ chức lạc quyền, tổ chức “ngày đồng tâm” nhịn ăn, lập “hũ gạo cứu đói”... đã trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn. Số gạo tiết kiệm được đem phân phát để cứu dân đói, dân nghèo. Truyền thống đồng cam động khổ “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đùm bọc lẫn nhau của dân ta được khơi động mạnh mẽ.

Chính phủ còn ban hành những biện pháp hành chính để cứu đói như cấm dùng gạo vào việc nấu rượu, xóa bỏ mọi hạn chế trong việc lưu thông gạo giữa các vùng trong cả nước, cấm dân tích trữ thóc gạo, thành lập tổ chức “ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế của chính phủ. Việc chuyên chở gạo từ các tỉnh ở Nam Bộ và Trung Bộ ra Bắc Bộ được thực hiện khẩn trương. Chỉ tính 3 tháng cuối năm 1945 đã có đến 700 tấn gạo được chuyển ra Bắc Bộ, kịp đưa đến các địa phương để cứu đói.

Nguy cơ “giặc đói” đã được giảm dần, song để xóa bỏ hẳn nạn đói, điều cơ bản là phải phát triển sản xuất.

Khẩu hiệu “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!” và thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng” là biện pháp cơ bản để giải quyết nạn đói từ gốc.

Một phong trào tăng gia sản xuất rộng lớn được diễn ra trong toàn dân. Chính phủ đã lập ủy ban Trung ương phụ trách vấn đề sản xuất. Tờ báo Tấc đất ra đời nhằm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tăng gia sản xuất.

Việc hàn đắp những quãng đê bị vở, củng cố đê điều, giúp dân cấy lại lúa ở những nơi vừa bị ngập, đẩy mạnh trồng màu được thực hiện. Tuy chính phủ gặp khó khăn lớn về tài chính, song đã phải chi hàng triệu đồng để lo việc sửa chữa, tu bổ đê điều.

Để giúp nông dân có thêm ruộng đất cày cấy, chính phủ đã cho kê khai những ruộng đất thừa rồi cho nông dân mướn gieo trồng.

Ruộng đất của Việt gian và đế quốc bị tịch thu, đem chia cho nông dân nghèo thiếu ruộng; chia lại ruộng đất công cho công bằng hợp lí theo nguyên tắc dân chủ cho mọi công dân cả nam lẫn nữ; tạm giao ruộng đất bỏ hoang cho nông dân thiếu ruộng; miễn thuế cho dân vùng bị lụt; giảm 20% thuế ruộng đất; quyết định giảm tô 25% cho tá điền giúp đỡ nông dân về vốn, nông cụ, hướng dẫn kĩ thuật canh tác... Bộ Canh nông đã phổ biến chương trình tổ chức hợp tác xã trong nông nghiệp và được nông dân nhiều nơi hưởng ứng.

Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo tích cực của chính phủ và sự nỗ lực của toàn dân, trong một thời gian ngắn, chúng ta đã giành được kết quả lớn. Vụ thu lúa chiêm năm 1946 ở Bắc Bộ đã tăng hơn vụ chiêm năm 1945 khoảng 100.000 tấn. Vụ mùa năm 1946 ở Bắc Bộ đã sản xuất trên một diện tích 890.000 ha với sản lượng 1.155.000 tấn lúa. Nạn đói bị đẩy lùi, đời sống nhân dân dần dần được ổn định. Đây “thực là một kì công của chế độ dân chủ”[15].

Các ngành kinh tế công thương nghiệp, giao thông vận tải v.v... cũng đã dần dần khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ còn cho khôi phục các mỏ than ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nanh Bình, mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi (Vinh), quản lí và khai thác kinh doanh hệ thông đường bộ, đường thủy, hàng không, thông tin liên lạc. Đối với một số xí nghiệp của tư bản Pháp và tư bản nước ngoài, ta vẫn cho họ tiếp tục kinh doanh theo luật lệ và chịu sự kiểm soát của chính phủ.

Giai cấp công nhân được hưởng chế độ lao động ngày làm 8 giờ, được quyền học chính trị và quân sự chủ xí nghiệp và hãng buôn muốn cho công nhân thôi việc phải báo trước và phải cho công nhân hưởng phụ cấp thôi việc. Lợi ích của công nhân được giải quyết phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, đáp ứng yêu cầu phục hưng kinh tế. Chính vì vậy mà quyền lợi, quan hệ giữa nghiệp chủ và người lao động phải dung hòa để tập trung sức vào kiến quốc.

Về tài chính, Nhà nước đã xóa bỏ các thứ thuế vô lí và bất công của chế độ cũ; đã động viên nhân dân đóng góp bằng các hình thức như xây dựng “quỹ độc lập,” “quỹ đảm phụ quốc phòng, tổ chức “tuần lễ vàng”, “quỹ Nam Bộ”, “quỹ kháng chiến”, “quỹ bình dân học vụ”... Với tinh thần yêu nước nồng nàn, vì độc lập tự do cửa Tổ quốc, nhân dân Việt Nam không phân biệt giai cấp, tôn giáo, người có nhiều đóng góp nhiều, người có ít đóng góp ít để ủng hộ chính phủ.

Nhân dân ta đã tự nguyện góp được 370 kg vàng, 20 triệu đồng vào quỹ độc lập và 40 triệu đồng vào quỹ đảm phụ quốc phòng.

Để xây dựng nền tiền tệ độc lập, ngày 31-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 18 B/SL - phát hành giấy bạc Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam. Đồng bạc Việt Nam được nhân dân hoan nghênh và tín nhiệm. Đến tháng 11-1946, tiền Việt Nam được lưu hành trong cả nước. Ở miền Nam, do chiến sự ác liệt nên ủy ban kháng chiến cho đóng dấu giấy bạc ngân hàng Đông Dương để lưu thông thay tiền Việt Nam. Đến trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng tiền Việt Nam căn bản đã thay thế giấy bạc ngân hàng Đông Dương trên thị trường vùng tự do ở nước ta. Đây là một thắng lợi lớn trên mặt trận tiền tệ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đi đôi với việc xây dựng nền tiền tệ độc lập, chính phủ và nhân dân ta đã đấu tranh chống lại mọi âm mưu phá rối nền tài chính của ta bởi các thế lực đế quốc đang chiếm đóng trên đất nước ta lúc bấy giờ.

5. Giáo dục và văn hóa

Thực hiện chính sách ngu dân là một trong những phương pháp độc ác mà thực dân Pháp áp dụng để cai trị dân ta, vì thế hơn 90% đồng bào ta mù chữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói : “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”[16], vì vậy Người đã đề ra chủ trương mở một chiến dịch chống nạn mù chữ.

Những người đã biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, những người chưa biết chữ gắng sức học cho biết chữ. Nha Bình dân học vụ được thành lập để phụ trách việc chống nạn mù chữ, phong trào bình dân học vụ phát triển sôi nổi và rộng khắp. Sau một năm thực hiện, chúng ta đã mở được 75.805 lớp học, có 97.664 người tham gia dạy học và hơn 2,5 triệu học viên đã biết đọc, biết viết. Các trường học từ hệ tiểu học, trung học đến đại học bắt đầu khai giảng trở lại. Mục đích giáo dục của chúng ta nhằm đào tạo học sinh thành những công dân tốt, những cán bộ tốt để phụng sự quốc gia.

Tháng 9-1945, nhân ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong thư gửi cho các em học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: nền giáo dục của chúng ta là nền giáo dục của một nước độc lập một nền giáo dục sẽ đào tạo học sinh thành những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[17].

Năm học 1945 - 1946, ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã mở được 5654 trường tiểu học với 206.784 học sinh, 25 trường trung học với 7.514 học sinh.

Ở bậc đại học và cao đẳng, đã khai giảng lại các trường Y khoa, Dược khoa, Cao đẳng kĩ thuật, Cao đẳng công chính, Cao đẳng canh nông, Thú y Bộ Giáo dục cho mở thêm trường đại học Văn khoa và mở lớp chính trị xã hội thay cho trường luật của chế độ cũ. Các môn học đều được giảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ, từ các lớp phổ thông đến bậc đại học.

Những nguyên tắc của nền giáo dục mới đã được ban hành theo Sắc lệnh số 146/SL. Nền giáo dục mới là một nền giáo dục duy nhất được đặt trên ba nguyên tắc cơ bản là: đại chúng hóa, dân tộc hóa, khoa học hóa và theo tôn chỉ phụng sự lí tưởng quốc gia và dân tộc.

Văn học, nghệ thuật cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Các văn nghệ sĩ đã hướng vào cuộc sống xây dựng và chiến đấu của dân tộc theo ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: văn hóa, văn nghệ “muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật, phải trở về với cuộc sống sinh hoạt thực tại của con người”[18].

Các loại văn báo chí được phát triển, văn xuôi chủ yếu là kí và truyện ngắn, phát triển mạnh hơn cả là thơ. Nội dung các tác phẩm đều nhằm vào chủ đề yêu nước, độc lập tự chủ và căm thù giặc.

Trào lưu văn học cách mạng đóng vai trò chủ đạo và vươn lên mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nền văn học mới của dân tộc.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hội Văn hóa cứu quốc đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất (9-1945). Tờ báo Tiền phong, cơ quan vận động văn hóa mới ra đời. Các chi hội văn hóa địa phương cũng lần lượt được thành lập và xuất bản báo ở địa phương.

Tháng 11-1946, Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất họp tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự khai mạc. Trong diễn văn khai mạc, Người đã vạch rõ phương hướng nền văn hóa mới của Việt Nam là phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ; phải làm cho ai cũng có lí tưởng tự chủ, độc lập. Người đã kêu gọi các nhà hoạt động văn hóa phải chú ý đến nhi đồng, lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ[19].

Báo chí cách mạng và công tác xuất bản sớm trở thành vũ khí sắc bén để chống giặc ngoài thù trong, nêu cao ý thức yêu nước, căm thù giặc. Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng từ ngày đầu cách mạng thành công đã phát triển mạnh mẽ và rộng lớn.

Cuộc sống mới đang hình thành và đẩy lùi mọi tệ nạn của xã hội cũ ra khỏi đời sống xã hội.

Thành quả một năm kiến quốc, xây dựng chế độ mới đã đặt nền móng vững chắc, tạo dựng sức mạnh to lớn của dân tộc trên nên tảng dân chủ nhân dân để chiến đấu và chiến thắng giặc ngoài thù trong, đưa nước nhà vượt qua tình thế hiểm nghèo vào những năm 1945 - 1946.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4652-02-633921709737028750/Xay-dung-va-bao-ve-che-do-dan-chu-cong-ho...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận