Tài liệu: Núi Fuji (Phú Sĩ) biểu tượng của đất nước mặt trời mọc

Tài liệu
Núi Fuji (Phú Sĩ) biểu tượng của đất nước mặt trời mọc

Nội dung

NÚI FUJI (PHÚ SĨ) BIỂU TƯỢNG

CỦA ĐẤT NƯỚC MẶT TRỜI MỌC

 

Núi Fuji gọi theo âm Hán - Việt là núi Phú Sĩ, thuộc Tỉnh Shizuoka (Sizuôka), cách Tokyo không đầy 100km về phía Tây Nam. Fuji là ngọn núi lửa cao nhất Nhật Bản (3775,6 mét), với hình chóp nón trông rất hùng vĩ. Người ta nói rằng tên của ngọn núi này bắt nguồn từ động từ thổi bật ra trong ngôn ngữ của người Ainu. Những cư dân cổ xưa trên hòn đảo này vào hai vạn năm trước có thể chính họ đã được chứng kiến cảnh núi lửa hoạt động với những đợt khói lửa tuôn ra cùng các trận mưa nham thạch, và nó diễn ra vào đúng dịp gió Tây thổi lại, đã tạo nên đỉnh chóp nón tuyệt vời như ngày nay. Lần phun lửa cuối cùng của nó vào năm 1707. Hiện tại, Fuji là ngọn núi lửa đã chết, nhưng gần đây có tin đồn rằng nó có khả năng hoạt động trở lại. Và trong dân gian Nhật Bản vẫn còn truyền lại rằng: tên của Fuji trước đây là Fushi, nghĩa là Bất tử. Cái tên ấy bắt nguồn từ câu chuyện huyền thoại về Ông lão đốn tre rằng: ''Ngày xửa ngày xưa có một ông già sống bằng nghề đốn củi. Một hôm, ông vào rừng vừa chặt tre thì thấy bên trong ống tre có một em bé gái. Ông bèn ẵm về nuôi nấng tận tình và đặt tên cho cô bé là Kaguya Hime (Kagưia Himê). Lớn lên, Hime trở thành một thiếu nữ có nhan sắc tuyệt vời. Nhiều chàng trai từ khắp nơi đến xin cưới nàng làm vợ, nhưng nàng không ưng thuận. Hime vốn là nàng tiên sống ở trên cung trăng, nhưng phạm tội đã bị đày xuống trần thế. Hết hạn, Hime phải trở về thượng giới. Trước khi về, nhớ ơn trần thế cưu mang mình, nàng đã tặng Vua Nhật Bản một gói thuốc trường sinh. Nhưng Vua cũng rất yêu nàng. Nếu uống thuốc trường sinh, sống mãi mà không có nàng bên cạnh thì cuộc sống của nhà Vua chẳng có ý nghĩ gì. Vì thế Vua quyết định sai cận thần đổ thuốc vào ngọn núi cao nhất Nhật Bản. Từ đấy, ngọn núi ấy là Bất tử”.

Ngày nay, khí hậu quanh vùng Fuji rất ổn định. Hoa cỏ tươi tốt, chim muông phong phú. Nơi đây lại có nhiều ao, hồ, nên cảnh quan càng trở nên ngoạn mục hấp dẫn khách du lịch và cư dân đến sinh sống. Tại đây, có những khu biệt thự chỉ thấy chủ nhân xuất hiện vài tuần lễ vào dịp nghỉ Hè. Hàng năm, Núi Fuji được mở cửa cho du khách thưởng ngoạn trong vòng hai tháng. Từ ngày 1 tháng 7 người ta làm lễ mở cửa ở Núi Gogome thuộc Cửa Yoshida (Iôsiđa). Ngày 31 Tháng 8 mọi hoạt động chính thức kết thúc, nhưng trước đó vào ngày 26 đến 27 lễ đốt lửa đóng cửa núi đã được tiến hành. Đây là thời gian có khí hậu lý tưởng nhất ở Fuji. Trên đỉnh núi gió nhẹ, nhiệt độ từ 50C đến 60C.

Mặc dầu thời gian mở cửa núi không dài do tuyết phủ, song hàng năm vẫn lôi cuốn hai triệu người Nhật Bản và người nước ngoài đến tham quan du lịch ở Núi Fuji. Họ đến để được ngắm nhìn sự kỳ vĩ của nó ở độ cao trên 2.000m như là cứ leo mãi sẽ tới Thiên đình.

Lên núi Fuji có năm đường leo chính. Ở mỗi đoạn đường người ta đặt các trạm nghỉ, bán hàng giải khát, món ăn nhẹ với giá càng lên cao càng đắt. Ở đây, có các nhà trọ trên gần đỉnh núi đủ chỗ cho hàng nghìn người có thể nghỉ lại qua đêm. Có hai con đường đi vòng quanh miệng núi. Vòng ngoài đi hết khoảng 1 giờ rưỡi, vòng trong khoảng 70 phút. Ở đó, có nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, một miếu thờ Nữ Thần núi, một trạm bưu điện hoạt động trong hai tháng hè. Vào năm 1955, bên cạnh điểm cao nhất, người ta xây dựng một radar khí tượng. Lòng chảo phía trong là dấu tích của miệng núi lửa rộng khoảng 500m, sâu 200m.

Với người Nhật, Fuji là biểu tượng của sự may mắn: thứ nhất Fuji, thứ nhì Naka, thứ ba Nasu. Nghĩa là, vào đêm mồng một Tết, may mắn nhất là những người nằm mơ thấy núi Fuji, thứ nhì là chim ưng, thứ ba là cà tím. Nhiều người sùng bái Fuji đã đứng ra thành lập một tổ chức tín ngưỡng Núi Fuji gọi là Fujiko. Vào thời Edo (Thế kỷ XVII-XIX) nhiều gia đình ở Edo (nay là Tokyo) vì thấy không phải lúc nào cũng có điều kiện leo núi Fuji nên đã đắp một Fuji giả cạnh nhà để cho tâm hồn thanh thản và cầu sự linh ứng. Nhưng trên thực tế, Fuji không phải là ngọn núi không phải không nguy hiểm. Nhiều người leo núi đá đã chết do đá của người khác đạp phải lăn xuống. Ngày xưa, người ta cho rằng những người này bị Thần núi bắt. Đấy là Nữ Thần Konohanasaku Hime - một cô gái xinh đẹp, da trắng, vợ Thiên hoàng ngày xưa.

Dù sao thì cái đẹp và hùng vĩ của ngọn núi này chẳng ai có thể phủ nhận được. Nhiều nhà thơ đã lấy Fuji làm niềm thi hứng:

Tôi sẽ ngợi ca,

Ngọn núi quê nhà.

Cho đến khi nào,

Vẫn còn hơi thở.

Và, trong số rất nhiều bức tranh vẽ về Fuji có bộ 36 cảnh núi Fuji (Fugaku Sanfurokkei) của Katsushika Hokusai (1760- 1849) là nổi tiếng nhất, vĩnh viễn để lại trong lịch sử của nền mỹ thuật Nhật Bản.

ĐẶNG XUÂN KHÁNG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/170-02-633386705088437500/95-Di-san-tieu-bieu/Nui-Fuji-Phu-Si-bieu-t...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận