Tài liệu: Nước Đức - Ô nhiễm và bảo tồn môi trường thiên nhiên

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, mọi người đều biết rằng ô nhiễm không khí đã giết chết khu Rừng Đen quý giá và phá hủy những vùng đất canh tác khác của nước Đức
Nước Đức - Ô nhiễm và bảo tồn môi trường thiên nhiên

Nội dung

Ô nhiễm và bảo tồn môi trường thiên nhiên

Vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, mọi người đều biết rằng ô nhiễm không khí đã giết chết khu Rừng Đen quý giá và phá hủy những vùng đất canh tác khác của nước Đức. Mưa axit, sinh ra do nước mưa nhiễm các độc tố, làm mất cân bằng hoá học trong đất và huỷ diệt cây cối. Các dấu hiệu thậm chí có thể quan sát bằng mắt thường: những ngọn cây lơ thơ lá bị héo vàng. Nhận thức này đã đóng góp cho một “cuộc cách mạng xanh” trong những năm sau đó, khi đã rõ ràng là thành công về kinh tế cũng có mặt trái của nó. Sự phát triển của kinh tế Tây Đức đã dẫn đến nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, giao thông đi lại nhiều hơn và đô thị mở rộng đáng kể. Tất cả những điều đó đã tác động đến cảnh quan và không khí.

Ngoài ra, việc sử dụng than non của Đông Đức trước đây, việc nằm gần những nước cộng hoà bị ô nhiễm nặng thuộc Liên Xô cũ và hoạt động giao thông vận tải quá lớn là những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí. Năm 1996, rừng của nước Đức đã bị xâm hại đến mức chỉ 43 % có thể được coi là xanh tốt.

Ô nhiễm không khí không phải là vấn đề duy nhất. Trong những năm 1970, nhiều sông hồ cũng bị ô nhiễm nặng khi rất ít chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải từ các trạm phát điện được qua xử lý. Vì các sông lớn của nước Đức đều chảy về phía bấc nên cả hai biển Ban Tích và biển Bắc đều là điểm chịu tác động cuối cùng và, thêm vào, chúng còn phải hấp thụ trực tiếp rác thải từ tầu thuyền và các giàn khoan dầu trên biển thải ra.

Kiểm soát chất độc hại

Công chúng Đức được thống tin rất đầy đủ về những vấn đề này. Do đó, phong trào xanh phát triển mạnh hơn và chính phủ đề ra một loạt những luật và chế định để giảm những chất độc hại thoát ra từ sản xuất công nghiệp, các nhà máy điện và các loại xe có động cơ. Nhiều điểm xử lý chất thải mới được xây dựng và những xe hơi “sạch hơn” được chế tạo khi chính phủ áp thuế vào xe có động cơ trên cơ sở lượng chất độc thải ra môi trường. Việc tái thống nhất đưa đến những vấn đề riêng của nó, do việc thực sự thiếu kiểm soát ở Đông Đức nên đã để lại một số vùng công nghiệp nặng và sản xuất hoá chất không chỉ bị ô nhiễm, mà về cơ bản đã bị nhiễm độc.

Các vấn đề hiện tại

Cho đến cuối thế kỷ 20, đã có những cải thiện lớn trong tất cả các lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm, nhưng các chất độc hại thoát ra từ phương tiện giao thông vẫn còn là một vấn đề lớn. Mặc dù việc sử dụng xăng không chì, bộ đổi điện xúc tác, nhiên liệu sạch hơn và chế tạo động cơ tốt hơn đã thu được một số kết quả, nhưng chúng vẫn bị sự gia tăng ghê gớm về số lượng xe hơi đe dọa. Hiện tại có hơn 44 triệu xe hơi và 4,5 triệu xe tải lưu thông trên các con đường của nước Đức.

Ô nhiễm công nghiệp đã giảm bớt về căn bản. Hiện nay, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu là nông nghiệp thâm canh, nơi mà dư lượng các loại phân bón và thuốc trừ sâu độc hại được tháo từ đồng ruộng vào các con sông gây ra ô nhiễm. Việc khuyến khích hoạt động nông nghiệp không dùng hoá chất hiện nay đang thu được thành công bước đầu như một phương pháp để hạn chế ô nhiễm trên những cánh đồng.

Tại các khu rừng “chết” của Đức, từng được coi như thước đo mức ô nhiễm không khí, hiện nay đang trình diễn một bức tranh thú vị. Mặc dù vấn đề ô nhiễm không khí gia tăng từ những năm 1970 trở nên nghiêm trọng đến mức gây tác hại hầu như đến mọi loại cây, nhưng ngày nay đã có sự giảm bớt ổn định về mức độ hư hại nghiêm trọng. Tỷ lệ trung bình của những cây không khoẻ mạnh vẫn còn ở mức báo động 37%. Tuy nhiên, tỷ lệ “bị hư hại nghiêm trọng” đang giảm đáng kể khi mà tình trạng cây cối tại các cánh rừng ở Đông Đức trước đây đang được cải thiện vững chắc.

Rác thải tái chế

Sự nổi lên của phong trào “xanh” trong những năm 1970 đã thay đổi hẳn quan niệm nhận thức của xã hội tiêu thụ Đức. Trước đây, nhiều hàng hoá (và cả những bao gói của chúng) đơn giản là bị vứt bỏ sau khi sử dụng, nhưng giờ đây mọi người phải xem chúng như những thứ có khả năng phá hoại nghiêm trọng môi trường và gây lãng phí tài nguyên.

Hai phương pháp xử lý rác thải chủ yếu là chôn lấp tại các bãi rác và đốt. Mức tiêu dùng tăng đã tạo ra nhiều rác thải hơn, và do đó cũng cần những khu chôn lấp rác nhiều hơn về số lượng và lớn hơn về quy mô, cùng với đó là việc xây thêm nhiều lò đốt rác để giải quyết những “núi rác”. Các bãi rác không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước mà còn tạo ra một bầu không khí độc hại ở các khu lân cận vì các chất thải trong quá trình phân hủy gây ra những chất và những khí độc hại. Việc đốt bừa bãi rác thải trong các lò đốt rác lớn cũng dẫn đến ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Vào đầu những năm 1990, việc xử lý rác thải đã trở thành một ngành công nghiệp mới quan trọng và công nghiệp tái chế rác rất phát đạt. Rác thải bây giờ được phân loại ngay từ điểm thu gom. Các thùng rác công cộng có các ngăn dành cho các loại rác thải khác nhau và các hộ gia đình thường có một số thùng rác, do đó mọi người phải phân loại rác thải trước khi việc gom rác công cộng được tiến hành. Một vài lần mỗi năm, mỗi địa phương tiến hành gom loại rác đặc biệt (sperrmull) như đồ đạc nội thất.

Chính quyền Đức thấy rằng, sử dụng biện pháp tài chính là cách thức hiệu quả nhất để kiểm soát một số loại rác thải đặc biệt. Hiện nay đã trở nên phổ biến việc người mua phải chi một khoản tiền đặt cọc khi mua một loại hàng đóng chai nào đó, và sẽ nhận lại tiền khi trả lại chai. Biện pháp này đã giúp giảm đáng kể lượng rác thải thuỷ tinh, và hiện nay đang được mở rộng ra áp dụng cho các loại bình chứa làm bằng các chất liệu khác.

Dosenpfand

Từ ngày 1 tháng giêng năm 2003, người tiêu dùng phải chi một khoản tiền đặt cọc cho các loại bình chứa và chai nhựa mà nói chung thường được coi là dùng xong vứt luôn. Một đạo luật (thông qua 1991) quy định là 72% các vỏ chứa đồ uống phải được thu hồi để sử dụng lại, và nếu con số thấp hơn mức này thì phải có biện pháp. Vì thế mới đề ra tiền đặt cọc (Dosenpfand).

Mặc dù về lý thuyết ba phần tư dân cư đồng ý với quy định mới này, nó vẫn không được ưa chuộng. Một nguyên nhân là mức tiền đặt cọc có sự thay đổi lớn từ cửa hàng này đến cửa hàng khác. Một điều phức tạp khác là thương mại và công nghiệp không thể thỏa thuận được một hệ thống tái chế chung. Kết quả, người mua phải trả chai hoặc can đúng vị trí đã mua (thật bất tiện nếu mua đồ uống ở các điểm dịch vụ trên đường cao tốc). Tuy nhiên, có vẻ như một giải pháp khả thi sẽ sớm được tìm ra để mọi bên đều có lợi.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2815-02-633547513425946250/Tai-nguyen-nang-luong-va-moi-truong/O-nhi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận