Một nền kinh tế được tái thống nhất
Vào thời điểm tái thống nhất, nền kinh tế của Tây Đức và Đông Đức nhìn chung rất giống nhau. Cả hai đều đã tập trung vào công nghiệp, đặc biệt và sản xuất máy công cụ, hoá chất, xe hơi và hàng hoá có độ chính xác cao, mặc dù xuất khẩu của hai nước đi theo những hướng trái ngược nhau (Tây Đức hướng về EU và Mỹ, còn Đông Đức hướng về khối xã hội chủ nghĩa).
Tuy vậy, tháng 7 năm 1990, nền kinh tế của hai nước đã nhập làm một. Lần đầu tiên trong lịch sử cớ việc một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa sáp nhập với một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Những vấn đề không thể tiên liệu lập tức nảy sinh, trong đó khắc nghiệt nhất là vấn đề năng suất tương đối kém của Đông Đức trước dây và những liên quan chặt chẽ của nó với những nền kinh tế đang sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu.
Xây dựng lại Đông Đức
Chính phủ Tây Đức đã tiến hành các biện pháp nhằm điều chỉnh nền kinh tế Đông Đức và đến cuối năm 1994, khoảng 14.000 công ty đã được tư nhân hoá. Đồng mác Đông Đức không thể chuyển đổi được và không có giá trị quốc tế đã được đổi sang đồng Mác Đức (Deutschmark) đầy sức mạnh trên cơ sở một đổi một, nhưng điều này có nghĩa là giá trị tiền lương của Đông Đức đã tăng quá lớn so với năng suất. Việc làm đã không còn đủ cho tất cả số công nhân và nạn thất nghiệp không chỉ lần đầu tiên xuất hiện, mà còn tăng lên với mức độ rất cao.
Những nhà đầu tư tiềm năng đã rất nản chí do sự không rõ ràng trong các chính sách về quyền làm chủ hợp pháp đất đai và tài sản, và do hạ tầng cơ sở yếu kém của Đông Đức. Ngoài ra, nhiều trạm điện buộc phải ngừng hoạt động vì lý do an toàn dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng. Các khu công nghiệp bị ô nhiễm nặng, cần có nguồn tài chính đáng kể để làm sạch đường bộ và đường sắt được bảo quản kém đến mức gần như chúng phải được xây dựng lại, còn các mạng viễn thông đã lạc hậu quá mức. Do đó, không ngạc nhiên là mặc dù việc tái thống nhất đất nước đã mở ra những thị trường nội địa mới cho các công ty của Tây Đức, nhưng đa số đã chọn hướng mở rộng những nhà máy đang hoạt động của mình ở phương Tây.
Tài trợ công cộng
Do không sẵn có nguồn tài chính tư nhân để duy trì nền kinh tế ở Đông Đức trước đây, chính phủ đã rót đến hơn 100 tỷ bảng Anh từ ngân sách cho công cuộc tái thiết Đông Đức trong 3 năm đầu sau khi tái thống nhất, và tiếp tục ở mức 50 tỷ bảng mỗi năm sau đó. Nó được tài trợ một phần bởi “Thuế đoàn kết”, một bổn phận được ấn định cho tất cả những người Đức đóng thuế, để giúp đỡ xây dựng lại miền Đông. Mặc dù vậy, nền kinh tế phía đông vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và hiện lực lượng lao động vẫn đang có chiều hướng đều đặn đi sang miền tây để tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt hơn.