Tài liệu: Nước Đức - Lâm nghiệp và ngư nghiệp

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Việc quản lý và bảo tồn môi trường đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong lâm nghiệp và ngư nghiệp ở Đức.
Nước Đức - Lâm nghiệp và ngư nghiệp

Nội dung

LÂM NGHIỆP VÀ NGƯ NGHIỆP

            Việc quản lý và bảo tồn môi trường đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong lâm nghiệp và ngư nghiệp ở Đức. Rừng chiếm 32% tổng diện tích của đất nước này, trong đó đa số là núi. Chỉ có 34% đất đai là có thể canh tác được. Rừng đã cho một sản lượng gỗ tấm và các sản phẩm từ gỗ như đồ đạc trong nhà, vật liệu xây dựng và đồ chơi, vốn sử dụng các loại gỗ thông, gỗ sồi, gỗ cơm cháy, gỗ đoan và những loại gỗ quý hơn. Tuy nhiên khối lượng gỗ tấm luôn luôn phải được bổ sung bằng nguồn gỗ nhập khẩu.

            Luật pháp ở đây qui định những người chủ rừng phải thường xuyên duy trì rừng của họ và trồng lại những khu vực đã được khai thác. Mối quan tâm của quần chúng với sự suy thoái nguồn tài nguyên này đã dẫn tới việc ban hành Đạo luật Bảo tồn và Xúc tiến Rừng vào năm 1975, đồng thời với việc giảm bớt số lượng khai thác gỗ thương mại. Từ đầu thập kỷ 1980, tình trạng ô nhiễm công nghiệp và khí thải ô tô ngày một gia tăng đã bị qui lỗi cho việc gây ra nạn trụi rừng vốn đã ảnh hưởng tới một nửa diện tích rừng của đất nước, và làm rụng lá đồng thời làm chậm đi quá trình tăng trưởng của cây. Khi thống nhất, sự thiệt hại này đã được phát hiện là khá cao ở Đông Đức.

            Người Đức đã coi các rừng cây là những khu vực giải trí quan trọng, đặc biệt là ở gần các thành phố, nơi chúng có tác dụng xoa dịu stress và ô nhiễm từ cuộc sống đô thị. Những bang có diện tích lớn về rừng là Bavaria, Hessen, và Rhineland Palatinate, nhưng cũng có những khu vực rừng rậm ở phía Đông Bắc tại phía Nam Đông Đức cũ.

            Ngành công nghiệp đánh cá của Tây Đức đã suy thoái từ thập kỷ 1970, do sự bành trướng của những vùng đánh cá của nước ngoài và sự giảm thiểu trữ lượng cá ở các vùng nước của quốc gia này. Do đó đội tàu đánh cá nước mặn của Tây Đức đã giảm từ 110 chiếc vào năm 1970 xuống chỉ còn 16 chiếc vào cuối thập kỷ 1980. Sản lượng cá đánh bắt được cũng  giảm, chỉ còn một phần sáu lượng cá trích, một phần ba lượng cá tuyết, và một nửa lượng cá hồi. Trong khi đó ngành đánh cá tập thể của Đông Đức chịu tổn thất ít hơn và có một đội tàu lớn hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương và Biển Baitic.

            Vào đầu thập kỷ 1990, các loại hải sản do Đức đánh bắt hàng năm bao gồm những loại như cá trích Đại Tây Dương, trai xanh, cá thu Đại Tây Dương, cá tuyết và các loại cá bẹt. Việc sản xuất cá nội địa, đặc biệt là cá chép và cá hồi, đã gia tăng rất nhiều bằng cách nuôi cá trong các hồ và quản lý cá một cách có hệ thống trong các dòng sông và hồ nước. Tuy nhiên việc thống nhất đã đem lại một số khó khăn cho khu vực Đông Đức do các đội tàu đánh cá và các thiết bị đã lạc hậu và kém hiệu quả. Rostock, cảng đánh cá chính của Đông Đức đã có mức độ thất nghiệp giống như các cảng cá khác dọc theo Biển Bắc và Biển Baltic.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1972-02-633469600661562500/Kinh-te/Lam-nghiep-va-ngu-nghiep.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận