TRUYỀN THÔNG
BƯU ĐIỆN
Bưu điện của Anh Quốc được thành lập từ năm 1635 và đã được ghi nhận trong lịch sử về việc phát hành bộ tem thư nổi tiếng ‘Penny Black’, bộ tem có keo dán đầu tiên trên thế giới, vào năm 1840. Năm 2001, Tập đoàn Bưu điện, một công ty sở hữu công cộng, đã đổi tên thành Consignia. Hoạt động của Consignia được chia thành ba khối dịch vụ: Royal Mail phụ trách việc đưa các loại thư tín, Parcelforce phụ trách việc chuyển giao bưu kiện, và Post Office phụ trách các dịch vụ lẻ cho công chúng. Post Office còn phụ trách việc chi trả lương hưu và các phúc lợi của nhà nước, phát hành các loại giấy phép, thu các loại hóa đơn của các công ty, và cung ứng dịch vụ ngân hàng cho một số ngân hàng trong nước. Ngoài ra đơn vị này cũng phát hành các loại ngoại tệ, séc du lịch, bán bảo hiểm du lịch và làm đại lý cho công ty Western Union trong các dịch vụ chuyển tiền. Khắp nước Anh có đến 19.000 nhà bưu điện phục vụ cho các nhu cầu của công chúng.
Chính phủ cũng đã tranh luận sôi nổi về việc tư hữu hóa các chức năng của Consignia. Và cho đến nay, việc độc quyền đưa thư của công ty này cũng chỉ mới xóa bỏ trong lĩnh vực chuyển phát nhanh, để cho các công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Lượng thư tín vẫn tiếp tục gia tăng, bất kể sự tăng trưởng của dịch vụ viễn thông. Tình hình này và do sự tăng trưởng của lượng thư tiếp thị gửi ồ ạt đến khách hàng.
VIỄN THÔNG
Anh Quốc có một trong những hệ thống viễn thông lớn nhất và tiên tiến nhất về mặt công nghệ trên thế giới. Cơ quan Viễn thông Anh Quốc, vốn đã một thời độc quyền về dịch vụ điện thoại, đã được tư hữu hóa vào năm 1984, và ngày nay phải đương đầu với sự cạnh tranh ngày một gia tăng của những nhà cung ứng khác. Ngành công nghệ viễn thông đã tiến bộ nhanh chóng, với những công ty cung ứng những loại dịch vụ mới như truyền thông di động, truyền thông với nước ngoài bằng cáp và bằng vô tuyến, và truyền hình cáp. Ngành công nghiệp này được điều hành bởi Văn phòng Viễn thông, một cơ quan của chính phủ do tổng giám đốc viễn thông đứng đầu. Văn phòng Viễn thông này xúc tiến sự cạnh tranh trong ngành công nghiệp viễn thông, điều hành để các công ty tuân thủ các qui định, và điều tra về những lời khiếu nại.
TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG
Trước đây, việc phát sóng ở Anh Quốc được coi như một dịch vụ công cộng do quốc hội quản lý. Trong vài thập kỷ gần đây việc phát sóng này đã được đưa vào thị trường tự do. Đài BBC, được thành lập năm 1922,là một dịch vụ phát thanh và truyền hình công cộng được hỗ trợ chủ yếu bằng phí đóng góp của các hộ gia đình. Đến năm 1955 ITV (Independent Television) được cấp giấy phép và bắt đầu cạnh tranh với BBC. Ngoài ra còn có rất nhiều những công ty truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh, cũng như những đài phát thanh độc lập.
Việc xem ti vi ở Anh Quốc là một trong những hoạt động tiêu khiển phổ biến nhất. Bình quân mỗi người Anh bở ra mỗi ngày trên ba tiếng rưỡi để xem ti vi. Có trên 97% gia đình ở Anh Quốc có ti vi màu và 73% gia đình có đầu máy vi deo. Hầu như mỗi nhà đều có radio và có khoảng 70% dân số nước Anh nghe radio hàng ngày.
BBC 1 và BBC 2 là những hệ thống truyền hình quốc gia bổ sung cho nhau: một kênh có những chương trình phổ biến cho các khán giả nói chung, còn kênh kia có các màn, trình diễn đáp ứng cho nhu cầu của từng nhóm người cụ thể. Đài BBC không phát quảng cáo và thường xuyên có các chương trình về giáo dục. Các cuộc họp của quốc hội được phát sóng tự do trên cả đài phát thanh lẫn truyền hình. Ngoài ra Anh Quốc còn có đài ITV, được cấp phép cho các công ty truyền hình tư nhân ở 14 khu vực phát sóng. Những công ty tư nhân này tự trang trải chi phí bằng cách thu nhận quảng cáo và tài trợ.
Đài BBC có 5 mạng lưới phát sóng radio trong khắp nước Anh. Ngoài ra còn có ba đài truyền thanh quốc gia độc lập, cùng với nhiều đài phát thanh địa phương độc lập khác. Những đài phát thanh độc lập này do cơ quan phụ trách về radio cấp giấy phép. Chương trình phát thanh quốc tế của đài BBC phát sóng ra khắp thế giới với 45 thứ ngôn ngữ khác nhau.
Năm 1990 Đạo luật Phát sóng được thông qua nhằm đảm bảo các chuẩn mực trong việc phát sóng, sự chính xác của tin tức, và sự cân đối trong các đề tài được bàn cãi, đồng thời
khích lệ sự cạnh tranh trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình. Đạo luật Phát sóng của năm 1996 đề cập đến các công nghệ mới về kỹ thuật số trong việc phát sóng. Hội đồng Tiêu chuẩn Phát sóng được thành lập năm 1997 nhằm đặt ra các chuẩn mực cho các đài phát thanh và truyền hình giám sát các nội dung bạo lực và tình dục, và đáp ứng cho các khiếu nại liên quan đến việc phát sóng.