NGÔ KÍNH TỬ (1701 - 1754) NHÀ TIỂU THUYẾT
CHÂM BIẾM XUẤT SẮC CỦA TRUNG QUỐC
Ngô Kính Tử, tự Mẫn Hiên, hiệu Lạp Dân và Văn Mộc Lão Nhân, người huyện Toàn Tiên, tỉnh An Huy, phía Bắc sông Dương Tử. Gia đình ông mấy đời nổi danh khoa cử: đời cố có tới bốn người đỗ tiến sĩ, đời ông nội có người đỗ Bảng nhãn và Tiến sĩ; đến đời cha chỉ làm Giáo thụ ở huyện, sau bị cách chức vì trái ý quan trên. Bản thân Kính Tử vẫn được sống trong môi trường khoa cử, bà con họ hàng có nhiều người đỗ đạt, quan cao lộc hậu, song truyền thống gia đình đã có dấu hiệu suy vi, phân cách. Sớm thất vọng trước đường quan trường và đường quan lộc do chính đời mình trải nghiệm, lại sẵn tính cách và lối sống phong lưu, chẳng mấy chốc gia sản cha ông để lại đã ''không lại hoàn không”. Bấy giờ bạn bè trở mặt, họ hàng lảng tránh, ông buộc phải dời đi Nam Kinh khi mới tròn tuổi ba mươi. Những tháng năm ''gió bụi" này, ông trải nhiều vất vả thậm trí cực nhọc, đói rét; tất cả đã cho ông thêm nhiều kinh nghiệm trường đời, giúp ông nhìn sâu sắc hơn về hiện tình xã hội. Năm 36 tuổi, ông được tiến cử lên Bắc Kinh dự khoa thi “Bác học hồng từ”, được coi là niềm vinh dự lớn của giới Nho sĩ có cơ may mở ra con đường danh lợi, song ông đã kiên quyết chối từ. Cũng từ đây, ông càng thêm quyết chí hướng vào sáng tác văn học. Ông mất trong cảnh bần hàn tại Dương Châu, khi có 53 tuổi.
Tác phẩm của Ngô Kính Tử có Thi Thuyết (đã thất truyền), Mộc Sơn Phòng thi văn tập (nay còn bốn quyển) và bộc tiểu thuyết châm biếm trường thiên Nho lâm ngoại sử (Chuyện làng nho).
Bộ sách Nho lâm ngoại sử gồm tới 35 chương giàu tính chất tự thuật, chất hiện thực, tập chung mô tả đời sống tinh thần giới tri thức - Nho sĩ và xã hội đời Thanh khoảng giữa thế kỷ XVIII. Với ý thức né tránh sự quy chụp của giới chính trị quan liêu đương thời, ông phải chuyển hóa nhân vật và nội dung câu chuyện vào đời Minh; chuyển tư tưởng, tình cảm và ý đồ nghệ thuật của chính hình bóng cuộc đời mình vào nhân vật Thiếu Khanh - ''con người hào kiệt”. Trong cách nhìn châm biếm, phê phán, ông đã phác họa được nhiều chân dung sinh động, nhiều chi tiết "cười ra nước mắt" và chế độ khoa cử buổi suy tàn; kể từ ý nghĩa đến hành động, khi hàn vi và cả sự nô lệ đến thảm hại vì công danh, qua hàng loạt các nhân vật tiêu biểu như Chu Tiến, Phạm Tiến, Khuông Siêu Nhân…