Người Mông Cổ cai trị châu Á vào thời kỳ nào?
Sự trải rộng của đế quốc Mông Cổ đạt đến mức cực đại vào năm 1294. Lúc bấy giờ, đế quốc đã trải rộng từ sông Đa-nuýp ở phía Tây đến Thái Bình dương phía Đông.
Thành Cát Tư Hãn đã mở đầu chính sách chinh phục bằng cuộc tấn công Trung Hoa. Lúc đầu, những người lính thiện chiến của ông chỉ được tập luyện cho trận đánh trên đất trống trong thảo nguyên. Song rất nhanh, họ đã bắt giữ được những binh lính Trung Hoa có kinh nghiệm và buộc những tù binh này phải phụng sự họ.
Thành Cát Tư Hãn cũng đã thực hiện chiến tranh tâm lý. Ông khủng bố tinh thần các cư dân của những thành phố bị bao vây bằng cách truyền bá những câu chuyện khủng khiếp về số phận của những kẻ chống lại người Mông Cổ.
Năm 1213, những người lính của ông đã vượt qua Vạn Lý Trường Thành. Năm 1215, Bắc Kinh thất thủ và Thành Cát Tư Hãn cai trị toàn bộ miền Bắc Trung Hoa. Sau đó, ông đã đưa đội quân của mình tiến về phía Tây. Kết thúc một chiến dịch 6 năm, ông đến được nước Nga sau khi chinh phục Afghanistan và Ba Tư.
Khi Thành Cát Tư Hãn qua đời vào năm 1227, đế chế được chia ra cho 4 người con trai của ông. Một người trong số họ là Ogodai (Oa Khoát Thai) đã tiến hành chinh phạt phương Tây. Sau khi tàn phá nước Nga, Hung-ga-ri và Ba Lan, Ogodai đã đưa quân Mông Cổ đến tận thành Viên.
Năm 1259, sau cái chết của đại đế Mongke (Mông Kha), đế chế bị lung lay bởi những cuộc tranh giành ngôi kế vị. Được bầu làm Đại đế vào năm 1260, Kubilai (Hốt Tất Liệt) đã thống nhất Trung Hoa về một mối và lập ra triều nhà Nguyên. Sau khi ông qua đời vào năm 1294, đế chế Mông Cổ bị xé lẻ.