Người ta đã có ý nghĩ là Trái đất có vỏ trong từ khi nào?
Nhà triết học Pháp, René Descartes, là người đầu tiên đã hình dung có một thế giới ở dưới sâu khác với thế giới tồn tại trên mặt đất, vào năm 1644. Theo ông, Trái đất là một mặt trời cũ đã trải qua một sự tiến hóa đặc biệt. Tâm của nó được cấu thành từ vật chất của mặt trời và phủ các lớp liên tiếp có bản chất khác nhau: đất nặng, nước, không khí và đất nhẹ. Năm 1749, nhà tự nhiên học Pháp, Buffon, đưa ra giả thuyết về một trái đất đồng tính và đầy một chất giống như thủy tinh có tỷ trọng gần với tỷ trọng của cát. Thế kỷ tiếp theo nổi lên cuộc tranh cãi giữa hai phe “lỏng” và “rắn”. Theo phe thứ nhất thì Trái đất là một quả cầu macma nóng chảy (một ngọn “lửa trung tâm” nuôi dưỡng núi lửa) được bao bọc bằng một vỏ rắn mỏng. Trái lại, phe thứ hai khẳng định rằng hành tinh của chúng ta, lúc đầu nóng chảy, đã rắn lại. Vấn đề chỉ được giải quyết dứt khoát vào năm 1881. Trong năm đó, nhà thiên văn học Pháp, Édouard Roche, dựa vào các tính toán thiên văn và trắc địa cũng như những quan sát thiên thạch[1], đã đưa ra mô hình đầu tiên là Trái đất có một lớp vỏ trong thật sự. Ông phân biệt hai lớp: một nhân sâm ở giữa, có bán kính khoảng 5000 km và tỷ trọng xấp xỉ 7, được bao quanh một lớp đá nhẹ hơn (tỷ trọng 3), với độ dày dưới một phần bảy toàn bộ bán kính (dưới 1000 km đôi chút). Mười sáu năm sau, năm 1897, nhà khoa học Đức, Emil Wiechert, đã đưa ra một mô hình tương tự. Tuy nhiên, nhân sắt của ông hơi nặng hơn (tỷ trọng 7,9-8,6) và vỏ đá dày hơn (1600km).