Vì sao vi khuẩn cần cho sự sống?
Vi khuẩn thực hiện hoạt động cơ bản nhất để duy trì sự sống trên Trái đất là tái chế chất sống. Chẳng hạn, khi thực vật và động vật chết thì một số loài vi khuẩn hoại sinh giúp cho các nguyên tử cacbon của chúng không bị mất đi. Các vi khuẩn này giải phóng nguyên tử cacbon dưới dạng cacbon đioxyt có thể tái sử dụng. Cây xanh thường là mắt xích đầu tiên trong chuỗi thức ăn. Từ cacbon đioxyt (CO2) trong khí quyển và nhờ quang hợp, cây xanh có thể tạo ra chất sống riêng của chúng để mọc. Động vật sống nhờ cây hoặc ăn thịt lẫn nhau. Nếu không có sự tái chế nhờ vi khuẩn "phân hủy'' thì lượng cacbon đioxyt trong khí quyển sẽ chỉ giảm đi và cacbon sẽ nằm lại trong các xác chết.
Một thành phần cơ bản khác của chất sống là nitơ cũng có mặt dưới dạng vô cơ trong đất và khí quyển. Vì vậy thực vật có thể sử dụng một số dạng nitơ vô cơ của đất để tạo ra chất sống. Nhưng tất cả các giai đoạn khác của chu trình nitơ, rất quan trọng cho nông nghiệp, cũng phụ thuộc vào vi khuẩn. Trên thực tế, khi ta gặt lúa, thì cây lương thực này mang theo nitơ lấy từ đất. Người ta có thể bón phân hóa học hoặc phân hữu cơ để bổ sung nitơ cho đất, nhưng cũng có thể trồng cây họ đậu trong một vụ. Cây họ đậu cộng sinh với vi khuẩn có thể cố định trực tiếp nitơ của khí quyển và nitơ tập trung trong cây làm giàu cho đất khi cây chết.